Việt Nam đang đi ngược với thế giới về ưu đãi đầu tư?

Đặng Hoa - 16:24, 17/01/2019

TheLEADERNhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, các hiệp định thương mại tự do luôn đặt ra yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài được đối xử tốt tương đối như doanh nghiệp trong nước thì Việt Nam đang đi ngược lại nguyên tắc này.

Việt Nam đang đi ngược với thế giới về ưu đãi đầu tư?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Kinh tế Việt Nam vừa trải qua một năm 2018 với nhữngthành tựu đáng ghi nhận. Cụ thể, GDP quý 4 tăng 7,31%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, nhưng cao hơn so với quý 2 và quý 3. Tốc độ tăng GDP cả năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục mở rộng ở quý thứ sáu liên tiếp trong chu kỳ tăng trưởng.

Hoạt động của doanh nghiệp trong quý 4/2018 có sự cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,81%, tổng số vốn đăng ký tăng tới 63,68%. Xuất khẩu trong quý 4/2018 ước đạt gần 64,02 tỷ USD, tăng 6,5%. Tính chung cả năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 243,48 tỷ USD, tăng 13,2%, vượt mục tiêu đề ra.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết và cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh doanh là minh chứng cho cải thiện sức khỏe của khu vực doanh nghiệp.

Báo cáo mới đây của CIEM dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,93%, tăng trưởng xuất khẩu ở mức 9,4%; thặng dư thương mại được dự báo ở mức 2,04 tỷ USD và mức tăng giá tiêu dùng bình quân là khoảng 3,88%.

Để đạt được những thành tựu kể trên, các chuyên gia nhìn nhận sự vươn lên của khu vực tư nhân trong nền kinh tế. Khi tiếp cận và bàn về khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là trong các văn kiện và chính sách, đã có sự thay đổi trong tư duy và ngôn từ.

Nếu như hơn một năm trước, những chuyên gia kinh tế hàng đầu như bà Phạm Chi Lan, ông Nguyễn Đình Cung hay ông Lê Đăng Doanh vẫn còn không mấy lạc quan khi nói về khu vực tư nhân thì giờ đây, họ đã dành những lời lẽ tích cực khi bàn về sự lớn mạnh của khu vực được đánh giá là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Cụ thể, đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân gia tăng và tăng trưởng ở mức cao nhất từ trước đến nay, trở thành khu vực có gia tăng lớn nhất cả về tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng. 

Như quan sát của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nội lực của Việt Nam đã tăng lên, thấy rõ nhất ở khu vực kinh tế tư nhân. Trước đây, khu vực này chỉ được nhắc đến với thực trạng tăng mạnh cả về số lượng đăng ký thành lập và số lượng ngừng hoạt động, không hề có sự nổi trội. 

Đến nay, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân nổi lên trong năm ngoái không chỉ hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như trước mà đã chuyển sang các ngành nghề mới như công nghệ, tham gia vào phát triển hạ tầng với các công trình lớn, nổi bật. 

"Chẳng hạn, THACO tăng cường đầu tư cho nhà máy, Vingroup táo bạo khi cho ra đời thương hiệu ô tô VinFast. Mặc dù đến bây giờ vẫn đang là câu hỏi lớn về khả năng thành công của VinFast nhưng tôi cho rằng, cần hoan nghênh các doanh nghiệp như vậy vì không có những người dám chất nhận rủi ro thì không ai dám làm", bà Lan đánh giá. 

Hoặc nếu trước đây, Việt Nam là một bài học thất bại về lĩnh vực phát triển ô tô đối với người Philippines thì nay, ngành ô tô Việt đã được nhắc tên trên bản đồ ngành ô tô thế giới. 

"Nhiều kế hoạch Nhà nước đưa ra trong nhiều năm nhưng thực hiện rất chậm trong khi các doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu tiến hành và làm rất tốt, cần khuyến khích để cho họ thành công. Chẳng cần phải có thêm chính sách hoặc đổ tiền cho họ, chỉ cần đừng tạo rào cản, đừng gây cản trở là được rồi", bà Lan nhìn nhận.

Như việc Sungroup đầu tư vào Vân Đồn, mặc dù còn có nhiều tranh luận về tác động đối với môi trường, cảnh quan, nền tảng để có thể tiếp nhận du lịch tăng mà không tạo áp lực, nhưng bà Lan cho rằng ít nhất cách đầu tư của tư nhân trong hạ tầng hiệu quả hơn hẳn so với nhà nước. 

Chỉ cần không gây cản trở là đã hỗ trợ cho doanh nghiệp

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân trong nước nói riêng và các doanh nghiệp nói chung phát triển, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết. Tuy nhiên, TS. Lê Đăng Doanh cho biết, việc đánh giá cắt giảm vẫn chỉ đang thể hiện trên các con số trong khi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh phức tạp. Thủ tục có giảm thật nhưng chi phí ngoài luật lại tăng lên. 

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, Việt Nam cần thay đổi cách làm, giờ đây không phải là thời đại đi chọn lựa người thắng cuộc mà là đi hỗ trợ người thắng cuộc. Khi các doanh nghiệp đã tự chứng minh được năng lực của mình và vươn lên, Nhà nước cần hỗ trợ họ, đặc biệt là về thể chế. 

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tập trung tìm kiếm động lực trong nước và xem đó là chỗ dựa, là sức mạnh chính cho phát triển kinh tế trong bối cảnh thế giới đang thay đổi mạnh mẽ thay vì đi tìm đâu đó ở bên ngoài. Bởi vì, khi kinh tế trong nước phát triển mạnh, Việt Nam sẽ có đủ lực để chống lại những tác động mà rủi ro bên ngoài có thể mang lại. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, nếu như trong các hiệp định thương mại tự do luôn đặt ra yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài được đối xử tốt tương đối như doanh nghiệp trong nước thì Việt Nam đang đi ngược lại nguyên tắc này. 

"Giờ đây, chúng ta lại đang phải nỗ lực để các doanh nghiệp trong nước được đối xử tương tự với các doanh nghiệp nước ngoài. Nên rà soát, cái gì quá ưu đãi thì nhất thiết phải giảm xuống, không ưu đãi thừa. Cần phải tăng cường nội lực cho doanh nghiệp trong nước", bà Lan bày tỏ quan điểm tại hội thảo Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019 - 2020: Vận hội mới – Yêu cầu mới do CIEM với sự hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức.

Vị chuyên gia này cho rằng, cần tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước; giảm các chênh lệch bất hợp lý giữa doanh nghiệp trong ước và FDI có như vậy mới giảm được khoảng cách giữa hai khu vực này.