Doanh nghiệp tư nhân trỗi dậy mạnh mẽ trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

Việt Hưng - 16:43, 06/12/2018

TheLEADERTập đoàn Vingroup vừa trở thành đại diện tư nhân đầu tiên và duy nhất lọt vào Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam VNR500 đồng thời duy trì vị thế dẫn đầu khối doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Ngày 5/12/2018, Vietnam Report đã công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018. Đây là năm thứ 12 liên tiếp VNR500 tôn vinh các doanh nghiệp có thành tựu lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Theo đó, 5 các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018 gồm Công ty TNHH Samsung Electronics Viet Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Viễn Thông - Quân đội (Viettel), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Thế Giới Di Động thăng hạng trong nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam
Top các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018, theo VNR500

So với danh sách VNR500 2017, thứ hạng top 5 các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam được giữ nguyên. Chiếm đại đa số là các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước. Samsung Electronics Viet Nam là doanh nghiệp FDI duy nhất lọt top 5 này, đồng thời cũng là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Theo báo cáo tài chính của Samsung Electronics, lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu của hãng này tại Việt Nam đạt 49,6 tỉ USD, lợi nhuận thuần 4,27 tỉ USD.

Kết quả nói trên lần lượt tăng trưởng 11% và giảm 12%. Doanh thu tại 4 nhà máy Samsung Việt Nam gồm: Samsung Electronics Vietnam Thainguyen (SEVT), Samsung Electronics Vietnam (SEV), Samsung Display Vietnam (SDV) và Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) tương đương 31,4% GDP Việt Nam trong 9 tháng đầu năm.

Từ vị trí 11 trong bảng xếp hạng năm ngoái, tập đoàn Vingroup đã vươn lên thứ 6 trong danh sách các doanhh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân có mặt trong top 10 của bảng xếp hạng này.

Vingroup cũng là doanh nghiệp dẫn đầu danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2018. Trong đó, các doanh nghiệp còn lại trong top 5 là Công ty Đầu tư Thế giới di động (MWG), Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Công ty Ô tô Trường Hải (THACO).

Thế Giới Di Động thăng hạng trong nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 1
Top các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2018, theo VNR500

So với danh sách năm ngoái, thứ hạng của Top 5 các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam có nhiều thay đổi.

Ngoài vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về Tập đoàn Vingroup. Tuy nhiên, vị trí thứ 2 trong năm ngoái thuộc về Thaco thì nay đã nhường chỗ cho MWG - năm ngoái vốn chỉ giữ vị trí thứ 6. Vị trí thứ 3 và thứ 4 vẫn giữ nguyên. Còn ngôi vị thứ 5 từng vinh danh Masan trong năm 2017 nay thuộc về Thaco. Masan năm nay chỉ được VNR500 xếp ở vị trí thứ 10.

Sau khi mở rộng hệ thống Điện Máy Xanh và Bách Hòa Xanh, Thế Giới Di Động là doanh nghiệp tư nhân có bước nhảy vọt ấn tượng nhất năm 2018. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của công ty đạt 65.478 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.187 tỷ đồng, tăng 34% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Nhận định về bảng xếp hạng VNR 500 năm 2018, Vietnam Report cho rằng, khối doanh nghiệp tư nhân đang tăng trưởng về mọi mặt: "Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam tăng đáng kể theo thời gian, giai đoạn 2014-2017 đạt ở mức cao 21,8%".

5 ngành đứng đầu đóng góp đáng kể về doanh thu trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất 2018 là Tài chính (tỉ trọng 15,1%); Thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (14,3%); Xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (13,9%); Thép (11,7%) và Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin (9,2%).

Trong một thống kê gần đây của Tổng cục thống kê cũng cho thấy sự đóng góp đáng kể của khối doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế. Trên bình diện toàn bộ nền kinh tế, số liệu tính toán đến cuối năm 2016, xét về doanh thu, các doanh nghiệp tư nhân tạo ra được 9,76 triệu tỷ đồng, chiếm 56% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp năm 2016.Trong khi đó, các DNNN chỉ tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu. 

Về lợi nhuận, các doanh nghiệp tư nhân tạo ra hơn 188 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 26,4% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp còn các DNNN tạo ra hơn 197 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,7% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp.