Vua bánh mì Kao Siêu Lực và cuộc giải cứu bất ngờ

Kim Yến - 08:50, 02/03/2020

TheLEADERGây sốt gần một tháng qua giữa tâm bão Corona, bánh mì thanh long và bánh mì thanh long nhân sầu riêng Sáu Ri đã được tờ Business Insider của Mỹ ca ngợi như một cách sáng tạo rất thú vị vì nông dân.

Vua bánh mì Kao Siêu Lực và cuộc giải cứu bất ngờ
Vua bánh mì Kao Siêu Lực

Gặp “vua bánh mì” Kao Siêu Lực ngay tại đại bản doanh của ABC trên đường Kinh Dương Vương, thấy ông vô cùng tất bật, tay còn dính đầy bột mì, nhưng gương mặt ông ánh lên nụ cười hạnh phúc. 

Ông vừa kỷ niệm ngày sinh của mình với cuộc giải cứu thành công cho nông sản Việt đầy ý nghĩa. Hai sản phẩm ghi dấu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trên bản đồ thế giới của ông đang gây sốt gần một tháng qua giữa tâm bão Corona là bánh mì thanh long và bánh mì thanh long nhân sầu riêng Sáu Ri, mang đậm hương vị bản địa thơm ngon có một không hai, đã được tờ Business Insider của Mỹ ca ngợi như một cách sáng tạo rất thú vị vì nông dân.

Cơ duyên đến với trái thanh long

Cầm chiếc bánh thanh long nhân sầu riêng Sáu Ri màu hồng đậm lấm tấm hạt thanh long mới ra lò còn nóng hổi, tôi bị hấp dẫn ngay bởi màu sắc lạ lẫm và hương thơm rất dịu của trái cây. Cắn thử một miếng là ngay lập tức bị ấn tưởng bởi nhân sầu riêng bùi và béo hoà trộn với vỏ bánh mềm mướt, ngọt dịu và dẻo… Để nhân không bị chảy, bí quyết của ông là pha lẫn sầu riêng với nhân đậu xanh, vừa mềm mà không chảy, vẫn thơm mùi sầu riêng.

Hoàn toàn có thể hiểu được vì sao cả tháng nay, người Sài Gòn đang sốt lên với bánh mì thanh long của ông Kao Siêu Lực. Sau khi giải cứu hơn 30 tấn thanh long đỏ từ nông dân, ông đã tiếp tục mua hơn chục tấn sầu riêng Sáu Ri để làm ra sản phẩm mới này, một tin vui hiếm hoi giữa lúc hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, ẩm thực khó khăn, bị đóng cửa vì cơn bão dịch Corona.

Vua bánh mì Kao Siêu Lực và cuộc cách mạng cho nông sản Việt
Bánh mì thanh long gây sốt gần 1 tháng qua.

“Tôi như trẻ lại 20 tuổi khi đón nhận sự yêu mến vô cùng bất ngờ mà khách hàng dành cho tôi trong những ngày này. Nhìn khách hàng xếp hàng dài rất trật tự đợi mua bánh mới ra lò mà tôi cảm động đến rớt nước mắt. Khi nông sản Việt xuất sang nước ngoài bị đình trệ, thanh long rớt giá thê thảm, sự sáng tạo này của ABC không chỉ giúp cho người nông dân vượt qua khúc quanh ngặt nghèo mà còn mở ra hướng mới cho nông sản Việt, tạo nên thương hiệu mới duy nhất chỉ Việt Nam có là bánh mì thanh long, và gây ấn tượng đẹp với thế giới cho thương hiệu sầu riêng Sáu Ri khi đi chung với bánh mì. Đàng sau đó là những giá trị văn hoá riêng có của Việt Nam, đó là điều tôi tâm huyết nhất”, ông Kao Siêu Lực chia sẻ.

Kể về những ngày gian khó đi xuống với người nông dân và quá trình nghiên cứu cải tiến vất vả, ông cho rằng cơ hội chỉ đến với những người biết chuẩn bị kỹ càng: “Mấy ngày nay do làm việc với bộ phận sản xuất nhiều, nên người tôi dính bột tùm lum hết. Tôi bắt đầu với trái thanh long cũng là một cơ duyên. Gần đây, nhân chuyến công tác miền Tây, sẵn ghé qua Vĩnh Long để bàn việc đẩy mạnh đầu ra cho nông sản Việt Nam, đầu tiên tôi gặp anh Nguyễn Minh Hậu, chủ thương hiệu sầu riêng Sáu Ri. Dù thương hiệu Sáu Ri đã nổi tiếng rồi, nhưng người tiêu dùng chỉ biết có hạn thôi. Anh Hậu là thành viên của Câu lạc bộ hàng Việt Nam chất lượng cao với tôi, một người rất tâm đắc với trái sầu riêng. Khi anh Hậu chia sẻ còn 300 container kẹt không xuất đi Trung Quốc được vì dịch Corona, chúng tôi lập tức bàn việc làm sao giải cứu sầu riêng trước.

Từ câu chuyện sầu riêng, tôi hiểu sắp tới đây nông dân còn khó khăn tiếp, nhà nông lỗ dài rồi. Bản thân tôi cũng là nhà nông, tôi hiểu để trồng cái cây trổ bông kết trái cơ cực lắm, tới mùa lại bị rớt giá thì đau cỡ nào. Ban đầu tôi chỉ định mua vài trăm ký cho công nhân mình ăn thôi, nhưng nghĩ làm thế thì đâu có giúp được gì nhiều cho nông dân?

Trên xe trở về nhà, nhìn thấy thanh long bán đầy đường giá rẻ như cho, tôi nghĩ làm sao giúp được cho nông dân? Thế là lập tức triển khai ngay cuộc họp với tất cả các con và các bộ phận, từ sản xuất, chuẩn bị máy móc thiết bị, chuẩn bị nguyên liệu, cách làm marketing thế nào?

Làm R&D (nghiên cứu phát triển) phải rất thận trọng, chuẩn bị kỹ càng. Sau đó tôi bắt đầu thí nghiệm. Ban đầu nặn ra chiếc bánh thấy màu lên rất đẹp, nhưng khi vô lò xong xuôi phát hiện bánh bị đen, chứng tỏ thanh long có nhiều đường. Đợt đầu tiên thất bại, đến lần thứ ba cũng thất bại luôn, phải tìm ra vấn đề gì gây ra bánh hư? Đường trái cây thanh long so với đường mía ngọt hơn nhiều lần, phải cân đo lại độ ngọt, đo lường độ nóng, để tránh tạo ra karamen, vì như mình thắng nước hàng vậy, chỉ quá lửa một tí thôi thành nước màu rồi. Phải giảm lửa xuống, kéo dài thời gian chín mà không bị đen.

Vua bánh mì Kao Siêu Lực và cuộc cách mạng cho nông sản Việt 1
"R&D là bản chất của con người tôi, thanh long thành công rồi lập tức nghĩ thêm cái khác"

Nếm thử tiếp mẻ nữa, tôi phát hiện có mùi hơi chua. Thanh long bản chất có vị chua, tôi phải lấy máy đo độ PH, thấy thấp do axit, phải tăng thêm chút muối phù hợp khẩu vị hơn.

Một thách thức lớn nữa là khi đưa lên nhiệt độ nào đó sẽ làm mất đi các vitamin của trái cây? Để giữ trái cây không bị oxy hoá khi lớp vỏ bảo vệ bị lột ra cũng là cả một khó khăn. Phải tìm hiểu kỹ càng, có kiến thức, chứ không làm tay ngang. Chẳng hạn muốn xử lý chuối, táo không bị đen khi lột vỏ, phải chuẩn bị thùng nước muối trước để thả chuối, táo vào, sau đó lập tức đóng gói, đưa vào cấp đông. Thời gian lột vỏ phải bảo đảm ngắn nhất để đưa ngay vào cấp đông mới hiệu quả.

Đến lần thứ năm mới ra được cái bánh mì làm mình hài lòng. Bản thân mình từng là giám khảo các cuộc thi quốc tế, nên tiêu chuẩn của mình khắt khe lắm. Chiếc bánh ngon phải bảo đảm nhiều tiêu chí, trước tiên đánh giá về mắt, thấy rất đẹp mắt, không gì thay thế. Vui không tả nổi!

Thứ hai là hương vị, bản chất bánh mì toả ra hương vị rồi, cộng thêm hương vị trái cây nữa, rất đặc biệt. Thứ ba là khẩu vị, ăn thấy ngon, có thêm độ dai nữa, rất thú vị. Cuối cùng là xem lại khâu tổ chức doanh nghiệp, xem lại tất cả các khâu đã chuẩn bị hoàn chỉnh chưa. Khi đã hoàn toàn hài lòng 4 điểm này, tôi mới quyết định tung ra thị trường.

Nếu nói giải cứu nông dân, cần phải ủng hộ cả người tiêu dùng nữa mới tạo ra sức mạnh. Tôi quyết định trực tiếp làm chiếc bánh mì thanh long đối chứng ngay tại cửa hàng của mình trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, mời bà con ăn thử miễn phí. Không ngờ bà con hưởng ứng ào ào, gây mất trật tự. Ngày thứ ba thấy không ổn, phải tổ chức xếp hàng.

Bên cạnh đó, tôi cũng công khai bí quyết về công thức làm ra chiếc bánh mì thanh long trên mạng internet để người người, nhà nhà có thể làm được, như thế mới gom gió thành bão, vì sức mình có hạn thôi. Tôi mong muốn bất cứ chỗ nào từ Nam tới Bắc nông dân và doanh nghiệp đều kết nối được với nhau, như thế thử hỏi nông sản có xuống giá không?

May mắn chỉ 10 ngày sau, giá cả thanh long lập tức lên liền 45 ngàn/kg, các nơi đều sôi nổi bàn về thanh long. Thường xuyên đi nước ngoài, tôi thấy họ đề bên cạnh trái thanh long dòng chữ “sản phẩm này của Việt Nam”. Bàn tay vàng của Việt Nam cũng đã làm ra chiếc bánh mì thanh long này, đó là thương hiệu của riêng Việt Nam mà thế giới bắt đầu biết đến. 

Hy vọng 10 - 20 năm sau khách nước ngoài đi đến Việt Nam là thấy bánh mì thanh long rồi, từ đó thành ra văn hoá riêng của mình. Đó là nguyện vọng lớn nhất của tôi, vừa giúp được nông dân, vừa biến thanh long thành nét văn hoá tiêu biểu, trở thành thương hiệu Việt Nam.

Vua bánh mì Kao Siêu Lực và cuộc cách mạng cho nông sản Việt 2
Bánh mì thanh long nhân sầu riêng Sáu Ri mang đậm hương vị bản địa thơm ngon có một không hai.

Để làm được điều này, quan trọng nhất là nhờ người tiêu dùng ủng hộ, cùng các con, anh em trong công ty và các tổ chức hiệp hội đoàn thể đã giúp chúng tôi làm tốt marketing. Từ Tết tới giờ tôi bận túi bụi, chưa kịp sắp xếp nghỉ phép nữa, bản thân 3h chiều tôi mới được ăn cơm trưa, nhưng tinh thần thì phấn chấn lắm…

Do lượng khách hàng quá lớn nên thiết bị ở cửa hàng Nguyễn Trãi không đáp ứng nổi, nhiều khách hàng than phiền tìm mua bánh mì thanh long rất cực khổ, tôi lập tức triển khai kế hoạch lớn, rút về đại bản doanh, cho máy lớn chạy hết công suất luôn. Khoảng 1 đến 2 ngày nữa thì toàn bộ hệ thống ABC sẽ có bánh mì thanh long hết.

Ba tôi từng nói: cơ hội chỉ đến với người sẵn sàng chuẩn bị. Thực sự tôi hoàn toàn chưa biết hôm nay bánh mì thanh long lại sốt như thế, nhưng tôi đã đặt mua máy móc hiện đại nhất từ Đức để chạy sản phẩm cho Nhật từ mấy tháng trước rồi. Hiện công suất của máy là 6.500 bánh/giờ, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ”.

R&D với tốc độ thần tốc nhờ đáp ứng 5 tiêu chí

Hỏi ông vì sao một vị chủ tịch công ty quy mô lớn mà vẫn ngày ngày mày mò cặm cụi với bộ phận R&D? Ông cười tươi rói: “R&D là bản chất của con người tôi, thanh long thành công rồi lập tức nghĩ thêm cái khác, cộng thêm thanh long phomai, không ngờ phản ứng tốt hơn nữa.

Tiếp đến, tôi lại đặt ra dấu hỏi liệu có khả năng lấy thanh long làm bánh ngọt không? Từ đó khoai môn lọt vào danh sách làm bánh, bỏ thêm đường, sữa, bơ, cho nhân khoai môn ăn ngon mà vẫn giữ được cảm giác khoai môn mềm mại. Thị hiếu bây giờ không thích ngọt, mình phải khống chế độ ngọt thế nào để ai cũng chấp nhận được là cả bài toán khó.

Thời buổi này đòi hỏi tốc độ R&D thần tốc lắm. Ban đầu làm thử mỗi ngày 20 đến 30kg thanh long, ba ngày sau lên 300 kg thanh long, 10 ngày tới 1 tấn thanh long. Hiện nay ABC đã xài hết công suất 2 tấn thanh long/ngày. Còn bánh thanh long nhân sầu riêng đầu tiên bán thử 200 cái, ngày thứ hai 500 cái, hôm nay 2.000 cái rồi…

Hợp tác với Nguyễn Minh Hậu, tôi đã ký hợp đồng mua 2 tấn thịt sầu riêng tách vỏ, quy ra khoảng mười mấy tấn sầu riêng nguyên trái. Nguồn sầu riêng sạch Sáu Ri rất tốt cho sức khoẻ. Đa số người ta nghĩ làm bánh chỉ cần mua phần sầu riêng dạt, giá rẻ. Bánh của tôi làm với tiêu chí cho chính tôi ăn, phải mua sầu riêng cao cấp nhất để làm bánh. Tôi là người rất quan tâm về chất lượng. Nghe người ta nói “Bán mắc mà ngon”, vậy là tôi mát lòng, thực ra giá 25 ngàn/cái là hợp lý, chất lượng không ai chê, với điều kiện người thích sầu riêng.

Tôi đang nghiên cứu mở rộng thêm nhiều loại trái cây nữa rồi, nhưng nếu ra sản phẩm mới mà máy chạy không nổi, sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Cần phải đầu tư tiếp tục máy mới. Một điều rất vui nữa là trong cơ bão Corona, 95% nhân viên của ABC vẫn tiếp tục trở lại công ty sau Tết làm việc. Chúng tôi cũng đang tuyển thêm nhân lực để đáp ứng dây chuyền sản xuất mới. Tôi cảm thấy mình trẻ ra 20 tuổi, sung sức như thời tuổi trẻ, bỏ qua ý định về hưu rồi”.

Vua bánh mì Kao Siêu Lực và cuộc cách mạng cho nông sản Việt 3
Vua bánh mì Kao Siêu Lực.

Vậy bí quyết nào để ông và các con của mình có thể biến bánh mì thanh long thành một chiến dịch hoàn hảo? Nó đòi hỏi phẩm chất nào của người dẫn đầu?

“Bản thân tôi là chủ, đồng thời phụ trách phần R&D từ 20 năm nay rồi. R&D không trực tiếp làm ra lợi nhuận, đòi hỏi chi phí nhiều quá, nên ít có ông chủ nào dám đẩy mạnh phần A&D. Khi mua nguyên liệu mình cũng chủ động tìm nguồn tốt nhất, mình ăn ngon mới tạo ra sản phẩm ngon nhất, nguyên liệu rất quan trọng. R&D là chấp nhận rủi ro, thất bại, nhưng tôi vẫn duy trì phần R&D 20 năm nay để chủ động nghiên cứu, dạy học.

Thời điểm này tôi không cần làm nhiều nữa, mà tập trung nghiên cứu. Sự đồng tình của các con trong R&D với cha rất mạnh, còn đưa thêm áp lực cho cha nữa. “Con muốn khẩu vị này?”, đó là đề bài con đưa ra mỗi ngày! Lớp trẻ mới chính là người giúp tôi khám phá hương vị lạ, khiến mình phải suy nghĩ bù đầu, nên đôi lúc làm ra thành công mình vui biết mấy, sung sướng hưởng thụ thành quả của mình. Tôi đang tăng cường trải nghiệm cho đứa con thứ hai là Angela Kao, cháu dù không thích ăn sầu riêng, nhưng khi ba nghiên cứu sầu riêng cháu hoàn toàn ủng hộ.

R&D còn đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải chịu đầu tư máy móc thiết bị hiện đại nhất. Anh em thường nói với tôi “Anh Ba chịu chơi quá!”. Máy móc ở công ty tôi phải là loại tốt nhất, mắc nhất. R&D là tổ tiên phong, nên tôi chấp nhận cho các em thử thách, sai lầm, vì bản thân mình còn sai mà.

Để có được một R&D thành công, theo tôi cần đáp ứng 5 tiêu chí: Chuẩn bị tốt; Tiến hành thử nghiệm; Cải cách, cải tiến; Cải thiện; Nghiên cứu tiếp; Đưa ra sản xuất luôn. Nếu R&D đi đúng 5 bước này, tôi nghĩ thất bại ít lắm. Đặc biệt tôi là thầy, bản thân tôi ra công thức luôn, giống như người bác sĩ vậy, ra đơn thuốc luôn.

Hơn 20 người trong đội ngũ R&D của ABC, người lớn tuổi nhất khoảng 40, trẻ nhất 18 tuổi, các em đều do tôi đào tạo. Một doanh nghiệp sản xuất mà không có R&D rất thiệt thòi, phụ thuộc thị trường. Bánh mì thanh long tôi là người dẫn đầu, cha đẻ ra sản phẩm này. Hiện nay tốc độ R&D rất ngắn, sầu riêng chỉ 2 ngày là tung ra sản phẩm rồi.

Theo đuổi R&D ở tuổi U60 với ông có là một thách thức? Ông cười thật lớn và trả lời: “Tôi rất say mê nghiên cứu, làm thử. Khuyết điểm lớn nhất của tôi là ham ăn! Làm gì cảm thấy ngon tự mình biết, rồi phải tham khảo khẩu vị người tiêu dùng nữa, tới lúc cảm thấy nên làm. Đụng chạm nhiều phần kỹ thuật, sản xuất, giúp tôi lập tức cải thiện để tốt hơn, sửa lại liền. Con người cầu thị của mình phải lớn, để mấy em tâm phục khẩu phục. 

Tôi nhớ mãi có một lần tham quan nhà máy lớn ở Thượng Hải, khi đến xưởng bánh, tôi phát hiện ngay máy đi sai, chỉ cho họ hậu quả. Họ đưa ra nhiều lý do, tôi nói sai rồi, chỉ cần sửa cơ khí một chút lập tức hết liền. Lúc ấy họ mới biết tôi là “vua bánh mì” Việt Nam, từng đi chấm giải nhiều cuộc thi quốc tế.

Tôi không chỉ làm bánh, còn là chuyên gia máy móc nữa. Trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội bánh mì thế giới khu vực Đông Nam Á, cũng là hội viên Hiệp hội bánh mì của Pháp, tôi rất vui khi giúp được nhiều doanh nghiệp khác nữa, nhiều nông dân khác nữa làm ăn tốt hơn”.