Vướng mắc tại siêu dự án 21.000 tỷ đồng của Hòa Phát ở Quảng Ngãi

Nguyễn Cảnh - 09:40, 15/08/2021

TheLEADERNhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép do Công ty CP Ống thép Hòa Phát Dung Quất đề nghị đầu tư tại tỉnh Quảng Ngãi đang vấp phải nhiều vướng mắc.

Vướng mắc tại siêu dự án 21.000 tỷ đồng của Hòa Phát ở Quảng Ngãi
Hòa Phát đang nắm giữ nhiều dự án mang tính động lực của tỉnh Quảng Ngãi cũng như khu vực miền Trung

Nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép Hòa Phát Dung Quất có diện tích khoảng 125ha tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn. Tổng mức đầu tư khoảng 21.215 tỷ đồng (trong đó vốn tự có của doanh nghiệp là 6.000 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động), tiến độ thực hiện 36 tháng.

Sau khi hồ sơ đề xuất dự án được Ống thép Hòa Phát Dung Quất gửi tới các sở, ngành địa phương tỉnh Quảng Ngãi, nhiều vướng mắc liên quan tới quy hoạch, bảo đảm an toàn môi trường, chuyển đổi đất lúa… đã xuất hiện.

UBND huyện Bình Sơn cho biết, Công ty CP Ống thép Hòa Phát Dung Quất có hồ sơ chứng minh khả năng huy động vốn và nguồn vốn tự có. Tuy nhiên, theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Bình Sơn đến năm 2020, vị trí dự kiến đầu tư dự án là trên đất nông nghiệp. Theo quy hoạch nông thôn mới xã Bình Phước, vị trí đầu tư thuộc quy hoạch đất lúa, đất trồng cây, đất giao thông và đất ở nông thôn. 

Do đó, UBND huyện Bình Sơn đề nghị nhà đầu tư cần bổ sung vào hồ sơ nội dung liên quan đến phương án tái định cư, di dời dân, giải quyết việc làm đảm bảo đời sống người dân. Đối với các hộ dân lân cận, nhà đầu tư khi thực hiện dự án phải đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường.

Dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép Hòa Phát Dung Quất có công đoạn tẩy gỉ làm sạch bề mặt bằng hóa chất, thuộc danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, UBND huyện Bình Sơn đề nghị nhà đầu tư cam kết lựa chọn và sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay để tránh gây ô nhiễm môi trường,...

Đối với nguồn nước phục vụ dự án, nhà đầu tư giải trình, đề xuất sử dụng nguồn nước từ kênh B7 thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham hoặc từ nhà máy nước Vinaconex Dung Quất. Theo UBND huyện Bình Sơn, việc sử dụng nguồn nước từ kênh B7 thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham dễ gây thiếu hụt nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực. 

Do đó, huyện đề nghị nhà đầu tư chọn giải pháp tối ưu nhất về sử dụng nguồn nước cung cấp cho xây dựng nhà máy và phục vụ cho nhà máy hoạt động, đảm bảo tuân thủ quy định, bảo vệ môi trường và không làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, địa điểm xây dựng nhà máy ảnh hưởng đến diện tích đất, rừng quy hoạch sản xuất khoảng 40ha (thuộc khoảnh 4 và khoảnh 8 tiểu khu 11, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn). Do đó, để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích thực hiện dự án, sở này đề nghị Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục liên quan.

Về đất nông nghiệp, dự án có quy mô khoảng 125ha, trong đó có khoảng 8,8ha đất trồng lúa (đất chuyên trồng lúa khoảng 8,1ha, đất lúa khác khoảng 0,7ha). Vị trí dự án chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất huyện Bình Sơn, do đó đề nghị Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư phối hợp huyện Bình Sơn trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, bổ sung dự án vào quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm huyện Bình Sơn.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất chuyên đất trồng lúa khoảng 8,1ha phải thực hiện một số nội dung theo quy định như: Nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; xây dựng phương án sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước theo Luật Trồng trọt và Nghị định 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Liên quan đến đất nuôi trồng thuỷ sản, đối chiếu quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030, địa điểm dự kiến xây dựng dự án không nằm trong phần đất quy hoạch cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trong hiện trạng sử dụng đất của dự án có liên quan đến một phần nhỏ diện tích nuôi thủy sản, đề nghị nhà đầu tư thỏa thuận với người dân để không ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

Ngoài ra, theo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh, vị trí đề xuất thực hiện dự án nằm trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 1/2011). Do đó, đề nghị Ban quản lý KKT Dung Quất các KCN Quảng Ngãi rà soát sự phù hợp với các quy hoạch này để áp dụng thực hiện trong điều kiện quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt.

Được biết, tại tỉnh Quảng Ngãi, một số dự án trọng điểm do Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đầu tư, phát triển thời gian qua gặp khá nhiều vấn đề, trở ngại trong quá trình đầu tư, xin chủ trương. 

Đơn cử, dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất phát sinh bụi, tiếng ồn, mùi hôi khét khó chịu làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh khu vực. Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có 34ha đất trồng lúa (đất chuyên trồng lúa khoảng 30ha, còn lại đất trồng lúa nước) nên phải xin ý kiến thống nhất của Thủ tướng trước khi tính tới các bước triển khai tiếp theo.

Thành lập năm 2017, Công ty CP Ống thép Hòa Phát Dung Quất có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do ông Mai Văn Hà làm đại diện pháp luật. Cổ đông sáng lập công ty gồm: Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất (nắm giữ 89,99% cổ phần), Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát (10%) và ông Nguyễn Mạnh Tuấn (0,01%).