World Bank khuyến nghị chính sách để vực dậy kinh tế Việt Nam

Hoài An - 15:32, 18/09/2021

TheLEADERTheo World Bank, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ thúc đẩy cầu trong nước.

World Bank (Ngân hàng Thế giới) mới đây đánh giá trong thời gian tới, kết quả tổng thể của nền kinh tế Việt Nam 2021 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng Chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch đang diễn ra một cách hiệu quả trong tháng 9, để các hoạt động kinh tế có thể quay lại trong quý IV.

Theo đó, ngoài ưu tiên tiêm vaccine, Việt Nam cần sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu trong nước trong ngắn hạn, bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng nhằm giúp khôi phục tiêu dùng tư nhân.

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là hộ kinh doanh quy mô nhỏ - cách để giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và tạo việc làm.

Vì chi ngân sách tăng lên trong khi thu ngân sách sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, World Bank lưu ý Việt Nam cần tiếp tục thận trọng theo dõi tình hình cân đối tài khóa.

Cụ thể, cân đối ngân sách trong tháng 8 ghi nhận bội chi 15,4 nghìn tỷ đồng. Sau khi tăng trong nửa đầu năm, tổng thu ngân sách tháng 8 giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước, thể hiện tác động của chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, cũng như các hoạt động kinh tế chững lại.

Trong khi đó, chi thường xuyên tăng 90% so với cùng kỳ năm trước, do phải huy động nguồn lực để chống chọi với dịch Covid-19 và mua vaccine.

Các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội, đặc biệt ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, cản trở việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công vốn đã bị chậm trễ từ đầu năm.

Hệ quả là giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 8 giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến tổng chi ngân sách thấp hơn 10,5% so với một năm trước đó.

Đợt dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 4 đã diễn biến xấu đi nhanh chóng trong tháng 8, khi số ca nhiễm bình quân trên 10.000 ca mỗi ngày. Điều này đồng nghĩa với việc các chỉ số đi lại giảm mạnh khi nhiều tỉnh thành áp dụng cách ly xã hội chặt chẽ.

Sản xuất công nghiệp chung suy giảm, nhưng có sự phân hóa đáng kể giữa các vùng miền trong khi lạm phát được giữ ở mức ổn định.

Một điểm đáng chú ý là mặc dù tỷ giá trung tâm tương đối ổn định, tỷ giá VND/USD bình quân tăng 0,7% so với tháng trước trên thị trường chính thức trong nước, cho thấy nguồn cung đồng bạc xanh lớn hơn tương đối so với cầu.

Thực chất, ngày 11/8/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm tỷ giá mua USD từ các ngân hàng thương mại 225 đồng, tương đương 1%. Sau đó, ngày 24/8/2021, NHNN quyết định giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại tại NHNN từ mức 0,05% xuống còn 0% từ ngày 1/9/2021. Những động thái này có thể đã hỗ trợ cho cung đồng USD trên thị trường.

Tiền đồng tăng giá danh nghĩa trong thời gian khủng hoảng cũng có thể phần nào do kiều hối đang hồi phục và dòng vốn FDI vẫn ổn định. Đó là hai nguồn cung USD quan trọng, có thể đang giúp bù đắp thâm hụt cán cân thương mại.