Xây dựng tiêu chuẩn tín nhiệm cho thương mại điện tử

Phạm Sơn - 10:51, 16/04/2021

TheLEADERTrong 5 năm tới, thương mại điện tử sẽ được phát triển theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn và tăng cường trải nghiệm cho khách hàng.

Trong suốt hơn 10 năm hình thành và phát triển, ngành thương mại điện tử ghi nhận mức tăng trưởng nhanh và liên tục, tốc độ có năm đạt trên 30%. Riêng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đối mặt với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, thương mại điện tử Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng 18%.

Dự báo, thương mại điện tử, cùng với chuyển đổi số sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021, tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Theo ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương, 5 năm vừa qua, số lượng doanh nghiệp và cá nhân tham gia bán hàng trên thị trường thương mại điện tử ngày càng tăng.

Đặc biệt, sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử tạo ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh nhỏ lẻ tham gia vào phương thức bán hàng này, qua đó tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường, thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử đang làm phát sinh nhiều vấn đề mới, bao gồm tính minh bạch hóa, đảm bảo quyền lợi khách hàng, quản lý thương mại điện tử trên mạng xã hội hay thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc cập nhật, điều chỉnh hành lang pháp lý đễ tháo gỡ khó khăn, ngăn chặn tiêu cực, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và người tiêu dùng.

TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, vấn đề về quy định pháp lý cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn khi tham gia chuyển đổi số, thương mại điện tử. Khảo sát gần đây của VCCI cũng đưa ra đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp về việc hoàn thiện thể chế và tăng cường tính minh bạch của thị trường.

Phát triển về chất lượng

Theo ông Anh, trong giai đoạn 2021 – 2025, định hướng cho ngành thương mại điện tử là cần phải đi sâu về chất lượng, thay vì tập trung mở rộng quy mô như khoảng thời gian trước, đặc biệt là đảm bảo tính an toàn, minh bạch của các giao dịch, giúp khách hàng yên tâm khi mua hàng trực tuyến, cũng như tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận cho cả người bán và người mua.

Xây dựng tiêu chuẩn tín nhiệm cho thương mại điện tử
Các hoạt động thúc đẩy thương mại điện tử thông qua nền tảng tín nhiệm của Bộ Công thương.

“Bây giờ hay sử dụng hình thức giao hàng rồi mới trả tiền (COD) để đảm bảo an toàn cho khách hàng nhưng nếu có sử dụng hình thức COD thì chi phí bị đội lên rất nhiều”, đại diện Bộ Công thương đặt vấn đề.

Cụ thể, các điều chỉnh pháp lý, chính sách của Nhà nước cũng như Bộ Công thương trong thời gian tới sẽ hướng tới xây dựng tiêu chuẩn tín nhiệm thương mại điện tử Việt Nam, trong đó bao gồm thúc đẩy ứng dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử để có thể vừa tối ưu hóa quy trình, tinh gọn chi phí mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho các bên.

Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại trên thị trường thương mại điện tử cũng cần được tối ưu hóa. Theo các chuyên gia, giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử là hoạt động mũi nhọn thể hiện vai trò của quản lý nhà nước.

Mặt khác, một hệ thống đánh giá tín nhiệm cũng cần được xây dựng, dựa trên công cụ cho điểm và công cụ danh sách đen.

Trong đó, công cụ cho điểm (storing) sẽ được dùng để đánh giá khả năng giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp. Công cụ danh sách đen (blacklist) được sử dụng để hạn chế những hành vi lạm dụng, gian lận của người dùng, thông qua cơ chế chia sẻ thông tin giữa các sàn thương mại điện tử.

Dựa trên cơ sở về đánh giá tín nhiệm, Bộ Công thương đưa ra định hướng trong 5 năm tới sẽ xây dựng nền tảng dữ liệu về giao dịch thương mại điện tử, từ đó đưa ra đánh giá về thị trường và xây dựng quyết sách phù hợp. Hiện Bộ đang phối hợp với một số doanh nghiệp lớn về công nghệ để lên kế hoạch triển khai.