2017 – Một năm hân hoan của thị trường chứng khoán toàn cầu

Minh Hoàng - 09:44, 31/12/2017

TheLEADERMặc dù chứng khoán Mỹ chứng kiến sự sụt giảm trong những ngày cuối cùng của năm 2017, nhưng Phố Wall hoàn toàn có lý do để ăn mừng vì họ đã hoàn thành một trong những năm tốt nhất sau một khoảng thời gian dài.

2017 – Một năm hân hoan của thị trường chứng khoán toàn cầu
Charging Bull, New York. Ảnh: Arch Sam/Flickr

Chỉ số Công nghiệp trung bình Dow Jones đã tăng 25% trong năm 2017, thậm chí có lúc còn đạt gần mức 25.000 điểm. Theo đó, đây là năm chỉ số này có màn thể hiện tốt nhất kể từ năm 2013.

Chỉ số này liên tục vượt qua các cột mốc quan trọng. Phải mất 14 năm, Dow Jones mới có thể leo từ mốc 10.000 đến 15.000, nhưng chỉ cần ba năm rưỡi để để đạt được mốc thần thánh 20.000 điểm vào năm 2017.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng có những màn thể hiện lạc quan nhất kể từ năm 2013. S&P 500 đã mở rộng 19%. Và Nasdaq sở hữu con số tăng trưởng ấn tượng 28%.

Thị trường chứng khoán bùng nổ là kết quả của sự phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sự gia tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp khổng lồ. Chất xúc tác lớn nhất được cho là chính sách cắt giảm thuế mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đặc biệt, luật thuế của Mỹ đưa ra các biện pháp khuyến khích các công ty trong nước thu lại lợi nhuận từ nước ngoài. Moody's ước tính rằng, khoản tiền mặt ở nước ngoài của Mỹ đạt mức kỷ lục 1,4 nghìn tỷ USD.

Các chính sách được ban hành với hy vọng các công ty trong nước sẽ sử dụng một khoản trong số đó để gia tăng sản xuất trong nước và tạo ra công ăn việc làm cho người dân Mỹ.

2017 – Một năm hân hoan của thị trường chứng khoán toàn cầu
Nhà đầu tư ăn mừng sau khi chỉ số Dow Jones vượt mốc 24.000 điểm

Tuy nhiên, Phố Wall dự đoán một phần lớn khoản tiền này sẽ được sử dụng theo hướng mua lại cổ phần và để trả nợ - những động thái sẽ làm tăng giá cổ phiếu.

Việc Phố Wall chứng kiến một năm xuất sắc như vậy là một điều bất thường vì dường như thị trường vẫn thiếu các giai đoạn giảm giá cần thiết - thường đi kèm với đà phục hồi mạnh mẽ sau đó. Chỉ số S&P 500 đã không có sự giảm giá cần thiết nào kể từ trước cuộc bầu cử, và số liệu biến động đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất.

Đây là lần thứ hai trong lịch sử, thị trường bò tót mới lại mạnh mẽ đến như vậy.

Nhiều người Mỹ xem sự biến động của thị trường cổ phiếu là một thước đo của nền kinh tế. Sự tự tin của người tiêu dùng đã tăng lên mức cao nhất trong 17 năm qua, tạo ra nhiều của cải hơn cho nhiều hộ gia đình.

Tuy nhiên, hàng triệu người Mỹ vẫn không thể cảm nhận được sự bùng nổ của thị trường chứng khoán - bởi vì họ có ít hoặc thậm chí không có tiền để đầu tư vào thị trường này.

Chỉ có 18,7% số người nộp thuế sở hữu cổ phiếu một cách trực tiếp. Khoảng một nửa số người Mỹ tham gia vào thị trường thông qua các quỹ hưu trí do người lao động đóng góp, theo một phân tích của Cục thống kê dân số. Khoảng cách đó đã góp phần gia tăng sự bất bình đẳng về phân bổ tài sản ở Mỹ.

Những người bỏ lỡ thị trường bò tót có lẽ vẫn đang tự hỏi liệu đã quá muộn để tham gia đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết các nhà chiến lược đều dự đoán thị trường sẽ đạt được nhiều kết quả ấn tượng hơn nữa vào năm 2018 nhờ tác động của việc cải tổ chính sách thuế.

Nếu các chính sách về thuế tạo ra mức tăng trưởng mà tổng thống Trump hứa hẹn, thì tiềm năng tăng trưởng hơn nữa của thị trường là điều không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's gần đây đã ước tính luật thuế sẽ chỉ bổ sung 0,1 hoặc 0,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2018, trong khi JPMorgan dự kiến tăng trưởng sẽ tăng hơn 0,6 điểm phần trăm trong năm tới.

Theo chiến lược gia David Kelly của quỹ JPMorgan Funds, "cú hích vào sự tăng trưởng năm 2018 chắc chắn sẽ là một điều kỳ diệu".

Trở lại với Việt Nam, năm 2017, Việt Nam là quốc gia châu Á có thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất. Việc tăng gấp đôi về quy mô được thúc đẩy bởi doanh số bán hàng cùng việc niêm yết của các doanh nghiệp nhà nước. Chỉ số VN-Index cũng đã tăng tới 47% trong năm qua. 

2017 – Một năm hân hoan của thị trường chứng khoán toàn cầu 1
Nguồn: Bloomberg

Năm 2017, thị trường chứng khoán châu Á tăng trưởng gần 30% - mức tăng cao nhất so với châu Âu kể từ năm 2003 và so với Mỹ kể từ năm 2009.

Điều khiến người ta ngạc nhiên nhất là các thị trường đã tiến triển tích cực trong bối cảnh căng thẳng tại Triều Tiên, giảm giá Nhân dân tệ tại Trung Quốc và một đồng Yên mạnh.