3 bất động sản chờ xử lý của Eximbank

Trần Anh - 10:48, 09/12/2022

TheLEADEREximbank chưa có trụ sở chính để hoạt động ổn định, dẫn đến các khó khăn trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu. Hiện mỗi năm ngân hàng chi 31.1 tỷ đồng để thuê trụ sở tại Vincom Center, TP.HCM

Eximbank vừa công bố các tài liệu chuẩn bị cho phiên họp Đại hội cổ đông vào ngày 16/1/2023 tới đây. Ngoài nội dung bầu bổ sung các thành viên HĐQT mới từ nhiệm, ngân hàng cũng xin ý kiến cổ đông về phương án xử lý đối với 2 bất động sản mà Eximbank đang có quyền lợi.

Cụ thể, Eximbank xin ý kiến cổ đông chấp thuận tiếp tục giữ lại bất động sản tại 242 Bình Thới, Quận 11, TP.HCM để đầu tư làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc, phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Đây là khu đất rộng hơn 7.200 m2 được ngân hàng nhận chuyển nhượng từ năm 2012, sau đó giao cho Eximbank AMC quản lý khai thác và cho một số doanh nghiệp thuê ngắn hạn.

Tại kết luận thanh tra năm 2016, Cục Thanh tra, giám sát NHNN TP.HCM yêu cầu HĐQT có phương án đầu tư dự án 242 Bình Thới và trình ĐHCĐ thông qua. Nếu không, sau 1 năm sau, Eximbank phải thanh lý bất động sản theo quy định. Thực tế, Eximbank đã 6 lần niêm yết đấu giá tài sản nhưng không có nhà đầu tư tham gia nên đến nay vẫn chưa thanh lý.

Ban lãnh đạo hiện nay của Eximbank nhận thấy nhu cầu sử dụng bất động sản làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc của ngân hàng rất lớn và cấp thiết. Do đó việc tiếp tục thanh lý bất động sản tại 242 Bình Thới sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của Eximbank.

Một bất động sản khác tại số 21 Kỳ Đồng, Quận 3, TP.HCM của Eximbank cũng được trình ĐHCĐ phê quyệt phương án xử lý. Cụ thể, năm 2011, Eximbank đã thuê khu đất 21 Kỳ Đồng thời hạn 10 năm và đầu tư xây dựng công trình tại đây với giá quyết toàn là 115 tỷ đồng.

Sau khi hết thời hạn thuê ban đầu, ngân hàng và bên cho thuê không thỏa thuận giải quyết được nên bên cho thuê đã khởi kiện Eximbank ra tòa. Theo Bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM, hai bên sẽ chấm dứt hợp đồng và ngân hàng phải hoàn trả lại toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Đồng thời bên cho thuê có nghĩa vụ thanh toán 30.9 tỷ đồng cho Eximbank.

Do giá trị còn lại của tài sản trên số sách kế toán của Eximbank là hơn 90 tỷ đồng nên việc bàn giao lại tài sản sẽ phát sinh chênh lệch 55 tỷ đồng và ngân hàng không thu hồi được số tiền này. Ban lãnh đạo ngân hàng xin ý kiến cổ đông về việc ghi nhận khoản chênh lệch này vào chi phí phát sinh trong năm 2022 và được coi là khoản tổn thất trong hoạt động của ngân hàng.

Ngoài 2 bất động sản trên, tại ĐHCĐ diễn ra hồi tháng 5, Eximbank cũng trình cổ đông phương án xây dựng trụ sở Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, Quận 1, TP.HCM. Đây là dự án đã được khởi động từ năm 2011 nhưng trải qua nhiều năm đến nay vẫn chưa được triển khai.

Năm 2017, ngân hàng đã từng lập Ban công tác dự án số 7 Lê Thị Hồng Gầm đế đàm phán lựa chọn đối tác phát triển dự án theo tư vấn của Savills. Sau đó Eximbank lựa chọn Mitsubishi Estate Asia là ưu tiên 1, Taisei Corp là ưu tiên 2 và Keppel Capital là ưu tiên 3 đề xin ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. 

Tờ trình của Ban điều hành đánh giá việc triển khai dự án Tháp Eximbank tại số 7 Lê Hồng Gấm theo phương án ngân hàng góp quyền sử dụng đất và phân chia sản phẩm, là dự án kinh doanh bất động sản, làm mất đi quyền sở hữu lâu dài của ngân hàng với lô đất và không phù hợp với giấy phép hoạt động của ngân hàng. Vì vậy dự án đã không thể tiếp tục được triển khai.

Thực tế, Eximbank chưa có trụ sở chính để hoạt động ổn định, dẫn đến các khó khăn trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu. Hiện mỗi năm ngân hàng chi 31.1 tỷ đồng để thuê trụ sở tại Vincom Center, TP.HCM 

Do đó HĐQT của ngân hàng đề xuất cổ đông thông qua việc Eximbank đầu tư trụ sở bằng 100% nguồn vốn tự có thay vì kết hợp với các đối tác như phương án cũ. Chức năng của tòa nhà cũng thay đổi từ văn phòng, căn hộ, khách sạn sang tòa nhà văn phòng phục vụ cho hoạt động của Eximbank và các đơn vị thành viên.