ADB - Việt Nam: 20 năm hợp tác và hơn 7.000 km đường

Nguyễn Lê - 18:48, 09/08/2017

TheLEADER20 năm hợp tác, ADB đã giải ngân cho hơn 30 dự án giao thông vận tải với trên 7.000 km đường các loại cho Việt Nam.

ADB - Việt Nam: 20 năm hợp tác và hơn 7.000 km đường
Ảnh: Internet

Xây dựng mối liên kết mạnh mẽ

Cả ADB và Chính phủ Việt Nam đã sớm nhận ra rằng hệ thống giao thông kém chất lượng chính là hòn đá tảng, cản trở các kế hoạch tăng trưởng kinh tế theo hướng đầu tư, điều cần thiết để tạo thêm công ăn việc làm và giảm nghèo đói. 

Do vậy, những dự án hợp tác ban đầu chủ yếu hướng đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn, các tuyến đường cấp huyện và xã được lựa chọn. Các tuyến đường tại các tỉnh cũng được nâng cấp để tiếp cận thị trường và mạng lưới đường cao tốc quốc gia và kết nối các khu dân cư.

Từ năm 1993 đến năm 2008, phần lớn các khoản giải ngân của ADB cho Việt Nam được dành cho lĩnh vực giao thông. Hơn 30 dự án giao thông vận tải đã được thực hiện trong thời gian này. Kết quả là, khoảng 1.000 km đường quốc lộ, 4.000 km đường tỉnh và huyện, 2.100 km đường nông thôn và hàng trăm cây cầu nhỏ được xây dựng và cải thiện.

Tăng trưởng mạnh

Tác động kinh tế của việc nâng cấp hệ thống giao thông, cùng với việc thực hiện cải cách kinh tế toàn diện trở nên rõ ràng trong những năm 2000.

Tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 7,4%/ năm từ năm 1998 đến năm 2007 và tỷ lệ nghèo đói giảm từ 35% trong năm 2000 xuống còn 16% năm 2006. Sau 25 năm kể từ khi bắt đầu cải cách, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể, chuyển mình từ một quốc gia nghèo sang một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á. 

Việt Nam hiện tại đã thoát khỏi vị trí nước nghèo và trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Theo đó, tính chất của các hỗ trợ của ADB đã thay đổi. Trọng tâm bây giờ là cung cấp hỗ trợ tài chính, chia sẻ kiến thức, và tận dụng các kênh tài chính khác, bao gồm khu vực tư nhân.

Hợp tác với các nước láng giềng

Việt Nam đã tham gia tích cực vào Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng, được thành lập vào năm 1992 với sự trợ giúp của ADB.

Với sự hỗ trợ từ ADB và các nhà tài trợ khác, chương trình đã hỗ trợ các dự án trong các lĩnh vực vận tải, năng lượng, viễn thông, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, thương mại, đầu tư tư nhân và nông nghiệp.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, được khánh thành vào tháng 9/2014, là một phần của dự án hành lang kinh tế Bắc - Nam do ADB hỗ trợ, cho thấy một con đường có thể có tác động to lớn như thế nào đối với nền kinh tế của một quốc gia.

Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: VOV

Bên cạnh đó, ADB đã hỗ trợ hai hành lang kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng gắn kết Việt Nam với các nước trong khu vực là hành lang kinh tế phía Nam – kết nối các tỉnh, thành phố lớn của khu vực phía Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây, kéo dài 1.320km từ Cảng Đà Nẵng đến bờ biển Ấn Độ Dương thuộc Myanmar.

Các hành lang kinh tế bao gồm nhiều dự án bổ sung nằm dọc theo trục quốc lộ. Song song với việc tập trung vào các giải pháp giao thông đô thị xanh, ADB cũng hỗ trợ cho 14 triệu cư dân, những người đang phải vật lộn với tắc đường tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với các dịch vụ đường sắt đô thị hiện đại và hiệu quả.

Hỗ trợ người khó khăn

ADB cũng đã hỗ trợ trực tiếp cho những người dân gặp khó khăn qua những dự án phát triển, một trong số đó là dự án chăm sóc y tế cho những người dân sinh sống tại khu vực Tây Nguyên. Nhiều người trong các cộng đồng này trước đây thường tìm đến các thầy lang để chữa bệnh. Họ thường sử dụng các loại thuốc thảo dược, chứ không dùng các loại thuốc hiện đại.

“Đa số người dân còn kém hiểu biết và nhận thức sai về những nguy cơ sức khoẻ. Tuy nhiên tình hình đã thay đổi, một phần nhờ Dự án chăm sóc sức khoẻ do ADB hỗ trợ”, bà Nguyễn Thị Luyến, một y tá trong vùng nói.

Trong khuôn khổ của dự án, phòng y tế đã thiết lập một trung tâm thông tin, giáo dục và truyền thông trong bệnh viện để nâng cao nhận thức về những lợi ích của chăm sóc y tế hiện đại cho người dân. 

Mỗi thôn trong khu vực xung quanh đều được cung cấp ít nhất một trạm xá. Đồng thời, nhân viên và y tá được đào tạo về cách thức quản lý bệnh nhân.

Nhờ những dự án y tế như thế này, cộng đồng địa phương cho biết tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm, bà Luyến cho biết.