Bài học kiên nhẫn từ cuộc cách mạng sứ dưỡng sinh

Phạm Sơn - 20:00, 14/08/2022

TheLEADERKiên nhẫn và không bao giờ chấp nhận bỏ cuộc là bí quyết thành công của ông Lý Ngọc Minh, Nhà sáng lập Gốm sứ Minh Long.

Bài học kiên nhẫn từ cuộc cách mạng sứ dưỡng sinh
Ông Lý Minh Long, Nhà sáng lập Gốm sứ Minh Long.

Thành lập từ năm 1970, đến năm 1972, nhờ áp dụng những kỹ thuật mới trong mỹ nghệ, gốm sứ Minh Long đã xuất được những lô hàng đầu tiên sang Pháp, Mỹ, Ấn Độ.

Sau Giải phóng, Minh Long phải tạm ngừng hoạt động một thời gian. Khởi động lại từ năm 1980, sau khoảng 10 năm, Gốm sứ Minh Long tiếp tục là một trong những công ty đầu tiên được cấp giấy phép xuất khẩu sang các nước tư bản.

Lợi thế về chất lượng sản phẩm, Minh Long nhanh chóng đạt đến “đỉnh” xuất khẩu. Năm 1995, xuất khẩu chiếm 98% doanh thu của Gốm sứ Minh Long.

Tuy nhiên, vào năm 1996, ông Lý Ngọc Minh, Nhà sáng lập Gốm sứ Minh Long, được một vị lãnh đạo tỉnh Bình Dương thuật lại thắc mắc của cố Tổng bí thư Đỗ Mười: “Bình Dương sao lại phải dùng ấm trà gốm nước ngoài”?

Lời nói của cố Tổng bí thư đã đánh vào lòng tự tôn dân tộc của “vua gốm sứ’, khiến ông Minh ngay lập tức tổ chức cuộc họp nội bộ, đưa ra quyết định vượt qua “đỉnh” kinh doanh xuất khẩu để nhìn sang “đỉnh” tiếp theo: chuyển hướng chinh phục thị trường trong trong nước.

Có sẵn trái tim yêu nghề, với kinh nghiệm hàng chục năm làm gốm sứ, sở hữu công nghệ, quy trình hiện đại và đội ngũ nhân sự giàu năng lực, Minh Long nhanh chóng chinh phục được “đỉnh” thứ 2 và tập trung cho cuộc cách mạng mới, cuộc cách mạng mang tên “nồi sứ dưỡng sinh”.

Ý tưởng về những chiếc nồi sứ dưỡng sinh đã ấp ủ trong tim ông Minh từ khi còn là một cậu bé. Mồ côi cha từ nhỏ, phải vừa học vừa tranh thủ phụ mẹ việc nhà, ông Minh nhanh chóng quen cách chế biến những món ăn dân dã, từ việc nêm nếm, canh lửa, giữ lửa sao cho thức ăn chín ngon, đảm bảo dinh dưỡng.

Món thịt kho, cá kho của mẹ khiến ông nhớ mãi, bởi vị ngon lạ thường khi được nấu trong chiếc nồi gốm men đất đỏ. Tuy nhiên, loại nồi này thường xuyên bị rạn, vỡ trong quá trình sử dụng.

“Cá kho trong nồi gốm đất đỏ có vị ngon lạ thường nhưng rất dễ vỡ. Nồi gốm dẫn nhiệt kém nên nấu cũng rất chậm. Từ đó, tôi đã mơ ước về một chiếc nồi sứ bền hơn, đun nấu không bị rạn men nhưng vẫn giữ lại vị tinh túy của các món ăn”, vua gốm sứ chia sẻ với cộng đồng doanh nhân trẻ tại tọa đàm thuộc dự án Việt Nam 2030 do BIT Group tổ chức.

Nồi sứ dưỡng sinh của Minh Long, theo ông Minh, là chiếc nồi sứ duy nhất trên thế giới có thể nấu được trên bếp từ, nấu không cần nước, có thể chiên rán thực phẩm hoặc nấu chậm ở nhiệt độ thấp để không làm phát sinh ra chất độc hại.

Nồi sứ dưỡng sinh giúp thực phẩm giữ lại tối đa dinh dưỡng. Nếu dùng để sắc thuốc, chất thuốc cũng tiết ra gấp đôi bình thường trong những chiếc nồi đặc biệt này.

Kiên nhẫn để thành công

Vua gốm sứ Lý Ngọc Minh vẫn thường nói vui rằng “chỉ có muốn hại bạn bè thì mới xúi đi làm nghề gốm”, bởi đây là nghề rất khó làm nhưng cũng rất khó dứt ra được.

Cái nghiệp, cái duyên đã “bắt” ông Minh gắn bó với nghề gốm sứ suốt hơn 50 năm trời, từ một cậu bé quyết tâm nối nghiệp cha và ông nội, cho đến khi sở hữu thương hiệu gốm sứ hàng đầu Việt Nam.

Nhà sáng lập Gốm sứ Minh Long lý giải cho mối gắn bó với nghề làm gốm sứ, phần bởi cái sự thú vị trong nghề khi “không đoán được ngày mai mẻ gốm của mình xảy ra cái gì”, phần bởi đức tính kiên nhẫn.

Sự kiên nhẫn đã ngấm vào máu ông Minh từ khi còn là một cậu bé, đằng đẵng suốt hơn 3 năm trời vùi mình vào “phòng thí nghiệm” là kho đất cũ để tự mày mò nghiên cứu cách làm gốm sứ để tạo ra dòng men sứ đẹp như sứ của chú Siêu (doanh nhân buôn sứ Tân Hòa Phát).

Kiên nhẫn cũng là yếu tố tạo ra sự thành công cho những cuộc cách mạng lớn, những lần vượt đỉnh của Minh Long, từ chinh phục thị trường trong nước cho đến khi sản xuất dòng sứ dưỡng sinh “độc nhất vô nhị” trên thế giới.

Bài học kiên nhẫn từ cuộc cách mạng sứ dưỡng sinh 1
Nồi sứ dưỡng sinh của Minh Long giúp thức ăn được nấu chín một cách an toàn và giữ lại đầy đủ dưỡng chất.

Theo ông Minh, mỗi cuộc cách mạng lớn thành công đều có sự đóng góp của những cuộc cách mạng nhỏ, tích lũy dần dần, giống như “lu hứng nước mưa tí tách, trải qua đêm dài nước mới đầy miệng lu”.

Chính vì vậy, dù có sẵn nhiều nguồn lực nhưng phải mất đến 15 năm, nồi sứ dưỡng sinh mang thương hiệu Minh Long mới chính thức xuất hiện trên thị trường. 15 năm ấy, không chỉ là đầu tư sản xuất mà là cả quá trình dài đằng đẵng ông Minh cùng những cộng sự nghiên cứu bí quyết từ các gia tộc nhiều đời làm gốm sứ, đặt chân lên không biết bao nhiêu vùng đất để tìm ra loại đất phù hợp, tiến hành hàng nghìn cuộc thử nghiệm.

Ý tưởng của ông Minh lúc đó là dùng sứ để thay thế gốm, bởi sứ khắc phục được điểm yếu của gốm là hút nước nên dễ rạn men, nổ men hoặc sinh ra nấm mốc. Tuy nhiên, sứ lại dễ sốc nhiệt bởi không có khoảng trống ở giữa. Giải quyết mâu thuẫn này không phải là điều đơn giản, thậm chí còn bị cho là không tưởng.

Cuối cùng, ý tưởng “không tưởng” ấy lại thành sự thật, khi Minh Long cho ra đời dòng nồi sứ “5 nhất”: nấu dễ nhất; nấu nhanh nhất; nấu ngon nhất; hiệu quả nhất và an toàn nhất.

Quá trình nghiên cứu ra nồi sứ dưỡng sinh được ông Minh ví như nấu mì. Nếu muốn nhanh, có thể chỉ mất vài phút là cho ra một tô mì ăn liền chống đói. Tuy nhiên, tô mì ăn liền ấy chẳng thể nào thơm ngon, bổ dưỡng như tô mì phải mất hàng tiếng để nấu nước dùng, chế biến nguyên liệu.

Một yếu tố quan trọng khác góp phần cho sự thành công của sứ dưỡng sinh là tinh thần không được bỏ cuộc. “Ngay cả khi các bạn không còn cách nào nữa thì suy nghĩ mãi cũng tìm ra cách. Giống như trong nghiên cứu khoa học, người ta có bao giờ “bí” đâu, khó khăn thì lại tìm tòi, áp dụng kỹ thuật khác để tìm bằng được ra lời giải’, Nhà sáng lập Gốm sứ Minh Long nhắn gửi tới các doanh nhân trẻ.