Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng

Thu Tuyến - 09:00, 08/10/2023

TheLEADERNhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 với nội dung làm rõ các khái niệm liên quan đến hoạt động quảng cáo, phân phối sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số.

Ngày 20/6 vừa qua, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 được thông qua, dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024. Bộ Công thương được Thủ tướng Chính phủ phân công, chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo do Ủy ban Cạnh tranh quốc gia phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) TP.HCM, Tập đoàn VNPT và URC Việt Nam, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, cho biết, dự thảo nghị định đã được đăng tải công khai để lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Công thương, nhận được nhiều đóng góp từ các cá nhân, tổ chức, hiệp hội.

Đặc biệt, nhiều ý kiến đóng góp tập trung vào một số nội dung liên quan đến hoạt động quảng cáo, tiếp thị, phân phối sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số. Các hoạt động kinh doanh trên không gian mạng nở rộ kéo theo nhiều hệ lụy, phát sinh nhiều vấn đề chưa được điều chỉnh bởi pháp luật cũng là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng
Các đại biểu tham dự hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Đơn cử, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo nghị định cần làm rõ khái niệm “người có ảnh hưởng”. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, “người có ảnh hưởng là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể theo quy định của Chính phủ”.

Người có ảnh hưởng khi cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng có trách nhiệm đảm bảo tính chính xác và đầy đủ của thông tin; yêu cầu đơn vị kinh doanh cung cấp thông tin, phương tiện chứng minh tính chính xác và đẩy đủ của thông tin và chịu trách nhiệm liên đới nếu thông tin được cung cấp là không chính xác, trừ khi chính minh bản thân đã thực hiện đủ các biện pháp theo quy định pháp luật để kiểm tra thông tin.

Bên cạnh đó, cả người có ảnh hưởng và doanh nghiệp đều phải có nghĩa vụ thông báo cho người tiêu dùng về việc người có ảnh hưởng được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết đã tiếp thu ý kiến đóng góp và tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo hướng lượng hóa các tiêu chí xác định thế nào là người có ảnh hưởng.

Các khái niệm về nền tảng số, nền tảng số trung gian và nền tảng số lớn cũng là vấn đề được nhiều hiệp hội, tổ chức quan tâm và đề nghị làm rõ khi góp ý xây dựng dự thảo nghị định.

Trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, một số hành vi liên quan đến nền tảng số và nền tảng số trung gian sẽ bị cấm, có thể kể đến như việc ép buộc người tiêu dùng sử dụng nền tảng số như điều kiện để dùng dịch vụ, ngăn chặn hoặc hiển thị không trung thực thông tin đánh giá về sản phẩm, dịch vụ…

Đối với các nền tảng số lớn, bên cạnh việc tuân thủ quy định đối với nền tảng số, tổ chức thiết lập, vận hành còn phải thiết lập kho lưu trữ quảng cáo sử dụng thuật toán hướng đến nhóm người tiêu dùng cụ thể; đánh giá định kỳ việc kiểm duyệt nội dung, sử dụng thuật toán và quảng cáo hướng đến người tiêu dùng cụ thể cũng như hoạt động xử lý tài khoản giả, sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, khái niệm nền tảng số và nền tảng số trung gian đã được quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2023. Về việc xác định thế nào là nền tảng số lớn, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 cũng đưa ra quy định về việc công khai, gỡ bỏ thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng, bao gồm thông tin về cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc cơ quan nước ngoài có thẩm quyền.

Các ý kiến góp ý đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bộ trong cung cấp, công khai, gỡ bỏ thông tin cảnh báo cũng như rà soát để quy định cụ thể hơn để thực hiện việc này. Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề nghị xem xét và cân nhắc bỏ các cơ quan báo chí ra khỏi các chủ thể mà tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về hành vi vi phạm bị xử lý.

Phát biểu kết luận hội thảo, bà Nga cho biết, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn thiện dự thảo, báo cáo ban soạn thảo cho ý kiến trước khi trình Chính phủ vào tháng 12 tới.