Chủ tịch VCCI: Việt Nam vẫn còn tình trạng 'một thỏi sô-cô-la cõng 13 giấy phép'

Việt Hưng - 14:49, 25/05/2018

TheLEADERTheo Chủ tịch VCCI, nhiều vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế mới chỉ được nhận diện mà chưa có phương án giải quyết một cách căn cơ.

Sáng 25/5, trong khuôn khổ kỳ họp Quốc hội, cho ý kiến vào báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2018, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, theo ông Lộc những kết quả đạt được nói trên mới chỉ là thành công ban đầu và chủ yếu nhờ vào các giải pháp mang tính ngắn hạn cộng với sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ. Nhiều vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế mới chỉ được nhận diện mà chưa có phương án giải quyết một cách căn cơ.

Vẫn còn tình trạng 'một thỏi sô-cô-la cõng 13 giấy phép'

Cụ thể, về cải cách thể chế, ông Lộc đã chỉ ra những bất cập. Đó là câu chuyện cười ra nước mắt mà chỉ có ở Việt Nam như một thỏi sô-cô-la phải cõng 13 giấy phép, hay thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin giấy phép bán gà vẫn tồn tại ở nhiều nơi.

Một số bộ ngành mới thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực chịu sức ép lớn từ Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và dư luận xã hội. Đây là chạy theo vụ việc, thiếu bài bản, đối phó. Không ít tư lệnh ngành còn lơ là với nhiệm vụ làm thể chế... Một kế hoạch tổng thể nhằm giải quyết tận gốc rễ các vấn đề của cơ chế "xin-cho" vẫn chưa được phác thảo.

Theo Chủ tịch VCCI, nếu các bộ luật vẫn được thiết kế theo kiểu luật ống, luật khung, cần phải có nghị định, thông tư hoặc bộ ngành hướng dẫn thì tình trạng "giấy phép con, cháu" và các thủ tục rườm rà có nguy cơ sẽ không biến mất mà biến tướng, phục hồi, chuyển từ hình thái này sang hình thái khác và đè nặng lên doanh nghiệp.

Việc giảm chi phí, cả chính thức và không chính thức, cho người dân và doanh nghiệp vì thế sẽ vẫn khó thực hiện triệt để. Trần thể chế sẽ vẫn là cản trở những nỗ lực sáng tạo của các địa phương và cơ sở. Sự chững lại của các “ngôi sao cải cách” trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017 đã minh chứng cho hiện tượng này.

Chủ tịch VCCI: Việt Nam vẫn còn tình trạng 'một thỏi sô-cô-la cõng 13 giấy phép'

Tăng thuế phí dồn dập khiến dân bức xúc

Về tài khóa, trong những năm qua chúng ta đã cố gắn cân bằng ngân sách, khống chế nợ công bằng các nguồn thu một lần như bán đất, bán tài sản công hay thu từ cổ tức của các doanh nghiệp Nhà nước.

Khi các nguồn này cạn kiệt chúng ta phải chuyển sang tăng thu từ thuế nhưng nếu chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế để giảm chi thường xuyên, lấy nguồn cho đầu tư phát triển được thực hiện một cách tốt hơn thì chúng ta đã không phải tăng thuế phí dồn dập và tận thu khiến người dân bức xúc.

Đại biểu Lộc lưu ý, tăng thuế quá mức sẽ tạo ra sự dịch chuyển nguồn lực từ khu vực tư đang hoạt động hiệu quả sang khu vực công kém hiệu quả hơn. Điều này không có lợi cho tăng trưởng kinh tế về dài hạn.

Một nghịch lý là, trong khi Chính phủ và các bộ ngành đang ra sức tìm các biện pháp để tăng huy động vốn thì tốc độ giải ngân đầu tư công lại ngày càng chậm, gây lãng phí lớn.

Kết thúc bài phát biểu, Đại biểu Lộc nhấn mạnh, "một người lo bằng một kho người làm", để đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong phát triển kinh tế xã hội, các bộ ngành phải thực sự là kiến trúc sư trưởng trong cải cách thể chế ở từng lĩnh vực chứ không chỉ hành xử như những đốc công.

* Báo cáo bổ sung tình hình phát triển kinh tế năm 2017 Chính phủ cho biết, 12/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt trên 1% so với kế hoạch; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3,53% (kế hoạch 4%); xuất siêu 2,9 tỷ USD; dự trữ ngoại hối là 63,5 tỷ USD.

GDP quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Nổi bật là cả ba khu vực cốt lõi của kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và chế biến, chế tạo đều tăng cao so với cùng kỳ, lần lượt đạt 4,05%; 9,7% và 13,56%.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận động lực tăng trưởng năm 2018 được dự báo "sẽ không tăng nhiều, mạnh như 2017".