Cổ đông Eximbank thế chấp 6 triệu cổ phiếu tại ngân hàng Việt Á

Trần Anh - 17:47, 17/02/2022

TheLEADERCông ty xuất nhập khẩu tổng hợp 1 Việt Nam sở hữu khoảng 13 triệu cổ phiếu Eximbank từ 10 năm trước, gần một nửa số cổ phiếu này đã được sử dụng làm tài sản bảo đảm thay thế cho nghĩa vụ trả nợ tại ngân hàng Việt Á từ năm 2018.

Eximbank mới đây đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông và ra mắt HĐQT nhiệm kỳ mới sau nhiều năm bị trì hoãn bởi các bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn. Bà Lê Thị Cẩm Tú, người từng là CEO của NamA Bank được bầu làm Chủ tịch HĐQT của ngân hàng 2 ngày sau Đại hội cổ đông.

6 thành viên HĐQT còn lại của Eximbank gồm bà Lê Hồng Anh và ông Trần Phong Trúc Đại, bà Đồ Hà Phương, ông Nguyễn Thanh Hùng (Phó chủ tịch Bamboo Capital), ông Nguyễn Hiếu (Thành viên HĐQT VDSC) và ông Võ Quang Hiền, đại diện của SMBC.

Góp mặt trong các thành viên trong HĐQT mới của Eximbank, cũng là sự kiện ra mắt chính thức của một nhóm cổ đông mới tại ngân hàng này - Tập đoàn Thành Công, nhà lắp ráp và phân phối xe ô tô Hyundai nổi tiếng trong nước.

Dù đã theo đuổi Eximbank từ năm 2019 và nắm giữ một lượng lớn cổ phần, song phải tới thời điểm này, Tập đoàn Thành Công mới có vị trí chính thức trong HĐQT Eximbank.

Trong số các cổ đông bỏ phiếu cho bà Lê Hồng Anh và ông Trần Phong Trúc Đại, ngoài Tập đoàn Thành Công, Hợp tác xã cổ phần Thành Công, cổ đông ngoại MR Exim Investments còn có một công ty kém tên tuổi là Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp 1 Việt Nam (TH1). Công ty này mua cổ phiếu Eximbank từ năm 2012 với khối lượng gần 13 triệu cổ phiếu.

TH1 tiền thân là Công ty xuất nhập khẩu Tổng hợp I, một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông lâm thủy hải sản, khoáng sản, hàng thủ công mỹ nghệ...; sản xuất gia công chế biến lắp ráp các mặt hàng dệt, may, đồ chơi….

Doanh nghiệp này được chuyển đổi thành công ty cổ phần năm 2005 và đến năm 2009, TH1 niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá đóng cửa phiên đầu tiên gần 70.000 đồng/cổ phiếu nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng và tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Mặc dù vậy, kể từ khi lên sàn, TH1 thua lỗ nhiều năm liên tiếp và bị hủy niêm yết bắt buộc tại HNX, chuyển sang giao dịch hạn chế tại sàn UPCOM từ năm 2018. Một trong những lý do khiến TH1 thua lỗ lại đến chính từ cổ phiếu… Eximbank.

Cụ thể, do giá cổ phiếu EIB giảm nên từ năm 2015, TH1 bắt đầu trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này. Tính đến cuối năm 2017, khoản dự phòng lên tới hơn 47 tỷ đồng, tương đương gần 30% giá trị đầu tư.

Mặt khác, hoạt động kinh doanh chính là xuất nhập khẩu khiến TH1 bị thiệt hại nặng do thua lỗ tỷ giá. Năm 2014, TH1 được Ngân hàng Việt Á cấp hạn mức tín dụng tối đa 350 tỷ đồng có thời hạn 12 tháng để bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Dư nợ tính tới cuối năm 2014, bao gồm cả vay VND và USD trị giá hơn 200 tỷ đồng.

Sau khi quá thời hạn trả nợ, đến năm 2018, TH1 và Viet A Bank ký thỏa thuận nhận tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là 6 triệu cổ phần Eximbank do TH1 sở hữu, cộng với quyền sở hữu và toàn bộ lợi ích của khu đất trụ sở của TH1 rộng 436 m2 tại số 7 Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo xác nhận công nợ của ngân hàng Việt Á thì từ cuối năm 2019, số dư nợ gốc của TH1 với ngân hàng là 0 đồng. Tuy nhiên, theo quy định trong thỏa thuận nhận tài sản bảo đảm thì Ngân hàng Việt Á được quyền đơn phương chấm dứt thỏa thuận này và yêu cầu TH1 thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ tài chính có liên quan nếu công ty vi phạm các nghĩa vụ quy định tại thỏa thuận này. Trong báo cáo tài chính công bố giữa năm ngoái, TH1 cho biết, số cổ phiếu EIB dùng làm tài sản thế chấp hiện vẫn đang bị phong tỏa tại Ngân hàng Việt Á.

Trong khi hoạt động kinh doanh không có gì đáng chú ý, khoản đầu tư vào cổ phiếu Eximbank bất ngờ mang lại lợi nhuận lớn cho TH1. Những tín hiệu tích cực từ ĐHCĐ và triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng đã giúp giá cổ phiếu EIB tăng mạnh.

Kết thúc năm 2021, cổ phiếu Eximbank đóng cửa ở mức giá gần 34.000 đồng/cổ phiếu, nâng giá trị hợp lý cho số cổ phiếu EIB của TH1 là 385 tỷ đồng, tăng mạnh so với giá gốc chỉ là 144 tỷ đồng.

Mặt khác, hoạt động kinh doanh của TH1 cũng bớt áp lực hơn khi hai công ty xuất hiện bất ngờ mua lại các khoản vay của công ty tại ngân hàng. Cụ thể, kể từ năm 2019, Công ty đầu tư Hùng An và Công ty kinh doanh BĐS VHC đã liên tục mua lại các khoản nợ cả ngắn hạn và dài hạn của TH1 tại Sacombank, BIDV, Vietinbank, VietcomBank, Agribank với tổng giá trị mua vào lên tới gần 400 tỷ đồng.