Cơn đau đầu của các nhà bán hàng online

Việt Hưng - 14:41, 30/10/2023

TheLEADERViệc phổ cập công cụ quản lý khách hàng (CRM) cũng như các công cụ hỗ trợ tương tác giữa người bán và khách hàng là xu thế tất yếu, tuy nhiên khả năng đáp ứng của các đơn vị phát triển giải pháp này tại Việt Nam lại chưa bắt kịp được thị trường.

Báo cáo trong năm 2023 của Sapo dự đoán, bán hàng đa kênh tiếp tục là xu hướng tất yếu của ngành bán lẻ, khi các doanh nghiệp đang nỗ lực đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến.

57,65% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh - tại cửa hàng và một số kênh online. Tỷ lệ người kinh doanh chỉ bán offline tại cửa hàng chiếm 23,71% và người kinh doanh chỉ bán online chiếm 17,35%.

Mặt khác, nhà bán hàng đa kênh thể hiện ưu thế về doanh thu so với các nhà bán hàng chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng hoặc chỉ bán online. Người bán hàng đa kênh ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu chiếm 68,01%, trong khi đó tỉ lệ này với người bán hàng online là 16,9% và người chỉ bán tại cửa hàng là 15,07%

Sự phát triển của xu hướng bán hàng đa kênh kéo theo nhu cầu sử dụng các công cụ hỗ trợ tương tác giữa người bán và khách hàng, đặc biệt là đối tượng người bán hàng online, càng ngày càng gia tăng về số lượng.

"Nhóm đối tượng này cũng đang hướng tới việc giảm phụ thuộc vào các sàn thương mại điện tử, khi các sàn càng ngày càng thắt chặt chính sách hỗ trợ cũng như gia tăng chi phí bán hàng, quảng cáo trên sàn", ông Nguyễn Nguyên Hùng - Giám đốc kinh doanh Calio cho biết.

Cơn đau đầu của các nhà bán hàng online
Ông Nguyễn Nguyên Hùng - Giám đốc kinh doanh Calio

Từ đây, các nền tảng CRM được ra đời, giúp doanh nghiệp tiếp cận và giao tiếp với khách hàng một cách có hệ thống và hiệu quả, quản lý các thông tin của khách hàng và các vấn đề khác, nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn.

Thống kê sơ bộ, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ như CRM tăng 10% mỗi năm. Thị trường CRM tại Việt Nam có tiềm năng lớn, khi dự kiến đạt 244,6 triệu USD năm 2027 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 13,6%.

Đại diện Calio tin rằng, việc phổ cập CRM cũng như các công cụ hỗ trợ tương tác giữa người bán và khách hàng là xu thế tất yếu, trong bối cảnh các nhà bán lẻ từ nhỏ tới siêu nhỏ, đặc biệt là đối tượng người bán hàng online, càng ngày càng gia tăng về số lượng.

Tuy nhiên, cũng tồn tại một thực tế là đa phần các giải pháp CRM tại Việt Nam hiện đang gặp một số nhược điểm bao gồm: chi phí bắt đầu sử dụng cao, giao diện chưa thân thiện, nhiều tính năng dư thừa, hạn chế hoặc không sẵn sàng cho việc mở tích hợp với các công cụ ngoài...

Ông Nguyễn Nguyên Hùng gọi đây là cơn "đau đầu" của các nhà bán hàng online, khi nhu cầu sử dụng CRM tại Việt Nam ngày một lớn, nhưng khả năng đáp ứng của các đơn vị phát triển giải pháp lại chưa bắt kịp được thị trường.

Ra đời từ tháng 7/2020, Callio tập trung vào việc giải quyết những bài toán mà các giải pháp CRM khác đang gặp phải như: gói sử dụng phần mềm linh hoạt chỉ từ 50 nghìn đồng/người/tháng, hệ thống tổng đài toàn diện, tích hợp sẵn chức năng chat đa kênh, tích hợp liền mạch với các chức năng bán hàng, marketing chăm sóc khách hàng…

Cơn đau đầu của các nhà bán hàng online 1
Callio tập trung vào việc giải quyết những bài toán mà các giải pháp CRM đang gặp phải

Lợi thế cạnh tranh đầu tiên của Callio đến từ năng lực cốt lõi của giải pháp. Toàn bộ cấu trúc phần mềm được lập trình nội bộ để đảm bảo lợi thế về tốc độ, tính linh hoạt và khả năng mở rộng.

Calio có khả năng giải quyết hầu hết tình huống sử dụng phần mềm CRM nhờ sự thấu hiểu các vấn đề cụ thể của từng lĩnh vực kinh doanh. Công cụ giao tiếp bán hàng toàn diện nhất trên thị trường, tập trung vào hiệu quả, hiệu suất bán hàng.

Nhờ những lợi thế này, Callio hướng đến nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ với trọng tâm chính là chức năng bán hàng với thời gian triển khai ngắn nhất so với các đối thủ cạnh tranh, chỉ 30 phút để thiết lập không gian làm việc và sẵn sàng đi vào hoạt động.

Theo lãnh đạo Callio, hiện nay, gọi điện vẫn là kênh có khả năng chuyển đổi trạng thái bán hàng cao nhất. Tuy nhiên, người tiêu dùng ngày càng quen với hành vi sử dụng các điểm chạm là kênh chat, nhắn tin qua các nền tảng phổ biến như Zalo hoặc Facebook để bắt đầu hành trình mua hàng của mình.

Điều này đặt ra thách thức với doanh nghiệp khi phải đối mặt với bài toán phân mảnh thông tin khách hàng, thiếu hụt nguồn lực con người hỗ trợ trong hành trình mua hàng thông qua các điểm chạm này.

"Đây cũng chính là nỗi đau chính của thị trường mà Callio tập trung giải quyết. Từ đó, đưa Callio trở thành một công cụ kinh doanh tập trung toàn diện, hỗ trợ đa điểm chạm với chi phí cạnh tranh", ông Hùng khẳng định.