Con đường duy nhất để giải quyết bất ổn tại BOT Cai Lậy

Thu Phương - 14:11, 04/12/2017

TheLEADERTheo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, về nguyên tắc BOT không được là con đường độc đạo, độc quyền bắt người dân phải đi và nộp phí nên cần sớm di dời trạm BOT Cai Lậy do vị trí đặt trạm bất hợp lý.

Con đường duy nhất để giải quyết bất ổn tại BOT Cai Lậy
BOT Cai Lậy liên tục thất thủ trong nhiều ngày qua.

Thu phí trở lại sau hơn 3 tháng tạm dừng, tình hình căng thẳng tại BOT Cai Lậy lại một lần nữa tái diễn. Các tài xế qua trạm đã phản ứng quyết liệt và đối phó bằng nhiều cách khiến BOT Cai Lậy liên tục thất thủ, phải xả trạm nhiều lần trong các ngày qua.

Trao đổi với TheLEADER một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sớm di dời trạm BOT Cai Lậy do đặt trạm bất hợp lý. 

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, vấn đề tại BOT Cai Lậy đã quá rõ ràng. "Nếu không có một giải pháp thỏa đáng cho thực trạng tại Cai Lậy sẽ để lại những hiệu ứng và tiền lệ không tốt đối với xã hội", ông Doanh nói. 

Con đường duy nhất để giải quyết bất ổn tại BOT Cai Lậy
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

TS. Lê Đăng Doanh cho biết, trên thế giới bao giờ người ta cũng xây dựng các đoạn đường BOT song song với các tuyến đường vốn có. Nếu người dân muốn đi đường tốt, đi nhanh hơn thì phải nộp phí. Còn nếu họ không muốn đi đường BOT thì họ vẫn có quyền được đi đường cũ không phải trả bất kỳ phí nào.

Trong khi đó, theo ông Doanh, các dự án BOT tại Việt Nam đang mọc lên với mật độ dầy đặc, lại không được đưa ra thảo luận với người dân mà chủ yếu là chỉ định thầu, không công khai minh bạch khiến người dân phản đối là điều tất yếu.

Đối với sự việc tại Cai Lậy, vị chuyên gia kinh tế uy tín này cho rằng, trước mắt, các cơ quan quản lý cần sớm di dời vị trí đặt trạm thu phí vì trạm đó đặt không đúng. Việc di dời trạm thu phí này có thể bồi thường cho chủ đầu tư khoản tiền đã thi công Quốc lộ 1.

Tuy nhiên, về lâu dài, cần có một khung pháp luật cho các hình thức hợp tác công tư PPP, BOT hay BT một cách rõ ràng, minh bạch.

"Hình thức huy động vốn BOT là cần thiết, song tại Việt Nam hình thức hợp tác này đang có dấu hiệu của nhóm lợi ích, vi phạm nguyên tắc: BOT không được là con đường độc đạo, độc quyền, bắt người dân phải đi và nộp phí", ông Doanh khẳng định.

Ở góc nhìn tương tự, theo ông Nguyễn Khắc Giang, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trong giải pháp cho BOT Cai Lậy, Nhà nước và các bộ ngành cần hết sức thận trọng. Bởi nếu không làm tốt, nó sẽ tạo ra hiệu ứng và tiền lệ xấu đối với hơn 80 trạm BOT khác trên phạm vi cả nước.

Con đường duy nhất để giải quyết bất ổn tại BOT Cai Lậy 1
Ông Nguyễn Khắc Giang, Viện VEPR

Theo ông Giang, cuộc phản kháng tại Cai Lậy của tài xế về bản chất không phải vì mục đích kinh tế. Do đó, việc Bộ Giao thông vận tải giảm mức phí BOT Cai Lậy đến 30% và miễn phí dịch vụ cho người dân địa phương nhằm đạt được đồng thuận từ các tài xế đã không thành công.

"Sự bức xúc và phản đối của các tài xế tại đây mạnh mẽ như vậy trong những ngày qua bởi họ cho rằng việc thu phí BOT là không đúng, bất công và không phản ánh chính xác dịch vụ mà họ sử dụng", ông Giang nói.

Cũng theo nhìn nhận của ông Giang, trên thực tế, BOT đã làm được những con đường tốt cho người dân, nhiều dự án thu phí cao như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nhưng người dân vẫn chấp nhận đi. Trong khi đó, BOT tại Cai Lậy lại là con đường độc đạo, người dân không có sự lựa chọn, khiến người dân bức xúc

Vị chuyên gia này cho rằng, Nhà nước muốn giải quyết được tình trạng này thì buộc phải thuyết phục được người dân rằng việc đặt trạm thu phí và mức phí là hợp lý. Hoặc nếu đã xác định là không hợp lý, phải có cơ chế xử lý nghiêm khắc cơ quan liên quan, đồng thời phải di dời trạm.

"Do đó, các cơ quan chức năng cần làm rõ việc minh bạch trong khâu đấu thầu, lựa chọn dự án và đặt trạm thu phí. Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc, cùng với đó là sự giám sát của Quốc hội. Đồng thời, cần tính toán lại chi phí xây dựng của dự án, thời gian hoàn vốn, mức thu phí. Nhiều sự án vừa qua do thông tin không minh bạch, không giám sát đã tự ý kéo dài thời gian thu phí để trục lợi gây bức xúc trong dư luận", ông Giang khuyến nghị.

Lược sử dự án BOT Cai Lậy:

Dự án BOT Cai Lậy có tổng mức đầu tư là 1.398 tỷ đồng (chưa quyết toán), nguồn vốn 100% tư nhân. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 210 tỷ đồng (Bắc Ái góp 136,5 tỷ đồng (65%); TRICO góp 73,5 tỷ đồng (35%)), chiếm 15% tổng mức đầu tư; phần còn lại là vốn vay ngân hàng.

Năm 2014: Khởi công dự án gồm phần tuyến tránh qua thị xã Cai Lậy đầu tư mới dài 12km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và thêm phần bảo trì Quốc lộ 1 đoạn qua Cai Lậy dài 26,5km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, trong đó nâng cấp 14 cầu.

Trạm thu phí ban đầu được thiết kế đặt trên quốc lộ cách vị trí hiện nay 600 m về hướng Vĩnh Long nhưng năm 2015, liên doanh đầu tư, quản lý và khai thác dự án xin điều chỉnh vị trí trạm về vị trí hiện nay với lý giải do chỗ cũ dân đông, đất thổ cư nhiều và chưa thống nhất khiếu nại đền bù và được Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang và UBND huyện Cai Lậy đã đồng ý.

Ngày 1/8/2017: Bắt đầu thu phí từ 35.000 - 180.000 đồng/lượt.

Ngày 13-14/8/2017: Xả trạm và ngừng hoạt động vì tài xế phản ứng bằng cách trả liền lẻ gây ùn tắc nhằm phản đối trạm thu phí đặt không hợp lý. Tài xế yêu cầu dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh vì đây mới là đường được đầu tư còn tuyến Quốc lộ 1 họ đã đóng phí bảo trì hàng năm.

Ngày 16/8: Bộ Giao thông vận tải quyết định giảm mức phí còn 25.000-160.000 đồng, miễn phí cho các xã ở gần trạm thu phí nhưng trạm vẫn ngừng hoạt động.

Ngày 30/11: Thu phí trở lại từ 9h sáng sau hơn 3 tháng tạm ngừng nhưng đến trưa thì kẹt xe kéo dài vì tài xế trả tiền lẻ, buộc phải xả trạm. Sau đó lại thu phí, rồi ùn tắc và xả trạm tiếp suốt đến đêm. Tình hình căng thẳng tại đây lại một lần nữa được tái diễn.