Covid-19 thúc đẩy công nghệ số Đông Nam Á

14:22, 29/06/2021

TheLEADERLãnh đạo Google Cloud đánh giá cao thị trường số hóa tại khu vực Đông Nam Á nhờ vào nhu cầu sử dụng dịch vụ số ngày càng tăng và đội ngũ nhân tài chất lượng cao, đặc biệt tại Việt Nam.

Chỉ vài tháng sau cơn khủng hoảng mang tên Covid-19 phủ bóng đen lên toàn thế giới, nhân loại đã thể hiện khả năng thích ứng một cách phi thường với các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch nhưng vẫn nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng nhờ vào công nghệ số.

Theo báo cáo được thực hiện bởi Google, Temasek và Bain&Company, chỉ trong năm 2020, 40 triệu người tại 6 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất ASEAN là Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam đã lần đầu tiên sử dụng internet, đưa số người được tiếp cận với internet tại khu vực này lên đến 400 triệu, tăng mạnh so với con số 250 triệu vào năm 2015.

Cũng trong năm 2020, quy mô nền kinh tế số của khu vực này vượt qua mốc 100 tỷ USD và tiếp tục đà tăng trưởng khi được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2025.

Sự biến chuyển này hoàn toàn có thể cảm nhận qua thực tế chứ không chỉ nhìn trên số liệu. Khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, đặc biệt là trong những đợt giãn cách xã hội, các dịch vụ số như thương mại điện tử, giao hàng, truyền thông trực tuyến đã chứng kiến lượng nhu cầu tăng vọt.

Theo công ty tư vấn Dezan Shira&Associates, tại Đông Nam Á, các nhà bán lẻ và sản xuất nhỏ tại địa phương coi thương mại điện tử là phương thức kinh doanh thiết yếu chứ không chỉ là một sự lựa chọn.

Những công nghệ trực tuyến mới nổi như y tế, giáo dục đóng vai trò đặc biệt quan trọng để duy trì các hoạt động xã hội, mặc dù những công nghệ này vẫn còn đang trong giai đoạn non trẻ, tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Bên cạnh đại dịch Covid-19, một số yếu tố khác cũng dẫn đến sự gia tăng trong tiếp cận internet tại ASEAN cũng như toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể kể đến như mức giá cước internet ngày càng rẻ, thiết bị di động trở nên phổ biến hơn.

Covid-19 thúc đẩy công nghệ số Đông Nam Á
Ruma Balasubramanian, Giám đốc điều hành Google Cloud khu vực Đông Nam Á.

Số lượng người sử dụng các dịch vụ trực tuyến cũng có tương quan lớn với các công ty khởi nghiệp trong khu vực. Những cái tên như Grab, Gojek, SEA hay Tokopedia đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo thị trường ASEAN.

Dịch vụ lưu trữ điện toán đám mây đóng vai trò như một nền tảng cốt lõi cho sự đổi mới này. Theo báo cáo của Công ty Dữ liệu quốc tế (IDC), chi tiêu cho dịch vụ lưu trữ đám mây tại khu vực đã đạt mức 36,4 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2019.

“Nhu cầu sử dụng internet tại Đông Nam Á góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng trong lĩnh vực kỹ thuật số, đặc biệt khi các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều nỗ lực để tìm ra giải pháp cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đại dịch”, Tech Wire Asia dẫn lời bà Ruma Balasubramanian, Giám đốc điều hành Google Cloud khu vực Đông Nam Á.

Bà Ruma cho biết thêm, thông qua theo dõi dữ liệu đám mây, có thể thấy được phần nào bức tranh về nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á, thấy được rằng “các doanh nghiệp đang số hóa với cấp số nhân trong suốt đại dịch”.

Chúng tôi kinh ngạc với sự phát triển của nhân tài trong lĩnh vực kỹ thuật số tại Việt Nam
Ruma Balasubramanian
Giám đốc điều hành Google Cloud khu vực Đông Nam Á

Nền tảng Google Cloud cũng nhận được lợi ích khi tiếp cận dịch vụ số hóa ngày càng trở nên phổ biến ở khu vực Đông Nam Á. Cùng với đó, đội ngũ nhân lực chất lượng cao cũng là yếu tố giúp Đông Nam Á trở thành thị trường tiềm năng để Google Cloud phát triển.

“Chúng tôi đang chứng kiến sự phát triển đáng kinh ngạc của những nhân tài trong lĩnh vực kỹ thuật số, đặc biệt là tại Việt Nam”, bà Ruma nhấn mạnh.