Đào tạo nhân lực trong bối cảnh bình thường mới

Quỳnh Chi - 08:00, 12/11/2020

TheLEADERMột thế giới đầy bất ổn đang tạo nên một sự thay đổi liên tục trong thị trường lao động. Điều này đòi hỏi người lao động phải được đào tạo và nâng cấp kỹ năng liên tục kể từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mà trong đó, các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.

Đào tạo nhân lực trong bối cảnh bình thường mới
Người lao động cần có khả năng thích ứng với sự thay đổi trong thị trường lao động

Trong nhiều năm qua, cuộc tranh cãi về khả năng robot thay thế con người ở tất cả công việc, mức độ tác động của toàn cầu hoá và nay là đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động vẫn chưa có hồi kết. 

Một quan điểm chung được đưa ra là thị trường lao động ngày càng đòi hỏi việc đào tạo nâng cao và đào tạo lại mang tính trọn đời. Đó là một sự thay đổi lớn, đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới sau khi đại dịch Covid-19 diễn ra.

“Điều gì sẽ xảy ra khi bạn nhận thấy sự thay đổi của công nghệ và hiểu rõ sự cần thiết của lực lượng lao động năng động, các công việc linh hoạt và luôn thay đổi? Hệ thống giáo dục và kỹ năng trên toàn thế giới sẽ phải hướng đến cung cấp các khoá đào tạo nâng cao, liên tục học hỏi, liên tục cải tiến một cách trọn đời để người lao động theo kịp những thay đổi và tiếp tục phát triển”, ông Josh William, tư vấn trưởng của Skills International (New Zealand) nói.

Ông William nhìn nhận, có nhiều gián đoạn đã và đang xảy ra trong thị trường việc làm gần đây. Một số vấn đề có thể không mới nhưng xuất hiện nhiều hơn do Covid-19.

Dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường trên toàn cầu và tác động rất lớn đến lực lượng lao động, đặc biệt, tác động mạnh hơn đến lực lượng lao động trẻ vốn có rất ít kinh nghiệm để có thể xoay sở trong khủng hoảng. Những người trẻ mới tốt nghiệp sẽ chịu tổn thương rất lớn vì việc gia nhập lực lượng lao động vào giai đoạn này không hề dễ dàng.

Theo ông William, gián đoạn lần này nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra hơn mười năm trước. Số liệu từ Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy, đến cuối quý II/2020, 400 triệu công việc toàn thời gian bị mất đi. Tại Việt Nam trong vòng chín tháng đầu năm 2020, có gần 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng hơn 132 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Ở nhiều quốc gia, giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đào tạo liên quan đến việc làm, sẽ rất quan trọng đối với sự phục hồi của nền kinh tế. Nhưng phải đảm bảo rằng những người được đào tạo có thể thích nghi và phát triển mạnh trong thị trường lao động hiện nay.

Dẫn một khảo sát toàn cầu của ManpowerGlobal về tình trạng thiếu hụt nhân tài toàn cầu năm 2019, ông William cho biết, các công việc lao động tay nghề có chuyên môn cao, chẳng hạn như đầu bếp, thợ sửa ống nước, thợ điện… là những công việc thuộc nhóm khó tuyển nhất trong suốt 7 năm qua.

Điều này có hai ý nghĩa. Một là, thế giới đang cần những người có kỹ năng này và tìm cách nhập khẩu các kỹ năng đó thông qua di cư. Điều này cũng đồng nghĩa với một cuộc cạnh tranh về tiền lương và điều kiện làm việc để giành lấy người lao động.

Đào tạo nhân lực trong bối cảnh bình thường mới

Hai là, những công việc tay nghề chuyên môn cao bị ràng buộc về mặt địa lý. Robot ở nước này có thể dễ dàng chẩn đoán hình chụp X-quang được gửi từ một nước khác nhưng lại không thể giúp lắp điều hoà trong điều kiện khoảng cách địa lý quá xa xôi.

“Các công việc tay nghề chuyên môn tạo ra khác biệt thật trong thế giới thực tiễn. Bạn không thể là một người làm việc tay nghề chuyên môn trên MS Teams hay Zoom. 

Nghĩa là tại thời điểm có sự gián đoạn lớn, các công việc tay nghề đòi hỏi chuyên môn cao sẽ mang lại tương lai bảo hộ công ăn việc làm cho thanh niên và người lớn tuổi. Đó là điều rất quan trọng khi suy nghĩ về trạng thái bình thường mới”, ông William nói.

Bên cạnh đó, có thể dễ dàng nhận thấy, lực lượng lao động bị già hoá tại các nước châu Á đều gia tăng đáng kể trong mười năm tới. Người lao động già đi và có xu hướng yêu cầu tăng lương vì họ là những người có nhiều kinh nghiệm. 

Nhưng điều này cũng tạo khoảng cách về kỹ năng trong chuỗi cung ứng giữa lớp già và lớp trẻ. Ông William cho rằng những người trẻ tuổi hoặc chí ít là những người đã có kinh nghiệm phải đảm bảo kế thừa và thay thế được nhóm lao động sẽ nghỉ hưu.

Giáo dục đào tạo mang tính trọn đời

Ông William cho biết, New Zealand đã đề cập đến sự cần thiết của hệ thống giáo dục hướng đến hỗ trợ việc học cả đời trong suốt 30 năm qua, và điều này trở nên cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

New Zealand là một nước nhỏ với gần 5 triệu dân. Nước này ghi nhận 60 nghìn sinh viên ra trường mỗi năm – không thể lấp đầy những thiếu hụt kỹ năng, thậm chí, phần đông trong số đó chưa định hướng, chưa thích ứng được với môi trường làm việc. 350 nghìn sinh viên đang theo học tại các trường cũng là một con số ít ỏi đối với nhu cầu của thị trường việc làm, chưa kể đến một lượng lớn lao động đang già đi.

“Nếu cần phải nâng cấp toàn bộ lực lượng lao động của mình, mặc dù biết rằng lực lượng đó đang già đi và công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, thì hệ thống đào tạo kỹ năng nên đầu tư như thế nào và vào đâu”, ông William đặt vấn đề và khẳng định, nếu học viên lấp đầy tất cả trường đào tạo ở New Zealand thì cũng sẽ không thể đào tạo đủ người cho thị trường lao động.

Chuyên gia này cho rằng, mô hình mà tương lai của công việc đòi hỏi là sự thay đổi tư duy. Tất cả nơi làm việc đều cần phải là cơ sở đào tạo sau khi tốt nghiệp, nơi người lao động có thể học tập.

Không ai có thể “nạp” kỹ năng vào những người trẻ tuổi và mong đợi họ làm việc ổn trong 40-50 năm vì công việc của họ sẽ thay đổi. Như vậy, việc đào tạo sẽ phải tích hợp với người sử dụng lao động và Covid-19 buộc các bên phải nghiêm túc hơn với ý tưởng học cả đời.

Bên cạnh đó là sự cần thiết của việc đào tạo trong lúc làm việc và thông qua công việc, đặc biệt là trong thời điểm suy thoái. Nghĩa là đầu ra thị trường lao động và đầu ra của công tác giáo dục xảy ra cùng thời điểm.

“Kiếm tiền và học hỏi, học thông qua nền kinh tế và trong nền kinh tế. Covid-19 diễn ra, cách ly và nhiều hoạt động chuyển sang trực tuyến cũng cho thấy việc học không cần thiết phải diễn ra trong lớp học. Đây cũng là xu hướng đang diễn ra, đặc biệt trong ngành đào tạo và giáo dục hướng nghiệp. Lý thuyết là nền tảng cho thực tiễn. Đào tạo cần có sự sự hội tụ giữa học trực tuyến và học trực tiếp trong lúc làm việc”, tư vấn trưởng Skills International nói.

Thị trường lao động sẽ thường xuyên có sự thay đổi và người lao động cần được hỗ trợ để tiếp tục làm việc và tái đào tạo trong bối cảnh và môi trường mới. Theo ông William, các quốc gia nên hướng đến nâng cao kỹ năng của người lao động dựa trên những gì họ đang có và bổ sung thêm, tạo ra hệ thống đào tạo dành cho việc học cả đời.

Doanh nghiệp cần góp sức để tạo ra đội ngũ lao động mình mong muốn

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra khiến số lượng người thực tập học nghề ở New Zealand giảm từ 50 nghìn người xuống còn một nửa chỉ hai năm sau đó. Các doanh nghiệp nói rằng suy thoái khiến công việc chậm lại và họ không thể tiếp tục đào tạo do tốn nhiều chi phí và chưa nhìn thấy hiệu quả đầu tư.

“Đó là một sai lầm vì tất nhiên các kỹ năng là một chuỗi cung ứng cần tiếp tục được duy trì đào tạo. Trong suy thoái, nếu không đầu tư vào đào tạo kỹ năng cho con người thì không thể phục hồi tốt đến khi nền kinh tế cải thiện”, ông William nói.

Đào tạo nhân lực trong bối cảnh bình thường mới 2
Số lượng người học việc tại New Zealand (2008-2018). Nguồn: Educationcounts.govt.nz

New Zealand đã phải mất khoảng một thập kỷ để số lượng người được học nghề quay về con số ban đầu. Nhưng cũng nhờ vậy mà nền kinh tế đã được cải thiện đáng kể trước đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp chỉ khoảng 3,2% và đang cố gắng tìm đủ người có kỹ năng cung cấp cho nền kinh tế.

Bài học được rút ra từ New Zealand là chính phủ cố gắng đảm bảo giữ chân những người học nghề trong hệ thống hiện nay, ngay cả trong suy thoái. Vì trên thực tế, suy thoái là lúc người sử dụng lao động có nhiều thời gian để đào tạo nhân viên, và đào tạo thực tập sinh thường không phải là chi phí lớn trong lực lượng lao động.

“Điều này cần sự hỗ trợ của các bên, đặc biệt từ chính phủ và nỗ lực lớn từ khu vực tư nhân”, ông William nói.

Kỹ năng mềm, khả năng thích ứng với thị trường lao động và các năng lực cốt lõi và đặc biệt là thái độ tích cực được cho là những yếu tố quan trọng mà các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ở người trẻ.

Trong đó, theo tư vấn trưởng Skills International, các kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong muốn thường thể hiện qua những hành vi diễn ra tại nơi làm việc. Trong khi những điều đó không dễ học trong trường lớp, không phải lúc nào cũng có thể áp dụng điều học ở lớp vào thực tế.

Vì vậy, nhà tuyển dụng có vai trò quan trọng là tham gia vào quá trình giúp người trẻ thích nghi với thị trường lao động để họ được trải nghiệm trong môi trường làm việc thực tế để biết được công việc phù hợp với mình cũng như hiểu được kỳ vọng của nhà tuyển dụng.

Các doanh nghiệp vẫn luôn đặt ra câu hỏi là “khi nào thì trường học sẽ tạo ra những thanh niên xuất sắc có thể làm việc cho bất kỳ doanh nghiệp nào ngay khi mới tốt nghiệp”. Ông William cho rằng họ sẽ không tìm được câu trả lời nếu người trẻ không được ứng dụng, phát triển và chứng minh khả năng trong môi trường thực tế.

Do đó, trong các năm cuối, khi những người trẻ bắt đầu suy nghĩ về nơi họ muốn làm việc cũng là lúc các doanh nghiệp cần đóng vai trò hợp tác với các trường và cộng đồng để chỉ cho người trẻ những kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết, giúp họ sớm thích ứng với thị trường lao động, tạo một sự liền mạch từ đào tạo ở trường và môi trường làm việc thay vì coi đó là một sự chuyển đổi.

Tương lai của thị trường lao động thúc đẩy nhu cầu đảm bảo hệ thống giáo dục – đào tạo của các ngành nghề hướng đến hỗ trợ người lao động học cả đời, hỗ trợ người lao động trong cả sự nghiệp của họ. Theo ông William, học dựa trên công việc giúp mọi người làm việc và cải thiện năng suất, có nghĩa là đang đóng góp vào nền kinh tế cùng lúc họ đang học hỏi.