Diễn biến mới tại 85 dự án điện chuyển tiếp

Đông Hưng - 10:40, 15/09/2023

TheLEADERMới chỉ 20 dự án trong tổng số 85 dự án điện chuyển tiếp được công nhận vận hành thương mại.

Diễn biến mới tại 85 dự án điện chuyển tiếp
Nhiều dự án điện chuyển tiếp vẫn gặp khó. Ảnh minh họa: Hoàng Anh

Bộ Công thương cho biết, tính đến hết 25/8, trong tổng số 85 dự án điện chuyển tiếp, 79 dự án đã gửi hồ sơ đàm phán giá điện đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đó 68 dự án với tổng công suất khoảng 3.630MW đã thỏa thuận giá điện. 

Tuy nhiên, bộ mới phê duyệt 58 trường hợp đã được EVN và chủ đầu tư thống nhất giá điện tạm thời

Đặc biệt, mới chỉ có 20 dự án với tổng công suất khoảng 1.170MW được công nhận vận hành thương mại (COD), 43 dự án vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. 

Lý do theo Bộ Công thương cho biết, theo báo cáo của EVN hồi tháng 6/2023, nhiều dự án chuyển tiếp chưa có văn bản gia hạn hoặc giãn tiến độ thực hiện, đưa vào hoạt động của UBND tỉnh và chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai cũng như ác yêu cầu khác về đầu tư xây dựng. Các quy định này là những điều kiện để hợp đồng mua bán điện sửa đổi, bổ sung về việc áp dụng giá điện tạm giữa EVN và các dự án chuyển tiếp có hiệu lực. 

Về tình hình cấp giấy phép hoạt động điện lực, 85 dự án điện chuyển tiếp, 45 dự án chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động một phần hoặc toàn bộ. 

Cập nhật số liệu các dự án điện chuyển tiếp tính đến 8/9 vừa qua, Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết, đã có 80 dự án với tổng công suất khoảng 4.500MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá và hợp đồng mua bán điện.

Trong đó, có 67 dự án tổng công suất khoảng 3.850MW đề nghị giá điện tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21/QĐ-BCT ban hành tháng 1/2023 của Bộ Công thương. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 62 dự án, Bộ Công thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất khoảng 3.180MW.

Sản lượng điện thương mại phát lũy kế của các dự án điện chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 7/9 chỉ đạt hơn 531 triệu kWh; sản lượng điện phát trung bình ngày chiếm khoảng gần 0,6% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

23 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình hoặc một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 39 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Trước đó, như TheLEADER đã thông tin, thực hiện kết luận tại Thông báo 182 ngày 17/5/2023 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương đã có công văn chỉ đạo EVN đàm phán tạm thời với các chủ đầu tư 85 dự án điện chuyển tiếp và cho vận hành phát điện lên lưới khi đã hoàn thành đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định; thực hiện thanh quyết toán theo giá chính thức (sau khi đàm phán xong) kể từ ngày phát điện lên lưới. 

Song song với đó, Bộ Công thương cũng ra công văn gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương và EVN đề nghị phối hợp, hướng dẫn các chủ đầu tư dự án điện chuyển tiếp hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm đưa các dự án vào vận hành thương mại.