Doanh nghiệp sẽ ‘khát vốn’ hơn vào năm 2023

Nhật Hạ - 01:00, 29/10/2022

TheLEADERThời hạn hỗ trợ các chính sách tài khóa sẽ kết thúc vào năm 2023. Điều này khiến doanh nghiệp đối mặt với áp lực lớn về tài chính gồm vừa phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính, vừa trả dần các khoản tiền được giãn, hoãn trong hai năm dịch và thanh toán các khoản nợ tới hạn, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định.

"Vì sao kinh tế phục hồi nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều khó khăn?” là câu hỏi mà đại biểu Tô Ái Vang (đoàn tỉnh Sóc Trăng) đã đặt ra tại phiên thảo luật về phát triển kinh tế - xã hội tại Quốc hội 2 ngày qua.

Theo báo cáo của Chính phủ, GDP 9 tháng tăng 8,83% và cả năm nay khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc với hơn 163.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, nhưng vẫn có hơn 13.820 doanh nghiệp khó khăn, rời thị trường.

Cụ thể, trung bình mỗi tháng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn bình quân của năm 2020 và năm 2021.

Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng cao số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là gặp khó khăn về tài chính, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao.

Doanh nghiệp sẽ ‘khát vốn’ hơn vào năm 2023
Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Theo đại biểu Tô Ái Vang, trong cơ cấu dòng vốn của đa số doanh nghiệp, vốn vay hiện chiếm 70-80%, trong khi vốn từ ngân hàng có hạn do giới hạn room tín dụng. Ngoài ra, các nhà băng vẫn huy động vốn ngắn hạn để có nguồn cho vay trung và dài hạn.

"Điều này chứa đựng nhiều nguy cơ cho ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong khi doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao, chi phí vốn cao dẫn đến sinh lời thấp", bà Vang nhận định.

Tình trạng 'khát vốn' hiện tại

Trước đó, tại Kỳ họp bất thường tháng 1/2022, Quốc hội đã có chủ trương đưa ra gói kích thích 350.000 tỷ đồng để hỗ trợ phục hồi sau dịch. Đồng thời cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022- 2023 ở mức 1 - 1,2% với tối đa 240.000 tỷ đồng, riêng năm 2022 ở mức 1,1% với tối đa 128.000 tỷ đồng. Đây là các khoản tiền rất lớn dự kiến đưa vào nền kinh tế.

Cùng với đó, mức tăng trưởng tín dụng năm nay kế hoạch là 14%, cao so với khu vực, trong bối cảnh lạm phát trong nước ở mức thấp khi dự báo cả năm dưới 4%.

Điều này khiến các nhà đầu tư rất kỳ vọng dòng vốn trên thị trường dồi dào, doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn và các dự án đầu tư có đủ nguồn lực để triển khai nhanh hơn.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn TP. Cần Thơ), thực tế đang diễn biến ngược lại. Doanh nghiệp đang khát vốn, nhiều dự án đình trệ do không thể tiếp cận vốn từ các ngân hàng trong bối cảnh thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp hiện đối mặt nhiều khó khăn sau 2 sự cố FLC, Tân Hoàng Minh.

Có ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp phản ánh khó tiếp cận vốn vay do ngân hàng thương mại hết room tín dụng, hoặc thiếu vốn cho vay vì chưa thu hồi được nợ đến hạn, khó huy động tiền gửi.

Chi phí đi vay của doanh nghiệp tăng cao do cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều rủi ro, thiếu các công cụ giám sát an toàn, hệ thống giao dịch thiếu lành mạnh.

Doanh nghiệp sẽ ‘khát vốn’ hơn vào năm 2023 1
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn TP. Cần Thơ). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Đơn cử, hai quý đầu năm tín dụng tăng trung bình 1,56% một tháng, và 6 tháng tăng khoảng 9,35%, kinh tế phục hồi tích cực. Nhưng sang quý III, dư nợ tín dụng chỉ tăng 0,18 - 0,2%/tháng và 9 tháng là 10,27%.

Cùng đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% của ngân hàng triển khai chậm, tới hết tháng 8, số tiền lãi được hỗ trợ lãi suất khoảng 13 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất 9.820 tỷ đồng trên tổng số nguồn lực chính sách này 40.000 tỷ.

Ông Hùng cho biết: "Nhiều dự án không thể triển khai do thiếu vốn, nhiều cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ".

Trong lúc chờ đợi sự phục hồi thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng 1 - 2% trong thời gian tới. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay khả năng nới room rất khó.

Điều này là do tỷ trọng dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam ở mức khá cao, trên 120% và nhiều nước phát triển đều phải tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát. Từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 5 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, hiện ở mức 3,25% và nhiều dự báo tổ chức này vẫn tăng lãi suất lên 4 - 4,25% tới năm 2023 để giảm một nửa lạm phát hiện nay tại nước này.

Tại Việt Nam, để ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, đồng thời nới biên độ tỷ giá.

Doanh nghiệp càng 'khát vốn' hơn vào năm 2023

Cũng cho rằng sức khoẻ của doanh nghiệp sau hai năm dịch chưa phục hồi tốt, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội) nêu thực trạng, nợ của các doanh nghiệp đang là thách thức lớn. "Chúng ta không nên say với thành công mà phải nhìn thẳng vào nguy cơ, thách thức phía trước", ông nhận xét.

Năm 2023, thời hạn hỗ trợ các chính sách tài khóa kết thúc. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp đối mặt với áp lực lớn về tài chính gồm vừa phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính, vừa trả dần các khoản tiền được giãn, hoãn trong hai năm dịch và thanh toán các khoản nợ tới hạn, đại biểu Cường nhận định.

Do đó, Chính phủ cần chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu nhất khi xảy ra suy giảm kinh tế.

Được biết, theo Nghị định 34 được ban hành tháng 5/2022, doanh nghiệp và hộ kinh doanh được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022. Thời gian gia hạn từ 3 - 6 tháng tùy từng loại thuế.

Theo dự kiến, có khoảng trên 140.000 doanh nghiệp và hộ cá nhân kinh doanh được thụ hưởng chính sách gia hạn thuế năm 2022, với số tiền ước tính khoảng trên 123.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp sẽ ‘khát vốn’ hơn vào năm 2023 2
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Trong bối cạnh hiện nay, ông Cường cho rằng chính sách tài khoá ngược là lựa chọn phù hợp, cụ thể Chính phủ thu hẹp tài khóa khi tăng trưởng nóng và mở rộng tài khóa trong thời kỳ kinh tế suy giảm, để hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng ông băn khoăn, kế hoạch bội chi cân đối ngân sách ở mức 2,89%, thấp hơn mức 3,75% năm 2022, là khó khả thi và sẽ thu hẹp các chính sách tài khoá.

Theo ông Cường, kiểm soát bội chi thấp là mục tiêu dài hạn, nhưng trong bối cảnh cần sử dụng chính sách tài khóa ngược thì chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển, cần được tính đến.

Đề xuất giải pháp 'thông' dòng vốn cho doanh nghiệp

Về tình trạng ‘khát vốn’ của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất 5 giải pháp. Đầu tiên, chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng cùng chính sách tài khoá để cung ứng vốn đầy đủ cho nền kinh tế, nhưng không chủ quan với rủi ro lam phát.

Thứ hai, Chính phủ cần có chế điều chỉnh dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ưu tiên. Tránh cung tiền chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao, gây ra hệ luỵ như nợ xấu, kéo lãi suất, tỷ giá tăng cao, gây bất ổn kinh tế.

Thứ ba, bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục tăng, các ngân hàng cần chia sẻ khó khăn, chấp nhận thu hẹp biên lãi ròng để ổn định lãi suất cho vay.

Thứ tư, Chính phủ, các cơ quan cần sớm có giải pháp triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ thuộc gói phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 và giải pháp phát triển ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu.

Thứ năm, một số quy định, chế tài xử lý thị trường trái phiếu vừa qua cơ bản đã giải quyết bất cập, nhưng Chính phủ cần có động thái lấy lại lòng tin đã mất của nhà đầu tư, khôi phục sớm thị trường chứng khoán, trái phiếu để có thêm nguồn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) nhìn nhận, cơ quan quản lý tiền tệ cần giảm áp lực tăng tỷ giá, lãi suất, nhằm tránh tránh cú sốc biến động trong ngắn hạn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo đó, cần đưa các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, công nghiệp chế biến chế tạo... vào diện hỗ trợ cấp tín dụng, miễn giảm thuế, để khuyến khích họ tập trung xuất khẩu, tăng thêm nguồn thu; khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu đa dạng hoá thị trường, sử dụng nhiều loại ngoại tệ khác nhau, tránh phụ thuộc quá nhiều USD, giảm áp lực tỷ giá.

Ông Tuấn đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần ước lượng tổng giá trị giao dịch, nhu cầu tín dụng bình quân... từ nay tới cuối năm và 2023, để có giải pháp điều chỉnh lượng tiền trong lưu thông thông qua chính sách chiết khấu, tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở. Việc này nhằm cân bằng, tránh biến động lãi suất gây bất lợi doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Bên cạnh các giải pháp mà doanh nghiệp cần phải tập trung là xác định cơ cấu vốn tối ưu, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, huy động vốn qua thị trường chứng khoán và nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, đại biểu Tô Ái Vang cũng bổ sung thêm 3 ý kiến kiến nghị Chính phủ.

Thứ nhất, rà soát và xây dựng lại các giải pháp nhằm tác động mạnh mẽ hơn để giúp các doanh nghiệp đủ sức vực dậy trong sản xuất kinh doanh, thể hiện quan điểm, cơ chế rõ ràng, thiết thực đối với những chính sách đã ban hành nhưng thời gian qua triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Thứ hai, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh bằng cách: tiếp tục thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế và gia hạn thuế, phí, lệ phí; các chính sách cơ cấu lại nợ, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp…

Thứ ba, để khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu tính toán lại giá cơ bản cho phù hợp với thực tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối doanh nghiệp bán lẻ và người dân.

Đối với các công ty là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, trước mắt cần tăng sản lượng phân bổ cho thị trường để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ đến cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn tỉnh Hưng Yên) đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy nhanh việc cấp bù lãi suất nhằm thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính thuế đến hết năm 2023.