Dự án 4,6 tỷ USD ở Bình Định sắp được định đoạt

Nguyễn Cảnh - 09:04, 25/03/2024

TheLEADERTỉnh Bình Định đang huy động tổng lực tìm cách mở đường cho dự án điện gió ngoài khơi 2.000MW của Tập đoàn PNE (Cộng hòa Liên bang Đức).

Dự án 4,6 tỷ USD ở Bình Định sắp được định đoạt
Một buổi làm việc giữa UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn PNE. Ảnh: binhdinh.gov.vn

Theo đề xuất của Tập đoàn PNE và Viện Năng lượng (đơn vị tư vấn lập hồ sơ), nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định có tổng công suất 2.000MW, quy mô vốn khoảng 4,6 tỷ USD, được chia làm ba giai đoạn. 

Giai đoạn thí điểm với dự án PE1 có công suất 700MW, dự kiến vận hành năm 2025, tổng vốn đầu tư 37,6 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn mở rộng 1 với công suất 700MW, dự kiến vận hành năm 2026. Giai đoạn mở rộng 2, công suất 600MW, dự kiến vận hành năm 2027.

Khu vực khảo sát, nghiên cứu và đề xuất bổ sung quy hoạch dự án có tổng diện tích khoảng 96.470ha, chủ yếu trên mặt nước biển, không chồng lấn với các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

UBND tỉnh Bình Định vừa có yêu cầu các sở, ngành địa phương tổng hợp vướng mắc liên quan đến dự án ngay trong tháng 3 này để đăng ký làm việc với Chính phủ.

Theo đó, Sở Công thương rà soát lại tất cả các nội dung công việc cần tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới liên quan đến dự án điện gió ngoài khơi trên địa bàn, trong đó xác định cụ thể những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của từng cấp, xin chủ trương, cơ chế cho tỉnh Bình Định được thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.

Đồng thời, tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và môi trường xem xét, đưa khu vực đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi trên khu vực biển tỉnh Bình Định vào danh mục ưu tiên phát triển điện gió trong Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nếu có chồng lấn, rà soát các quy hoạch khác với các khu vực đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi để đề xuất giải quyết cho phù hợp.

Cũng liên quan tới quy hoạch, Sở Giao thông vận tải làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Giao thông vận tải để cập nhật diện tích, tọa độ vị trí cảng Phù Mỹ, rà soát với các khu vực đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi nhằm tránh chồng lấn.

Quay trở lại với dự án, Tập đoàn PNE đã theo đuổi dự án này suốt 4 năm qua với nhiều hoạt động nghiên cứu, đề xuất, thực hiện việc đo gió...

Dự án đã thực hiện đo gió từ tháng 5/2022 và nằm trong danh mục các dự án tiềm năng của Quy hoạch điện VIII và đã cập nhật trong quy hoạch tỉnh.

Khoảng tháng 10/2022, Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị tạm dừng thẩm định, chấp thuận liên quan đến các đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi do còn nhiều vướng mắc về pháp lý và kỹ thuật… cho đến khi Chính phủ ban hành nghị quyết mới về hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển hoặc đến khi ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 11/2021/NĐ-CP.

Giữa năm 2023, Tập đoàn PNE cũng đề xuất kéo dài thời gian đo gió thêm 15 tháng (từ tháng 4/2023 tới tháng 7/2024) nhưng chưa nhận được đồng ý của địa phương.

Sau đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đã đề nghị Bộ Công thương xem xét ưu tiên tăng quy mô công suất các dự án nguồn điện phân bổ cho tỉnh.

Tờ trình hồi tháng 10/2023 của Bộ Công thương có nêu: Xem xét, đề xuất Thủ tướng giao EVN và các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, khảo sát về các điều kiện phát triển điện gió ngoài khơi, sẵn sàng triển khai khi có cơ sở pháp lý để có thẩm quyền giao chủ đầu tư.

UBND tỉnh Bình Định rằng, với nội dung nêu trên sẽ không thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi nên đề nghị xem xét điều chỉnh lại quy định này cho phù hợp.

Gần một tháng trước, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn PNE điều chỉnh diện tích, phạm vi nghiên cứu, lắp đặt thiết bị đo gió trên mặt đất để phục vụ đánh giá tiềm năng gió trên khu vực 2 thuộc địa bàn các xã Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải và thành phố Quy Nhơn.

Thời gian khảo sát, nghiên cứu đánh giá tiềm năng gió là 24 tháng, kể từ ngày được chấp thuận chủ trương.