Mở đường tới điện gió ngoài khơi

Nhật Minh - 10:17, 07/06/2022

TheLEADERKinh nghiệm từ các thị trường đã phát triển điện gió ngoài khơi, cùng khuyến nghị từ các chuyên gia cho thấy một trong những yếu tố quan trọng Việt Nam cần xây dựng sớm là quy hoạch không gian biển có tính đến điện gió ngoài khơi với tầm nhìn và hỗ trợ dài hạn.

Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, và Cục Năng lượng Đan Mạch, trong phân tích mới nhất đánh giá Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi khá phong phú, tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có nhà máy điện gió ngoài khơi nào được xây dựng và vận hành.

Nguyên nhân một phần liên quan đến các vướng mắc trong quá trình đề xuất dự án như thủ tục cấp phép tương đối phức tạp và liên quan đến nhiều cơ quan chức năng khác nhau, các chính sách và hướng dẫn cụ thể liên quan đến tài chính và các cơ chế hỗ trợ đầu tư chưa được ban hành.

Cùng với đó, Việt Nam chưa có chính sách ổn định và cơ chế giá cụ thể cho loại hình điện gió ngoài khơi, cũng như chưa có hướng dẫn về các dự án phát triển điện gió ngoài khơi kết hợp với sản xuất nhiên liệu điện phân (như hydro, amoniac...), theo báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021.

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Erik Kjær, Cố vấn trưởng của Cục Năng lượng Đan Mạch, nhấn mạnh tính cần thiết của các dự án điện gió ngoài khơi lớn, không chỉ bởi vấn đề đất đai khan hiếm, mà còn bởi tính quan trọng với quá trình chuyển đổi xanh.

“Điều đáng chú ý là điện gió ngoài khơi đòi hỏi quy hoạch rất cẩn trọng, kỹ lưỡng, đồng thời phải gắn kết với công tác quy hoạch không gian biển”, ông nhấn mạnh. 

Cùng với đó, cần xem xét kỹ trong những trường hợp nào, vị trí nào, sự tồn tại của các trang trại điện gió ngoài khơi sẽ gây mâu thuẫn, xung đột với các mục đích sử dụng đáy biển khác.

Vì Việt Nam đang cần điện và cần điện kịp thời, chúng ta không được phép thất bại với những dự án có quy mô lớn như điện gió ngoài khơi.
Erik Kjær
Cố vấn trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch

Chia sẻ kinh nghiệm từ Đan Mạch đã phát triển điện gió ngoài khơi hơn 30 năm qua, ông Erik Kjær cho biết, xu hướng hiện nay là các dự án lớn được đặt ở vị trí cách đường bờ biển tối thiểu 20km, giúp giảm thiểu tác động trực quan.

Nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng lên đánh bắt thủy hải sản, sinh vật biển cho thấy các tác động đều nằm trong tầm kiểm soát, và trong một số trường hợp, mang đến những thay đổi tích cực khi dự án điện gió ngoài khơi trở thành các rạn san hô mới nhân tạo, giúp các sinh việt biển có thể phát triển.

Ngoài ra, Việt Nam cần cân nhắc và tính toán nghiêm túc về phát triển, nâng cấp lưới điện nếu muốn thúc đẩy các dự án điện gió ngoài khơi nói riêng, và các dự án năng lượng tái tạo nói chung.

“Điều quan trọng nữa là cần một một quy trình mang tính cạnh tranh để có thể lựa chọn được các nhà đầu tư phù hợp. Vì Việt Nam đang cần điện và cần điện kịp thời, chúng ta không được phép thất bại với những dự án có quy mô lớn như điện gió ngoài khơi. Do đó, quy trình chọn nhà đầu tư phải cẩn trọng, đảm bảo tính công khai minh bạch”, ông Erik Kjær nhấn mạnh.

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 phân tích, đánh giá điện gió ngoài khơi là một công nghệ phức tạp và quy mô, đòi hỏi đầu tư rất lớn, chuỗi cung ứng toàn diện và sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng bao gồm cơ quan quản lý hàng hải, năng lượng, ngư nghiệp, quân sự…

Do đó, phải mất nhiều năm để phát triển một trang trại điện gió ngoài khơi ở các quốc gia có kinh nghiệm về gió ngoài khơi, và thời gian này thậm chí lâu hơn ở các quốc gia chưa có kinh nghiệm, hoặc kinh nghiệm còn hạn chế.

Cơ chế đấu thầu mới nhất ở các quốc gia có kinh nghiệm về điện gió ngoài khơi như Đan Mạch, Đức, Hà Lan đã mang đến kết quả cạnh tranh nhờ “quy mô kinh tế” của các dự án.

Tuy nhiên, để thúc đẩy khả năng cạnh tranh, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng một kế hoạch dài hạn và có hệ thống, được quản lý và thực hiện theo các thông lệ tốt nhất để tạo niềm tin và giảm thiểu rủi ro pháp lý. Chi phí sẽ giảm nếu các cơ quan chức năng xây dựng khung pháp lý hỗ trợ và giảm rủi ro cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn này.

Theo kinh nghiệm của Đan Mạch, để loại bỏ các rào cản và đặt ra các mục tiêu tham vọng trong thu hút chuỗi cung ứng, các nhà đầu tư và thúc đẩy cạnh tranh, Việt Nam cần đặt ra các mục tiêu rõ ràng, tham vọng và dài hạn để tích hợp điện gió ngoài khơi; xác định và khoanh vùng các khu vực điện gió ngoài khơi thông qua quy hoạch không gian biển; xem xét thực hiện đánh giá tác động môi trường và các nghiên cứu địa điểm khác.

Cùng với đó, cần xác định khu vực điện gió ngoài khơi thực với khoảng cách đến bờ tối thiểu 6 hải lý (khoảng 11 km), chủ yếu để tránh các tác động tiêu cực về cảnh quan, xung đột với các hoạt động gần bờ và giúp dễ đạt được sự đồng thuận hơn.

Việt Nam cũng cần xây dựng các thủ tục cấp phép được đơn giản hoá và minh bạch; xây dựng và ban hành chiến lược chi trả cho điện gió ngoài khơi (cơ chế trợ giá FIT so với đấu thầu), bao gồm các điều khoản hợp đồng mua bán điện có thể vay vốn.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, điện gió ngoài khơi có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng bền vững nhu cầu điện đang gia tăng nhanh chóng của Việt Nam, và có tiềm năng cung cấp 12% điện năng của Việt Nam vào năm 2035.

Việc thay thế các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than có thể giúp tránh phát thải hơn 200 triệu tấn CO2, và thêm ít nhất 50 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam bằng cách kích thích sự phát triển của chuỗi cung ứng địa phương, tạo ra hàng nghìn việc làm có tay nghề cao, và xuất khẩu sang các thị trường điện gió ngoài khơi khác trên toàn cầu.