Du lịch cần hàng không để cất cánh

Việt Hưng - 08:43, 28/07/2018

TheLEADERKhách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng mạnh các năm gần đây khiến nhu cầu đi vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng mạnh.

Năm 2017 toàn thế giới đón trên 1,2 tỷ khách du lịch và tạo ra doanh thu đạt 1.330 tỷ USD. Châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam là khu vực phát triển năng động nhất của thế giới trong 5 năm qua.

Việt Nam đã đón 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm ngoái và dự kiến sẽ chạm mốc 21 triệu vào năm 2020, cao gấp đôi so với quy hoạch trước đây là 10,5 triệu lượt khách.

Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng Cục Du lịch, hàng không và du lịch đều cần đến nhau để phát triển, vận tải hàng không là một trong những lĩnh vực vận chuyển nhiều khách du lịch nhất.

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng mạnh các năm gần đây khiến nhu cầu đi vận tải hành khách tăng cao ở mọi hình thức đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ lớn nhất, nhưng mức độ đáp ứng còn thấp.

“Mối quan hệ du lịch - hàng không là sự phát triển của ngành này mang đến sự phát triển của ngành kia”, ông Phương nói tại hội thảo "Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam" tại Trung tâm hội nghị quốc tế FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng đánh giá du lịch hàng không có quy mô và tiềm năng phát triển rất lớn. “Người ta ví hàng không và du lịch như hai cánh tay, theo tôi hàng không và du lịch là cặp song sinh", ông Long nói.

Hiện nay có những địa điểm du lịch chủ yếu đi bằng hàng không và cầu vượt quá cung. Biểu hiện thấy rõ nhất là tình trạng lỡ chuyến đặc biệt trong các ngày lễ tết.

Trong khi đó, các loại hình giao thông đường bộ, đường biển và đường sắt đều bị đánh giá là phát triển ì ạch. Do đó, đây là cơ hội cho tiềm năng phát triển của ngành hàng không.

Đồng tình với các ý kiến trên, bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhờ du lịch mà bộ mặt của Quảng Ninh thay đổi rất đáng kể. Kết thúc năm 2017, Quảng Ninh đã đón trên 9,5 triệu lượt khách du lịch.

Quảng Ninh giống như các địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với chiều dài bờ biển trên 200 km và 1200 km tiếp giáp với Trung Quốc. Riêng du lịch đã đóng góp 15% vào GDP toàn tỉnh Quảng Ninh.

Dự kiến, năm nay sẽ có 12 triệu khách đến Quảng Ninh, trong đó lượng khách nước ngoài 5 triệu khách. Sau khi sân bay Vân Đồn vào khai thác, kết hợp với các hãng bay, lữ hành, đặc biệt là sự ra đời của Bamboo Airways, Quảng Ninh kỳ vọng lượng du khách sẽ tăng lên.

Du lịch cần hàng không để cất cánh
Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam

Nghiên cứu của ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho thấy ngành hàng không có tác động lan tỏa đến các hoạt động kinh tế nói chung, đặc biệt là với ngành du lịch.

Ngành hàng không đã tạo ra 2.700 tỷ USD trong năm 2014, chiếm 3% GDP toàn cầu. Khoảng 1.400 hãng hàng không, 26.000 máy bay thương mại, thực hiện trên 32 triệu chuyến bay trên toàn cầu.

Năm 2017, ngành hàng không đã tạo ra doanh thu 754 tỷ USD, lợi nhuận ròng là 34,2 tỷ USD. Trong 20 năm qua, ngành hàng không đã tăng ngoạn mục 16 lần, đặc biệt từ năm 2010 đến nay đã tăng đáng kể.

Đặt trong bức tranh toàn cầu, Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao so với thế giới. Việt Nam có thị trường hàng không năng động, mức tăng trưởng ngành hàng không tương đương với Philippines.

Dự báo toàn cầu năm 2036 cho thấy, lượng du khách sẽ tăng gấp đôi, và tăng trưởng năng động nhất trong 20 năm tới là các nước châu Á - Thái Bình Dương, đạt 2,1 tỷ người, mức tăng 4,6%/năm.

Đối với Việt Nam, đến năm 2034 dự báo tổng dân số là 105 triệu người, GDP bình quân là 18 - 22 nghìn USD. Ngành hàng không đã tăng trưởng cao trong thời gian qua, cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân giúp lĩnh vực này được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ hơn.