Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Chúng tôi đã chuẩn bị 4 năm cho Bamboo Airways

Việt Hưng - 16:20, 27/07/2018

TheLEADERCác dự án bất động sản nghỉ dưỡng mà tập đoàn FLC đã và đang xây dựng sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh của Bamboo Airways trên thị trường hàng không đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam.

“Nhanh nhất là ngày 10/10, Bamboo Airways sẽ có chuyến bay đầu tiên”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC nói tại Hội thảo "Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam"

Trước khi bay thương mại, một hãng hãng không phải tuân thủ nghiêm ngặt của ngành hàng không và thực hiện bay thử nghiệm, có sự giám sát của cơ quan chức năng.

Trước đó, hãng bay phải trải qua nhiều bước đánh giá xét duyệt của quy trình cấp phép. Hồi đầu tháng 7, Bamboo Airways đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với trụ sở đặt tại sân bay Phù Cát, Bình Định.

Trong thời gian chờ cấp phép chính thức, tập đoàn FLC đã lần lượt ký các thỏa thuận đặt mua máy bay của Airbus và Boeing, gồm 24 chiếc A320neo và 20 chiếc Boeing 787 – 9 Dreamliner. Các lô máy bay này có tổng giá trị hợp đồng vào khoảng 8,6 tỷ USD.

Tuy vậy, để chuẩn bị cho mục tiêu cất cánh trong năm 2018, hãng sẽ thuê máy bay, trước khi các tàu bay trong dự định mua được ban giao từ năm 2020.

"Chúng tôi đã chuẩn bị 4 năm cho sự ra đời này và quyết liệt 2 năm trở lại đây cả về nhân sự, tài chính”, ông Quyết nói trong hội thảo diễn ra tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, một trong những quần thể du lịch nghỉ dưỡng lớn của tập đoàn FLC.

Chủ tịch FLC cho biết ông rất tâm đắc mô hình song sinh “du lịch - hàng không" và đã chuẩn bị rất kỹ cho sự ra đời của Bamboo Airways. Đến 2019 - 2020, FLC sẽ có trên 20 quần thể nghỉ dưỡng trên cả nước là lợi thế lớn đối trong hoạt động của hãng hàng không thành viên của Tập đoàn.

“Trước đây đã chuẩn bị hạ tầng du lịch, khách sạn nghỉ dưỡng đã mang lại hiệu quả cho hãng khác. Do đó, không có lý do để FLC không hiệu quả”, chủ tịch FLC nói.

Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Chúng tôi đã chuẩn bị 4 năm cho Bamboo Airways
Bamboo Airways đang ở gần chuyến bay thương mại đầu tiên

Các tuyến bay đầu tiên Bamboo Airways dự định đưa vào khai thác là Sài Gòn Quy Nhơn hoặc Hà Nội - Quy Nhơn. Sau đó có thể là Vân Đồn - Quảng Bình, Vân Đồn - Quy Nhơn, hoặc Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Cần Thơ...Đây đều là các địa phương đã và sẽ có các dự án bất động sản nghỉ dưỡng của tập đoàn FLC.

Mục tiêu của FLC là xây dựng Bamboo Airways trở thành hãng hàng không tiêu chuẩn 5 sao, nhưng giá vé sẽ ở mức thấp nhờ kết hợp các lợi ích từ dịch vụ trong hệ sinh thái của tập đoàn. 

“Nếu khách hàng ở Sài Gòn ra nghỉ dưỡng ở Thanh Hóa, thì chúng tôi chỉ tính tiền phòng, không tính tiền vé", Chủ tịch FLC khẳng định.

Giải thích điểm khác của hãng Bamboo Airways với các hãng khác, ông Quyết cho biết, trước đây các hãng hàng không trước chết yểu vì họ chỉ có đội bay nhỏ, còn Bamboo Airways sẽ bay với đội bay gồm 20 chiếc ngay trong năm 2018.

Tháng trước, hãng hàng không này đã tổ chức các đợt tuyển dụng nhân sự bao gồm cả phi công, tiếp viên. Được biết, FLC cần tuyển 600 người cho Bamboo Airways, cho đến nay đã tuyển được 300 người.

Tiền thân là đơn vị cung cấp dịch vụ trực thăng của tập đoàn FLC, sau khi kinh doanh không hiệu quả, Bamboo Airways đã tách ra trở thành một hãng hàng không riêng. Trong trường hợp cất cánh vào ngày 10/10, vé máy bay của hãng hàng không này sẽ sớm có mặt tại thị trường từ tháng 9 tới.

Với mô hình kinh doanh “lai” giữa hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ. Bamboo Airways sẽ cung cấp cả những dịch vụ mà hai mô hình này có. Giá vé của hãng cũng ở mức giữa của 2 phân khúc, đủ sức cạnh tranh với Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Trước đây, Vietnam Airlines từng chia sẻ, những chặng bay ngắn như từ Hà Nội đến Quảng Bình, hãng hàng không này thường phải bù lỗ. Đó cũng là lý do hiện nay cả Vietnam Airlines lẫn Vietjet Air đều chưa có nhiều tuyến bay đến đây.

Trước câu hỏi Bamboo Airways có phải bù lỗ như vậy không, ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc Bamboo Airways tự tin công ty sẽ có kết quả tốt hơn nhờ tận dụng ưu thế từ hệ sinh thái của tập đoàn FLC.

Ông Thắng phân tích, Bamboo Airways có lợi thế cạnh tranh mà 2 hãng hàng không lớn trong nước không có được. Đó là hệ thống các khu du lịch nghỉ dưỡng của tập đoàn FLC, với quy mô từ 1.000 – 3.000 phòng khách sạn, căn hộ cho thuê và các khu vui chơi giải trí.

Các đường bay của Bamboo Airways trước mắt sẽ phải khai thác tối đa lợi thế này. Chẳng hạn, nếu khách bay từ Hà Nội đến Quy Nhơn bằng Bamboo Airways, hãng có thể cung cấp gói dịch vụ giảm giá khi ở tại FLC Quy Nhơn và ngược lại.

"Hybrid là hàng không có bộ máy tinh gọn, chi phí quản trị ở mức tối ưu nhất, chất lượng dịch vụ xuyên suốt, 5 sao từ dưới đất lên máy bay. Chi phí lớn nhất trong hàng không là chi phí xăng dầu, bảo dưỡng máy móc. Chúng tôi tinh giản bộ máy và quản trị gọn hàng, công nghệ áp dụng tối đa", ông Thắng kết luận.