‘Đừng để sầu riêng rơi vào bi kịch’

Phạm Sơn - 10:37, 13/09/2023

TheLEADERBộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết đã nhìn ra được những khó khăn, thách thức có thể xảy ra ngay từ khi ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc.

‘Đừng để sầu riêng rơi vào bi kịch’
Lại xuất hiện tình trạng 'bẻ cọc' khi giá sầu riêng tăng. Ảnh: Hoàng Anh

Với hơn 100 nghìn héc ta sầu riêng, tổng sản lượng khoảng 900 nghìn tấn mỗi năm, khi được Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch, dự kiến xuất khẩu sầu riêng năm 2023 có thể đạt đến mốc hơn 1,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, viễn cảnh ấy chưa kịp xảy ra thì ngành sầu riêng lại rơi vào tình cảnh khó khăn khi xuất hiện hiện tượng tranh mua, tranh bán. Bà con nông dân, thương lái thi nhau bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết.

Từ đó, sầu riêng thành phẩm không đảm bảo được các quy định về kiểm định an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn đóng gói, mã số vùng trồng, dẫn đến nguy cơ có thể không được xuất khẩu, làm giảm uy tín, đánh mất hình ảnh thương hiệu trái sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng chịu thiệt hại nặng nề. Có doanh nghiệp cho biết đã ký kết thu mua sầu riêng với giá 60 - 80 nghìn đồng/kg, về sau có người hỏi mua với giá 90 nghìn đồng, bà con sẵn sàng "bẻ cọc". Doanh nghiệp này không thể hoàn thành đơn hàng với đối tác nên mỗi chuyến hàng xuất khẩu là một lần phải "bù lỗ".

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết đã hình dung ra được những khó khăn, thách thức ngay từ khi ký kết nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc.

Thực tế, câu chuyện này không phải mới đối với nông sản Việt. Ông Hoan cho biết, trước đây, một số ngành hàng xuất khẩu tiềm năng, khi đứng trước cơ hội lớn cũng đã xảy ra những vấn đề tương tự, tiêu biểu như sự việc vú sữa Lò Rèn được xuất khẩu sang Mỹ.

“Sở dĩ để xảy ra những câu chuyện như vậy là bởi chúng ta nghĩ đến thời cơ nhiều hơn là nhận diện những thách thức”, ông Hoan lý giải.

Bên cạnh đó, đây cũng chính là hệ quả của “lời nguyền” manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của ngành nông nghiệp. Do đó, để tránh trưởng hợp sầu riêng rơi vào “bi kịch” như vú sữa Lò Rèn, cần phải giải quyết được bài toán manh mún, nhỏ lẻ và tự phát.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp nhấn mạnh yêu cầu cấu trúc lại ngành hàng một cách bền vững, có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, theo chiến lược phát triển nông nghiệp thông qua hợp tác – liên kết – thị trường.

Trong cấu trúc đó, doanh nghiệp và bà con nông dân phải ngồi với nhau từ đầu, tạo ra một không gian riêng, thay vì chỉ tìm cách cải tiến kỹ thuật hay thống kê diện tích.

Đối với sự việc xảy ra trong ngành hàng sầu riêng, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên, ông Hoan cho rằng, cần phải siết chặt vai trò quản lý nhà nước, nhất là ở các địa phương trồng sầu riêng.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp tham gia kinh doanh, xuất khẩu sầu riêng cần xác định không chỉ làm vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm đối với nền nông nghiệp quốc gia. Từ đó, doanh nghiệp cần chủ động chuyển từ mối quan hệ thuận mua vừa bán sang hợp tác, liên kết chặt chẽ với nông dân, hợp tác xã.

“Phải giải quyết cho bằng được vấn đề nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ”, ông Hoan nhấn mạnh.