EGATi có 'khai tử' nhiệt điện Quảng Trị hơn 55 nghìn tỷ đồng?

Nguyễn Cảnh - 13:30, 13/04/2023

TheLEADERSố phận dự án nhiệt điện Quảng Trị hơn 55 nghìn tỷ đồng sau gần 10 năm đang sắp đến hồi kết.

EGATi có 'khai tử' nhiệt điện Quảng Trị hơn 55 nghìn tỷ đồng?
10 năm sau khi được chỉ định nhà đầu tư, siêu dự án nhiệt điện BOT Quảng Trị hiện đang chờ ứng xử cuối cùng từ nhà đầu tư Thái Lan

Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị đặt tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (huyện Hải Lăng), tổng diện tích chiếm đất và dùng chung khoảng 402ha, vốn đầu tư khoảng 55.093 tỷ đồng. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT, thời gian hợp đồng khoảng 25 năm; dự kiến tổ máy số 1 sẽ vận hành thương mại vào năm 2023, tổ máy số 2 vận hành thương mại năm 2024. 

Nhà đầu tư hiện hữu của dự án là Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi - công ty trực thuộc EGAT, một doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ Thái Lan nắm giữ 100% vốn chủ sở hữu). 

Làm việc với EGATi về dự án này, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đề nghị EGATi sớm thống nhất với tỉnh về các giải pháp tháo gỡ nhằm tránh thiệt hại cho chủ đầu tư và tỉnh Quảng Trị trong việc đã thực hiện hoàn thành các nội dung về giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư… trước khi EGATi gửi văn bản đến Chính phủ Việt Nam và Bộ Công thương về dừng dự án.

Bên cạnh đó, EGATi sớm phối hợp với tỉnh Quảng Trị có biên bản xác nhận giữa hai bên về những nội dung công việc mà địa phương đã triển khai thực hiện, như công tác bồi thường GPMB và tái định cư, xây dựng khu tái định cư và một số nội dung khác có liên quan.

Đồng thời, EGATi sớm có văn bản thể hiện quan điểm chính thức về việc dừng hoặc thay đổi mục tiêu dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị để tỉnh có cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và báo cáo Chính phủ.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, Quảng Trị xác định công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển, hướng ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện chủ trương xây dựng trung tâm năng lượng khu vực miền Trung. Trên cơ sở đó, tỉnh cũng đề nghị EGATi phối hợp với địa phương tiếp tục có các buổi làm việc trực tiếp để thảo luận, chia sẻ trách nhiệm giúp tỉnh triển khai tốt kế hoạch phát triển theo mục tiêu đã xác định.

Trên cơ sở các đề nghị của tỉnh Quảng Trị, Quyền Tổng Giám đốc EGATi Bundit Umpornsrisupap đồng ý thảo luận để có hướng tháo gỡ thời gian tới và đốc thúc hoàn thiện các thủ tục sớm có văn bản chính thức trả lời địa phương về tạm dừng dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị.

Tháng 10-11/2022, sau khi Bộ Năng lượng Thái Lan xác nhận dừng triển khai dự án do khó khăn huy động vốn và thực thi đầy đủ các cam kết COP26, ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề nghị EGATi quan tâm đến trách nhiệm, lợi ích của tỉnh với lý do giữ ổn định cho kịch bản tăng trưởng của tỉnh, kịp thời bổ sung các động lực phát triển mới, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và người dân địa phương, đồng thời có thời gian nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp sử dụng nguồn nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường (khí tự nhiên, LNG).

Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị đặt tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (huyện Hải Lăng), tổng diện tích chiếm đất và dùng chung khoảng 402ha, vốn đầu tư khoảng 55.093 tỷ đồng. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT, thời gian hợp đồng khoảng 25 năm; dự kiến tổ máy số 1 sẽ vận hành thương mại vào năm 2023, tổ máy số 2 vận hành thương mại năm 2024. 

Với mục tiêu đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 1.200MW theo hình thức BOT, dự án ghi nhận 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp đến từ Thái Lan. Đây là dự án nhiệt điện đốt than sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn (Ultra Super Critical – USC), với tổng công suất đặt 1.320MW (công suất thô), gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 660MW.

Theo tính toán dự kiến, dự án sẽ có thời gian phát điện 6.000h/năm, sản lượng điện 7.200 tỷ Kwh/năm, doanh thu trước thuế khoảng 12.500 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách tỉnh 1.250 tỷ đồng/năm (chưa tính các loại thuế và phí khác).

EGATi hiện vẫn chưa thể hoàn thành đàm phán bộ hợp đồng dự án, chưa thành lập công ty BOT để thực hiện dự án. Lý do bởi EGATi chưa được Chính phủ Thái Lan cho phép đầu tư ra nước ngoài, do đó EGATi đang đề nghị bổ sung nhà đầu tư liên doanh cùng thực hiện dự án. Hiện tại, ở Thái Lan, EGATi đang trình Chính phủ Thái Lan phê duyệt đầu tư dự án ra nước ngoài.

Ở Việt Nam, nhà đầu tư đang đàm phán các bộ hợp đồng của dự án chưa hoàn thành gồm: Hợp đồng BOT & GGU, hợp đồng mua bán điện (PPA), hợp đồng cung cấp than (CSA) và vận chuyển than (CTA), hợp đồng thuê đất (LLA). Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Trị đang đề nghị Bộ Công thương quan tâm, xúc tiến hoàn thành sớm bộ hợp đồng dự án theo quy định để có cơ sở triển khai dự án. Đồng thời, xem xét, trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian vận hành thương mại dự án vào năm 2025 - 2026.

Được biết, EGATi đã kết thúc đàm phán vòng 1 về hợp đồng BOT (còn 24 điểm chưa thống nhất. Trung tuần tháng 10/2020, việc đàm phán hợp đồng BOT phiên thứ nhất vòng 2 đã được tiến hành tại Bộ Công thương. Theo đó, hai bên tập trung giải quyết các khó khăn tại vòng đàm phán 1.

Về nhà đầu tư, khi hình thành dự án, có 3 nhà đầu tư cùng tham gia liên doanh (EGATi, một công ty thành viên của EGATi và nhà đầu tư Nhật Bản). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hồ sơ dự án, chỉ có EGATi đứng tên và tại các văn bản liên quan đến dự án đã ghi chủ đầu tư là EGATi, không có hai nhà đầu tư liên doanh.

Về nguồn vốn thực hiện dự án, tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay là 30/70. Nguồn vốn vay do ngân hàng Bangkok Bank (Thái Lan) tài trợ chính. Kế hoạch đóng tài chính vào tháng 8/2021, sau khi đóng tài chính mới có nguồn tiền để thực hiện các công việc liên quan.

Như vậy, có thể thấy hiện tại Quảng Trị vẫn đang chờ câu trả lời chính thức từ chủ đầu tư EGATi (về việc dừng hay đổi mục tiêu) đối với dự án nhiệt điện BOT Quảng Trị (hay còn gọi là Nhiệt điện Quảng Trị 1), mặc dù phía Bộ Năng lượng Thái Lan đã có thông báo về việc dừng dự án.

Theo quy hoạch, Trung tâm điện lực Quảng Trị có 2 nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 và Quảng Trị 2 với tổng công suất 2.400MW. Nhiệt điện Quảng Trị 1 (EGATi là chủ đầu tư) có tổng diện tích quy hoạch 450ha (400ha diện tích đất và 50ha diện tích mặt nước). Diện tích này chưa bao gồm: Cảng, hành lang băng tải than từ cảng vào Trung tâm điện lực, diện tích khu cư xá vận hành, hạng mục cấp nước ngọt đến Trung tâm điện lực.