EGATi Thái Lan chưa được phép đầu tư vào nhiệt điện Quảng Trị

Nguyễn Cảnh - 09:05, 13/09/2021

TheLEADERNhà máy nhiệt điện Quảng Trị hơn 55 nghìn tỷ đồng gần 8 năm qua vẫn chưa thể triển khai là do chủ đầu tư Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan chưa được Chính phủ Thái Lan cho phép đầu tư ra nước ngoài.

EGATi Thái Lan chưa được phép đầu tư vào nhiệt điện Quảng Trị
Lễ khởi công xây dựng hạng mục cơ sở hạ tầng nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị 1

Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị đặt tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (huyện Hải Lăng), tổng diện tích chiếm đất và dùng chung khoảng 402ha, vốn đầu tư khoảng 55.093 tỷ đồng. Dự kiến tổ máy số 1 sẽ vận hành thương mại vào năm 2023, tổ máy số 2 vận hành thương mại năm 2024.

Với mục tiêu đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 1.200MW theo hình thức BOT, dự án ghi nhận 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp đến từ Thái Lan. Đây là dự án nhiệt điện đốt than sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn (Ultra Super Critical – USC), với tổng công suất đặt 1.320MW (công suất thô), gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 660MW.

Theo tính toán dự kiến, dự án sẽ có thời gian phát điện 6.000h/năm, sản lượng điện 7.200 tỷ Kwh/năm, doanh thu trước thuế khoảng 12.500 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách tỉnh 1.250 tỷ đồng/năm (chưa tính các loại thuế và phí khác).

Nhà đầu tư hiện hữu là Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi - công ty trực thuộc EGAT, một doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ Thái Lan nắm giữ 100% vốn chủ sở hữu). EGATi hiện vẫn chưa thể hoàn thành đàm phán bộ hợp đồng dự án, chưa thành lập công ty BOT để thực hiện dự án. 

Lý do bởi EGATi chưa được Chính phủ Thái Lan cho phép đầu tư ra nước ngoài, do đó EGATi đang đề nghị bổ sung nhà đầu tư liên doanh cùng thực hiện dự án. Hiện tại, ở Thái Lan, EGATi đang trình Chính phủ Thái Lan phê duyệt đầu tư dự án ra nước ngoài. 

Ở Việt Nam, nhà đầu tư đang đàm phán các bộ hợp đồng của dự án chưa hoàn thành gồm: Hợp đồng BOT & GGU, hợp đồng mua bán điện (PPA), hợp đồng cung cấp than (CSA) và vận chuyển than (CTA), hợp đồng thuê đất (LLA). Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Trị đang đề nghị Bộ Công thương quan tâm, xúc tiến hoàn thành sớm bộ hợp đồng dự án theo quy định để có cơ sở triển khai dự án. Đồng thời, xem xét, trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian vận hành thương mại dự án vào năm 2025 - 2026.

Được biết, tại văn bản ngày 12/8/2013, EGATi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho làm chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện công suất 1.200MW tại Quảng Trị và triển khai thực hiện theo hình thức BOT.

Tháng 3/2016, dự án được xác định thuộc danh mục các dự án nguồn điện giai đoạn 2016-2020, dự kiến vận hành vào năm 2023 và 2024. Tới cuối năm 2016, Bộ Công thương ra quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này.

Theo đó, với hình thức hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), địa điểm tại huyện Hải Lăng (thuộc khu kinh tế Đông Nam), dự án nhà máy nhiệt điện đốt than sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn (Ultra Super Critical – USC) có tổng công suất lắp đặt 1.320MW, tổng vốn đầu tư hơn 55.093 tỷ đồng. 

EGATi đang hoàn tất tài liệu đàm phán, hoàn thiện để ký thỏa thuận đầu tư theo quy định tại Thông tư 23/2015/TT-BCT.

Được biết, EGATi đã kết thúc đàm phán vòng 1 về hợp đồng BOT (còn 24 điểm chưa thống nhất. Trung tuần tháng 10/2020, việc đàm phán hợp đồng BOT phiên thứ nhất vòng 2 đã được tiến hành tại Bộ Công thương. Theo đó, hai bên tập trung giải quyết các khó khăn tại vòng đàm phán 1.

Về nhà đầu tư, khi hình thành dự án, có 3 nhà đầu tư cùng tham gia liên doanh (EGATi, một công ty thành viên của EGATi và nhà đầu tư Nhật Bản). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hồ sơ dự án, chỉ có EGATi đứng tên và tại các văn bản liên quan đến dự án đã ghi chủ đầu tư là EGATi, không có hai nhà đầu tư liên doanh.

Hiện nhà đầu tư Nhật Bản đã rút khỏi liên doanh. EGATi đề nghị bổ sung thêm 2 thành viên của EGAT cùng tham gia đầu tư dự án, các thành viên liên doanh mới sẽ gồm: EGATi, EGCO và RATCH. Tỷ lệ góp vốn của các công ty thành viên là: Công ty Egat International Co.,Ltd (EGATi) do EGAT nắm 99,9% cổ phần tham gia 40% vốn; Công ty Electricity Generating Co.,Ltd (EGCO) do EGAT nắm 99,9% cổ phần tham gia 30% vốn và Công ty Ratch Group Public Co.,Ltd (RATCH) do EGAT nắm 45% tham gia 30% vốn.

Về nguồn vốn thực hiện dự án, tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay là 30/70. Nguồn vốn vay do ngân hàng Bangkok Bank (Thái Lan) tài trợ chính. Kế hoạch đóng tài chính vào tháng 8/2021, sau khi đóng tài chính mới có nguồn tiền để thực hiện các công việc liên quan.