FPT cán mốc doanh thu 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm

Việt Hưng - 15:02, 22/12/2023

TheLEADERCũng trong năm 2023, FPT đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng thông qua các thương vụ M&A, hợp tác với các đối tác lớn trong nhiều lĩnh vực và nâng cao năng lực công nghệ trong các lĩnh vực chuyên ngành.

FPT công bố cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài, đến chủ yếu từ ba thị trường trọng điểm là: Nhật Bản, châu Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương.

Tính đến thời điểm hiện tại, các thị trường này đều tăng trưởng trên 30%. Trong đó, thị trường Nhật Bản tăng 54%, thúc đẩy bởi nhu cầu chi tiêu cho CNTT lớn tại thị trường này, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số.

Đặc biệt, những năm gần đây, dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài của FPT đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ, với 50% tổng doanh thu từ nước ngoài đến từ dịch vụ chuyển đổi số và tăng gấp gần 6 lần trong vòng 5 năm qua.

Trong đó, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud - chiếm 40% doanh thu chuyển đổi số, các công nghệ như: AI, phân tích dữ liệu chiếm 12%; RPA và Lowcode chiếm 10%...

Về cơ cấu các khách hàng nước ngoài mà FPT đang phục vụ, 21% đến từ các khách hàng trong lĩnh vực công nghệ phần mềm ô tô và sản xuất, 11% đến từ lĩnh vực tài chính ngân hàng, 11% đến từ năng lượng… Trong đó, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần mềm ô tô và sản xuất duy trì mức tăng trưởng trên 30%.

Nói về dấu mốc này, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT cho biết: "Sau 2 thập kỷ, Việt Nam đã xếp thứ 2 trong danh sách các quốc gia, điểm đến toàn cầu về dịch vụ CNTT. Trên hành trình phía trước, chúng tôi sẽ vẫn một giấc mơ đưa đất nước lên tầm cao nhất bằng công nghệ, vì một tương lai bền vững và hạnh phúc".

Năm 2023, FPT đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng thông qua các thương vụ M&A, hợp tác với các đối tác lớn trong nhiều lĩnh vực và nâng cao năng lực công nghệ trong các lĩnh vực chuyên ngành.

FPT cán mốc doanh thu 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm
FPT cán mốc doanh thu 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm

Chỉ trong vòng 1 năm, FPT đã thực hiện 4 thương vụ M&A và đầu tư vào các công ty công nghệ có tên tuổi tại Mỹ, Pháp như Intertec International, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI.

Các thương vụ này giúp FPT nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao từ sự gia nhập của các chuyên gia công nghệ người nước ngoài giàu kinh nghiệm, và mở rộng tập khách hàng mới tại châu Mỹ và châu Âu.

FPT cũng đã mở rộng và nâng tầm hợp tác với nhiều đối tác tên tuổi nhất thế giới như SAP, Microsoft, AWS, Salesforce, Adobe, gia nhập Liên minh AI do IBM và Meta khởi xướng..., cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ sừng sỏ đến từ Ấn Độ, châu Âu, Mỹ, đem về những hợp đồng quy mô hàng chục, hàng trăm triệu USD.

Chiến lược mở rộng quy mô và đầu tư theo chiều sâu cũng được triển khai mạnh mẽ trong năm qua để khai thác tối đa cơ hội trong những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao như phần mềm ô tô, tài chính ngân hàng, năng lượng, chăm sóc sức khỏe…

FPT đã thành lập công ty FPT Automotive với mục tiêu 1 tỷ USD 2030, để chinh phục thị trường công nghiệp phần mềm ô tô có quy mô dự kiến 116,62 tỷ USD năm 2032.

Về công nghệ, FPT đã đi sâu nghiên cứu các công nghệ mới, hình thành được một hệ sinh thái hơn 200 dịch vụ, sản phẩm, giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp trên toàn cầu.

Trong đó, nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI đã có hơn 200 triệu lượt người dùng mỗi tháng tại 15 quốc gia trên toàn cầu. Trong lĩnh vực chip bán dẫn, một lĩnh vực mới của FPT, công ty đã ghi nhận đơn hàng 70 triệu chip cho khách hàng toàn cầu.

Bà Chu Thị Thanh Hà - Chủ tịch FPT Software (công ty thành viên phụ trách lĩnh vực dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT) khẳng định: "Phát triển con người là nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững của chúng tôi. Thành tích này là minh chứng cho những nỗ lực và trí tuệ tập thể được tích lũy qua nhiều thế hệ nhân viên FPT Software".

Bà Hà cho biết, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tập trung vào phát triển nhân tài và trang bị cho nhân viên của mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng cùng những tiêu chuẩn toàn cầu.

Chi tiêu cho CNTT thế giới được dự báo sẽ đạt 5.100 tỷ USD vào năm 2024, tăng 8% so với năm 2023, trong đó, chi tiêu cho dịch vụ CNTT và phần mềm chiếm 51% và có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tương đương 11,6% và 14,1%.

Đặc biệt, các khoản đầu tư vào lĩnh vực AI được xem là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu cho CNTT tổng thể.