Từ chip nguồn đến giấc mơ bán dẫn của FPT

Việt Hưng - 10:08, 17/12/2023

TheLEADERTổng giám đốc FPT cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số, nên cần đi song song phát triển phần cứng và phần mềm, cũng như làm chủ công nghệ lõi, trong đó có chip bán dẫn.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT, chip bán dẫn ngày nay có chức năng như mạch máu trong nền kinh tế, vì trong các thiết bị điện tử đều có chip.

Củng cố cho luận điểm này, ông Khoa dẫn số liệu doanh thu chip bán dẫn trên toàn cầu đã vượt mốc 600 tỷ USD trong năm 2022. Năm 2024, dự báo nhu cầu chip trên toàn thế giới tăng đáng kể, một số mảng như mảng chip nhớ tăng 25%.

Còn theo Gartner, doanh thu ngành bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2024 - 2025, trên 15%/năm, nhất là chip GPU hiệu năng cao cho AI.

Theo CDI, quy mô thị trường công nghiệp điện tử toàn cầu được định giá hơn 3.454 tỷ USD năm 2022, dự báo đạt hơn 4.986 tỷ USD vào năm 2030. Ngành công nghiệp điện tử đang phát triển lớn mạnh chính là đầu ra cho con chip.

Tại Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.

Báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu công nghiệp điện tử năm 2022 đạt hơn 114 tỷ USD, đứng đầu trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm hơn 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Từ đó, ông Nguyễn Văn Khoa khẳng định: "Ngành công nghiệp điện tử đang phát triển lớn mạnh sẽ là đầu ra cho con chip. Vì vậy phát triển vi mạch bán dẫn phải gắn liền với công nghiệp điện tử".

Từ chip nguồn đến giấc mơ bán dẫn của FPT
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc FPT nhấn mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số, nên cần đi song song phát triển phần cứng và phần mềm, cũng như làm chủ công nghệ lõi, trong đó có chip bán dẫn.

Để Việt Nam làm chủ chip bán dẫn, ông Khoa đã chỉ ra, doanh nghiệp công nghệ có lợi thế để vươn lên trong ngành vi mạch bán dẫn. Đó là chính sách ngoại giao cởi mở, ưu thế về địa chính trị, và nguồn nhân lực trẻ tài năng.

Theo lãnh đạo FPT, Việt Nam nên phát triển theo lộ trình 3 giai đoạn, tập trung vào các lĩnh vực như: viễn thông, xe điện, năng lượng và hướng đến đưa AI vào mọi con chip. Trong ngắn hạn là thiết kế, đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn. Tới trung hạn là sản xuất. Còn dài hạn mới hướng tới làm chủ công nghệ lõi.

Từ cách đây 10 năm, FPT đã bắt đầu nghiên cứu và sản xuất chip, xuất phát từ nhu cầu nghiên cứu để làm máy tính, điện thoại…

"Quá trình nghiên cứu làm ra con chip có nhiều khó khăn. Đến khi làm ra con chip vẫn không hết khó khăn và càng thách thức hơn khi đưa chip Make in Việt Nam ra nước ngoài", ông Khoa nói.

Năm 2018, tại Nhật Bản, FPT đã xây dựng một nhóm có 43 người, tại Việt Nam 64 người để làm chip, nhưng gặp nhiều thách thức. Thậm chí, có giai đoạn nhóm chỉ còn hơn 30 nhân sự, nhưng vẫn bám trụ để đưa con chip vào thị trường khó tính bậc nhất này.

"Thành công ở thị trường Nhật Bản cho chúng tôi bài học về xây dựng niềm tin với khách hàng. Người Nhật Bản coi trọng uy tín nên FPT từng bước chứng minh được năng lực và dần xây dựng niềm tin với họ", Tổng giám đốc FPT nhấn mạnh.

Từ câu chuyện hấp dẫn về hành trình nhiều gian nan của con chip, phía FPT mong muốn sẽ đóng góp 10.000 nhân lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn nước nhà.

"Hy vọng các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam sẽ cùng đầu tư, hợp tác để đẩy mạnh chủ trương làm chip, cùng nhau dấn thân tạo nên những kỳ tích mới", ông Nguyễn Văn Khoa khẳng định.