Galaxy Education muốn huy động vốn 20 triệu USD

Việt Hưng - 17:03, 10/05/2024

TheLEADERNguồn vốn dự kiến sẽ giúp Galaxy Education nhanh chóng mở rộng quy mô trong bối cảnh thị trường công nghệ giáo dục đang trên đà tăng trưởng.

Theo nguồn tin từ DealStreetAsia, Galaxy Education đang tìm cách huy động từ 10-20 triệu USD trong vòng gọi vốn mới. Nguồn vốn dự kiến sẽ giúp công ty nhanh chóng mở rộng quy mô trong bối cảnh thị trường công nghệ giáo dục đang trên đà tăng trưởng.

Bên cạnh đó, Galaxy Education cũng đầu tư ứng dụng công nghệ vào nâng cao trải nghiệm người học cũng như tối ưu hiệu quả vận hành của hệ thống.

Nhờ áp dụng công nghệ AI, người theo học các chương trình Tiếng Anh của đơn vị này giờ đây có thể luyện phát âm và luyện nói để chuẩn bị cho kỳ thi IELTS 100% với AI mà không cần có giáo viên bên cạnh.

Galaxy Education cũng đã dùng "giáo viên" AI để chấm bài kiểm tra cho học sinh các lớp học tiếng Anh, giúp giảm chi phí đến 90% so với thông thường. 

Cho tới hiện tại, trong số hàng ngàn chương trình học trực tuyến trên thị trường, mới chỉ có chương trình học trực tuyến Hocmai của Galaxy Education được chứng nhận hợp chuẩn với chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Galaxy Education muốn huy động vốn 20 triệu USD
Galaxy Education muốn huy động vốn 20 triệu USD

Quyết định gọi vốn của Galaxy Education đến từ xu hướng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ giáo dục tại Việt Nam đã tăng từ 1,8-4,3 lần trong năm ngoái, theo Báo cáo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023.

Còn báo cáo của Sách trắng EdTech Việt Nam 2023 cho thấy, Việt Nam hiện thuộc top 10 thị trường phát triển nhanh nhất ngành công nghệ giáo dục trực tuyến, với mức tăng trưởng hơn 44% mỗi năm.

Gần đây nhất, startup giáo dục Prep đã nhận được khoản đầu tư lên tới 7 triệu USD từ Northstar Ventures và Cercano Management Asia. Điều này cho thấy, chính các nhà đầu tư cũng đánh giá cao tiềm năng của thị trường giáo dục trực tuyến tại Việt Nam.

Sức hút của thị trường giáo dục trực tuyến Việt Nam đến từ nhiều lý do như dân số trẻ nên nhu cầu đối với các sản phẩm giáo dục lớn, cả chính phủ và người dân đều coi trọng và đầu tư mạnh tay cho giáo dục, và mức chi này ngày càng cao.

Về phía người dân, trung bình một gia đình Việt Nam dành khoảng 20-30% thu nhập để đầu tư giáo dục cho con cái, trong khi mức này ở các nước Đông Nam Á là từ 6-15%, theo Bain&Company.

Thêm vào đó, Việt Nam còn sở hữu hạ tầng công nghệ và kết nối internet phát triển với tỉ lệ sở hữu điện thoại thông minh lên tới 98,1%, sở hữu máy tính lên tới 58,5%, tỉ lệ người dân sử dụng internet lên tới 79,1%.

Ngoài ra, sau 2 năm Covid-19, người học Việt Nam đã hình thành một thói quen mới là kết hợp việc học online với offline và tỉ trọng học online ngày một tăng lên, đặc biệt là trong nhóm người học từ 15 tuổi trở lên.