Hà Nội lập tổ công tác đặc biệt gỡ khó cho doanh nghiệp

Nhật Hạ - 18:25, 17/08/2023

TheLEADERTổ công tác đặc biệt sẽ giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư đang triển khai trên địa bàn Hà Nội.

Hà Nội lập tổ công tác đặc biệt gỡ khó cho doanh nghiệp
Mục tiêu tăng trưởng cả năm của Hà Nội vẫn giữ nguyên ở mức 7%. Ảnh: Hoàng Anh

Nhằm gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có quyết định lập tổ công tác đặc biệt do chính ông làm tổ trưởng.

Các tổ phó là hai Phó chủ tịch Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền. Các thành viên khác gồm đại diện của các sở, ngành như Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng, Thuế. Trong một số trường hợp cần thiết, tổ trưởng có thể mời thêm các đơn vị khác, chuyên gia để tham vấn ý kiến.

Theo đó, tổ công tác sẽ giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực; hoạt động triển khai thực hiện các dự án: đầu tư công (bao gồm dự án ODA); đầu tư kinh doanh (gồm dự án đầu tư trong nước và dự án FDI); đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Ở những vấn đề vượt thẩm quyền, tổ sẽ tổng hợp, báo cáo lên các cấp cao hơn để tháo gỡ.

Tổ công tác cũng sẽ nghiên cứu, tìm cách cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư dự án; thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh mới; đồng thời xử lý sớm các sai phạm nếu có.

Cách đây một tuần, UBND TP. Hà Nội cũng đã có công văn về việc sẽ tập trung xử lý quyết liệt các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai.

Các dự án trong diện này được chia thành 3 nhóm: dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất (135 dự án); đã được giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất (404 dự án) và do UBND các quận, huyện, thị xã phát hiện đề xuất chưa được xử lý (173 dự án).

Tổng số dự án sẽ được TP. Hà Nội tiếp tục giám sát, xử lý quyết liệt thời gian tới là 293 trường hợp.

Với danh mục dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, ghi nhận khoảng 50 dự án được TP. Hà Nội giao Sở Kế hoạch và đầu tư giám sát, tiếp tục có các biện pháp khắc phục, xử lý cụ thể theo quy định pháp luật đối với từng dự án; 59 dự án dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch.

Đáng chú ý, có 10 trường hợp đã có dự án đầu tư được duyệt, nhưng chưa được giao đất, chưa triển khai đầu tư, chậm triển khai hoặc nhà đầu tư chây ì thực hiện thủ tục/mục tiêu dự án không còn phù hợp quy định hiện hành.

Trước đó, vào đầu tháng 7, Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó mục tiêu tăng trưởng cả năm giữ nguyên ở mức 7%, trong đó GRDP quý III phải tăng từ 7,54%, quý IV từ 8,23%.

Để đạt được mục tiêu này, thành phố đưa ra các giải pháp gồm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (đặc biệt công trình trọng điểm); đảm bảo vốn cho nền kinh tế; sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hồi, giao đất, cho thuê đất; cung cấp điện an toàn, ổn định...