Hâm nóng thị trường mua trước trả sau

Việt Hưng - 18:31, 23/01/2024

TheLEADERTại Việt Nam, BNPL hiện là cuộc chơi giữa các startup cả ngoại và nội như: Kredivo, MoMo, Fundiin, NextPay hay Wowmelo, Movi, Lit và rộng hơn, đây cũng là sân chơi của các công ty tài chính như: LotteFinance, FE Credit, Home Credit…

Việt Nam có dân số lớn với hơn 98,51 triệu người vào năm 2021, trong đó dân số trẻ (từ 15 tuổi trở lên) chiếm hơn 51%. Tuy nhiên, khoảng một nửa dân số hiện vẫn còn bị hạn chế về các dịch vụ tài chính của ngân hàng hoặc chưa có tài khoản ngân hàng.

Điều này cho thấy nhu cầu tài chính cá nhân của người dân trong nước rất cao, mặc dù chưa tiếp cận dịch vụ tài chính. Bên cạnh các hình thức như ví điện tử, "Mua trước trả sau" gần đây nổi lên là một hình thức thanh toán mới dễ tiếp cận, an toàn và tiện lợi.

Mua trước trả sau (Buy now Pay later, hay "BNPL") là một giải pháp vay tiêu dùng ngắn hạn không cần tài sản đảm bảo. Người dùng có thể đăng ký sản phẩm tức thì tại thời điểm mua sắm, và sử dụng khoản tiền được cấp bởi ngân hàng, tổ chức tài chính để chi tiêu, mua sắm. Khoản đã chi được chi trả trong một lần, hoặc chia nhiều đợt.

Theo báo cáo của Research and Markets, tổng thanh toán BNPL đạt 1,1 tỷ USD vào cuối năm 2022 và có tốc độ tăng 31,1% hằng năm. Hiện nay, 4/5 người tiêu dùng ở Mỹ sử dụng hình thức BNPL để mua sắm tất cả mặt hàng, từ quần áo đến đồ gia dụng.

Hầu hết người mua hàng cho biết, hình thức này có thể thay thế phương thức thanh toán truyền thống như thẻ tín dụng. Với BNPL, khách hàng chỉ cần đăng ký tài khoản qua ứng dụng, cung cấp thông tin cá nhân và khoản vay mà không cần chứng minh thu nhập.

Tại Việt Nam, BNPL hiện là cuộc chơi giữa các startup cả ngoại và nội như: Kredivo, MoMo, Fundiin, hay Wowmelo, Movi và Lit. Rộng hơn, đây cũng là sân chơi của các công ty tài chính như: LotteFinance, FE Credit…

Hâm nóng thị trường mua trước trả sau
NextPay cùng với Home Credit tiến vào thị trường "Mua trước trả sau"

Tới đây, thị trường BNPL trong nước sẽ còn được "hâm nóng" khi có sự gia nhập của NextPay - fintech thuộc Tập đoàn NextTech và Home Credit, khi hai bên cùng hợp tác chiến lược cung cấp dịch vụ thanh toán "Mua trước trả sau" có tên Home PayLater.

Theo thỏa thuận, Home PayLater sẽ cung cấp cho khách hàng mức thanh toán tối thiểu chỉ từ 50 nghìn đồng, đến 25 triệu đồng. Đây được xem là điểm mới với một sản phẩm BNPL, khi mở rộng phạm vi và điều kiện cho vay ngắn hạn với các đối tượng khách hàng trẻ, bao gồm cả sinh viên...

Ông Michal Skalicky - Giám Đốc Sản Phẩm và Quan Hệ Khách Hàng Home Credit Việt Nam cho biết, giải pháp Home PayLater không chỉ mang tới lợi ích thanh toán tiện lợi cho người tiêu dùng, mà còn giúp đối tượng doanh nghiệp gia tăng doanh số, cũng như thu hút thêm nhiều khách hàng mới.

Thông qua hợp tác, Home Credit và NextPay sẽ cùng chia sẻ và sử dụng dữ liệu sẵn có của nhau, đồng thời ứng dụng hiệu quả các công cụ trí tuệ nhân tạo AI nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng của dịch vụ thanh toán.

Đặc biệt, hai bên cùng đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán Home PayLater lên 100.000 điểm mới trong năm 2024. Trong đó, lợi thế của NextPay là đã có sẵn mạng lưới chấp nhận thanh toán tại Việt Nam gần 200.000 điểm.

Trước NextPay, ZaloPay cũng tích hợp sản phẩm trả sau cùng Ngân hàng CIMB Việt Nam, với hình thức cấp hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán, theo thỏa thuận cho vay giữa khách hàng và ngân hàng.

Bà Lê Lan Chi - Đại diện ZaloPay cho biết, giải pháp có thể thanh toán nhiều tiện ích như: nạp/mua thẻ điện thoại; thanh toán hóa đơn; mua sắm online; thanh toán trực tiếp tại quầy; thanh toán kho ứng dụng, trò chơi, phim ảnh…

Hâm nóng thị trường mua trước trả sau 1
ZaloPay cũng tích hợp sản phẩm trả sau cùng Ngân hàng CIMB Việt Nam

Tất nhiên, mua trước trả sau tại Việt Nam không phải là thị trường "dễ chơi". Nhiều startup ngoại đã phải rời bỏ thị trường ngay cả khi được hậu thuẫn mạnh mẽ về nguồn vốn bởi các tập đoàn tỷ USD.

Tháng 5/2023, Atome - một startup mua trước trả sau (BNPL) có trụ sở tại Singapore đã tuyên bố dừng tất cả các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sau hơn 1 năm thâm nhập.

Lý do được phía công ty đưa ra, đó là đóng góp vào hoạt động kinh doanh chung của Atome Việt Nam còn nhiều hạn chế, dù tại đây startup này đã có hơn 100 đối tác.

Bên cạnh Atome, một startup BNPL khác có trụ sở tại Việt Nam là Ree-pay cũng thừa nhận đang phải rao bán mình, với lý do mô hình kinh doanh không tạo ra được nhiều lợi nhuận như kỳ vọng.

Nhà sáng lập và CEO Ree-Pay - ông Dragan Bozic cho biết: "Có vẻ như các nhà đầu tư giai đoạn này chỉ muốn rót tiền vào các công ty đã phát triển và có lợi nhuận cao".

Ngoài ra, CEO Ree-Pay cũng chỉ rõ thực tế, để kiếm được lợi nhuận mà không "đốt tiền" từ các nhà đầu tư, nền tảng BNPL cần phải bán thêm các sản phẩm tài chính truyền thống khác - vốn là danh mục sản phẩm của ngân hàng.

Ông Dragan Bozic tiết lộ, startup này hiện đang trong quá trình thẩm định với một số ngân hàng tại Việt Nam quan tâm đến việc mua lại Ree-Pay.