Startup mua trước trả sau Ree-Pay tìm cách bán mình cho ngân hàng

Việt Hưng - 08:27, 19/07/2023

TheLEADERLĩnh vực mua trước trả sau tại Việt Nam dường như đang trải qua giai đoạn thanh lọc khốc liệt, khi gần đây một Kỳ lân ngoại là Atome đã tuyên bố rút khỏi thị trường, còn startup Ree-Pay đang tìm cách bán mình cho ngân hàng.

Theo TechInAsia, một fintech mua trước trả sau (BNPL) có trụ sở tại Việt Nam là Ree-Pay đang được rao bán, với lý do mô hình kinh doanh không tạo ra được nhiều lợi nhuận như kỳ vọng.

Nhà sáng lập và CEO Ree-Pay - ông Dragan Bozic cho biết: "Có vẻ như các nhà đầu tư giai đoạn này chỉ muốn rót tiền vào các công ty đã phát triển và có lợi nhuận cao".

Ngoài ra, CEO Ree-Pay cũng chỉ rõ thực tế, để kiếm được lợi nhuận mà không "đốt tiền" từ các nhà đầu tư, nền tảng BNPL cần phải bán thêm các sản phẩm tài chính truyền thống khác - vốn là danh mục sản phẩm của ngân hàng.

Ông Dragan Bozic tiết lộ, startup này hiện đang trong quá trình thẩm định với một số ngân hàng tại Việt Nam quan tâm đến việc mua lại Ree-Pay.

Chia sẻ của ông Dragan Bozic dường như trái ngược hoàn toàn với sự tự tin trước đây, khi CEO Ree-Pay cho rằng, nhu cầu trong khu vực với các giải pháp mua trước - trả sau đang tăng vọt. Công ty này thậm chí từng kỳ vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ mua trước - trả sau số 1 tại Việt Nam và top 3 tại Đông Nam Á trong năm 2023.

Startup mua trước trả sau Ree-Pay tìm cách bán mình cho ngân hàng
Startup mua trước trả sau Ree-Pay tìm cách bán mình cho ngân hàng

Ree-Pay ban đầu được thành lập vào năm 2020, với mong muốn mang đến một cuộc cách mạng hóa trong việc trải nghiệm thanh toán của người tiêu dùng và nhà bán lẻ.

Sau 3 năm hoạt động, Ree-Pay trở thành đối tác quan trọng của các doanh nghiệp bán lẻ và thương mại điện tử như: Maison, Haravan, MoMo...

Gần đây, một đối tác của Ree-Pay nói với TheLEADER là đã nhiều tháng qua startup này không có cập nhật về hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Việc Ree-Pay tìm cách bán mình cho ngân hàng đến từ thực tế khi số lượng các doanh nghiệp tham gia vào thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam đang ngày một nhiều lên.

Thị trường BNPL tại Việt Nam hiện là cuộc chơi giữa các startup cả ngoại và nội như: Kredivo, MoMo, Fundiin, ZaloPay, hay Wowmelo, Movi và Lit.

Rộng hơn, đây cũng là sân chơi của các công ty tài chính như: LotteFinance, Home Credit, FE Credit… thông qua liên kết với các ví điện tử.

Chẳng hạn, FE Credit liên kết với Viettel Pay để cấp hạn mức chi tiêu cho khách hàng. Sau khi được phê duyệt, khách hàng chỉ mất chưa đến 2 phút để ký hợp đồng điện tử và nhận ngay hạn mức 2 triệu đồng. Tương tự, Home Credit cũng đã đầu tư 200 tỷ đồng vào Home Pay Later và liên kết với Tiki.

Ngoài ra, một đối tượng khác cũng muốn gia nhập sân chơi hấp dẫn này là các công ty thương mại điện tử. Gần đây, Shopee đã cung cấp dịch vụ BNPL "SPay Later" tại Việt Nam, cho phép người dùng thanh toán trả góp các sản phẩm với kỳ hạn linh hoạt.