Kế hoạch ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của IEA bị phản đối

Phạm Sơn - 07:33, 25/05/2021

TheLEADERNhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương phản đối lời kêu gọi ngừng đầu tư vào dầu mỏ, khí đốt và than của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

Kế hoạch ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của IEA bị phản đối
Nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào nhiệt điện than và năng lượng hóa thạch. Ảnh: NĐT.

Mới đây, IEA đã đưa ra lời đề xuất các quốc gia cần ngừng hoàn toàn các khoản đầu tư mới cho các loại nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí đốt và than, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn nhiệt điện than ở các nền kinh tế phát triển vào năm 2030 và cấm bán xe hơi chạy bằng động cơ đốt trong vào năm 2035.

Theo đại diện IEA, phương án này là “khả thi nhất về mặt kỹ thuật và chi phí” để đạt được mục tiêu mức phát thải ròng các bon bằng 0 vào năm 2050.

Kế hoạch vô cùng tham vọng này của IEA đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia châu Á, bao gồm cả Nhật Bản, dù quốc gia phát triển hàng đầu châu lục này mới đây đã tuyên bố hạn chế các khoản đầu tư vào nhiệt điện than.

Đại diện Bộ Kinh tế thương mại và công nghiệp Nhật Bản cho biết không có kế hoạch ngừng ngay lập tức các hoạt động đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Báo cáo của IEA đề xuất một phương án để cắt giảm khí thải nhà kính nhưng không phải là phương án duy nhất và không phù hợp với chính sách của Nhật Bản.

“Nhật Bản cần bảo vệ an ninh năng lượng, bao gồm việc duy trì nguồn cung điện ổn định và chúng tôi sẽ cân bằng mục tiêu này với mục tiêu khí hậu”, ông Akihisa Matsuda, Thứ trưởng Bộ Kinh tế thương mại và công nghiệp Nhật Bản bình luận.

Quan điểm của Nhật Bản tương đồng với cách tiếp cận của Việt Nam khi vẫn đưa một số nhà máy nhiệt điện than vào quy hoạch điện VIII, bất chấp nhiều ý kiến trái chiều. Bộ Công thương cho biết, vẫn cần phát triển thêm nhiệt điện than trong 15 năm tới, tuy nhiên sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu suất, giảm thiểu khí thải phát sinh.

Nhật Bản không phải quốc gia phát triển duy nhất phản đối đề xuất của IEA. Nước Úc mới đây đã công bố các khoản đầu tư cho năng lượng hóa thạch, trong đó có dự án trị giá 11 tỷ USD để khai thác khí đốt ngoài khơi biển phía Tây nước Úc.

Ngoài ra, một dự án trị giá khoảng 460 triệu USD từ vốn đầu tư công để xây nhà máy điện chạy bằng khí đốt cũng được Bộ Năng lượng Úc công bố mới đây.

Đại diện ngành dầu khí Úc nhận xét, kế hoạch mà IEA đưa ra chưa tính đến những công nghệ mới trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và những đóng góp cho công cuộc cắt giảm khí thải từ các lĩnh vực khác, đồng thời khẳng định “không có phương án nào là phù hợp với tất cả các quốc gia”.

Hai quốc gia Đông Nam Á là Philippines và Indonesia cũng tỏ thái độ không đồng tình với IEA. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Philippines, ông Alfonso Cusi cho biết, kế hoạch của IEA sẽ “cản trở khát vọng phát triển tới mức thu nhập trung bình cao của Philippines”.

Ông Hendra Sinadia, Giám đốc Hiệp hội khai thác than Indonesia dự báo, thế giới đang chuyển sang năng lượng tái tạo nhưng nhu cầu về than vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong một vài thập kỷ tới.