Khi Kỳ lân bắt tay với Kỳ lân

Việt Hưng - 11:58, 10/11/2023

TheLEADERHợp tác gần đây của MoMo và Grab hứa hẹn sẽ mang đến trải nghiệm số hóa toàn diện cho người dùng Việt, từ việc gọi xe, giao hàng, đặt đồ ăn, đi chợ online cho đến thanh toán cho những nhu cầu này.

MoMo và Grab đã hợp tác, và tích hợp MoMo trở thành là phương thức thanh toán khi đặt xe, đặt đồ ăn, đi chợ online hay đặt giao hàng trên Grab.

Cụ thể, người dùng tại Việt Nam có thể chọn MoMo để thanh toán khi sử dụng các dịch vụ hiện có của Grab như di chuyển (GrabBike, GrabCar), giao thức ăn (GrabFood), đi chợ online (GrabMart), và giao hàng (GrabExpress).

Người dùng Grab chỉ cần thực hiện liên kết MoMo một lần duy nhất để MoMo trở thành một trong số những phương thức thanh toán trên ứng dụng Grab, các giao dịch thanh toán trên Grab trở nên nhanh chóng, tiện lợi.

Ưu điểm nổi bật khi chọn MoMo là người dùng cũng có thể tùy chọn sử dụng các nguồn tiền đa dạng để thanh toán, như ví MoMo, ngân hàng liên kết và ví trả sau - sản phẩm tín dụng tiêu dùng theo xu hướng "Mua trước - Trả sau" đang thịnh hành.

Ông Nguyễn Mạnh Tường - Tổng Giám Đốc MoMo chia sẻ: "Chúng tôi không chỉ tạo ra một phương thức thanh toán hay cung cấp dịch vụ tài chính… chúng tôi xây dựng một ứng dụng cung cấp đa dịch vụ, đáp ứng mọi nhu cầu hàng ngày cho người Việt".

Theo ông Tường, hợp tác của MoMo và Grab hứa hẹn sẽ mang đến trải nghiệm số hóa toàn diện cho người dùng Việt, từ việc gọi xe, giao hàng, đặt đồ ăn, đi chợ online cho đến thanh toán cho những nhu cầu này.

Khi Kỳ lân bắt tay với Kỳ lân
Grab và MoMo là hai Kỳ lân tiếp theo bắt tay tại Việt Nam

Về phía Grab, hợp tác này cho phép siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á tiếp tục mở rộng các phương thức thanh toán không tiền mặt trên ứng dụng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dùng khi thanh toán dịch vụ Grab.

Ông Alejandro Osorio - CEO Grab Việt Nam cho biết, Đông Nam Á đang phát triển nhanh về thanh toán không tiền mặt nhờ các tác nhân như: đại dịch Covid-19; tỷ lệ người dân tiếp cận với các dịch vụ của ngân hàng còn hạn chế; và sự phát triển của thương mại điện tử cùng các ứng dụng kết nối người tiêu dùng với các dịch vụ hằng ngày đa dạng.

Trong bức tranh của toàn Đông Nam Á, Việt Nam cho thấy không hề chậm chân trong hành trình trở thành một xã hội không tiền mặt.

Ông Osorio dẫn số liệu từ báo cáo Hành vi Thanh toán của người tiêu dùng năm 2022 của Visa Consumer Payment Attitudes Study 2022, với 83% người Việt Nam được khảo sát cho rằng họ dự định sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn.

Hiện người dùng Grab có thể dễ dàng lựa chọn từ thanh toán bằng thẻ ngân hàng liên kết, cho đến thanh toán bằng các ví điện tử do những fintech hàng đầu tại Việt Nam cung cấp và được tích hợp trực tiếp trên ứng dụng.

Trước MoMo, Grab từng bắt tay cùng ZaloPay. Được biết, đây là lần đầu tiên Grab mở cửa hệ sinh thái cho một fintech bên ngoài tại Việt Nam.

Trước khi có sự xuất hiện của ZaloPay, người dùng Grab chỉ có thể lựa chọn thanh toán qua ví điện tử Moca, các thẻ ngân hàng liên kết, hoặc tiền mặt.

Nếu MoMo là siêu ứng dụng có thế mạnh là các tính năng thanh toán, thì ZaloPay còn là ví điện tử tích hợp trong nền tảng chat Zalo. Với lợi thế này, ZaloPay có thể tiếp cận đa dạng đối tượng sử dụng, chứ không riêng nhóm khách hàng đã quen với các ứng dụng hiện đại.

Việc các Kỳ lân như Grab, MoMo và ZaloPay cùng bắt tay sẽ tận dụng được sức mạnh hệ sinh thái của nhau, chia sẻ năng lực công nghệ tài chính và sự thấu hiểu trải nghiệm người dùng để hướng đến phát triển bền vững lâu dài, đồng thời cùng nhau thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.