Khởi công 3 dự án giao thông tỷ đô ở phía Nam

Hứa Phương - 07:56, 19/06/2023

TheLEADERBa công trình giao thông trọng điểm khu vực phía Nam gồm vành đai 3 TP.HCM, Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với tổng mức đầu tư hơn 115 nghìn tỷ đồng vừa đồng loạt khởi công.

Ngày 18/6, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với TP.HCM, Đồng Nai, Đắk Lắk đồng loạt tổ chức lễ khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm phía Nam.

Lễ khởi công dự án đường vành đai 3 tại TP.HCM được kết nối trực tuyến với điểm khởi công dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và điểm khởi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột tại Đắk Lắk.

Hơn 75 nghìn tỷ đồng xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM

Dự án đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,3km đi qua 4 địa phương: TP.HCM (47,35km), Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km), Long An (6,81km); chia làm 8 dự án thành phần bao gồm 4 dự án thành phần xây dựng, 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Khởi công 3 dự án giao thông hơn 115 nghìn tỷ đồng ở phía Nam
Vành đai 3 TP.HCM đoạn giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành- Dầu Giây. Ảnh: Ban giao thông

Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án có 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100km/h; đường song hành hai bên cấp đường ô tô đô thị 60km/h. Quy mô giai đoạn phân kỳ là 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên đầu tư không liên tục.

Sơ bộ tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng bằng ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương; tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Đến nay, mặt bằng thi công xây dựng đã giải phóng mặt bằng 356ha/410ha (đạt khoảng 87%).

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 53,7km, trong đó tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2km, Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5km.

Điểm đầu nối với tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Biên Hòa, vị trí cách ngã ba Vũng Tàu 6,5km. Còn điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 56 thuộc TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Giai đoạn 1, dự án có quy mô 4 đến 6 làn xe theo từng đoạn tuyến, trong đó đoạn 1 từ điểm đầu dự án đến nút giao Long Thành và đoạn 3 từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối dự án, quy mô 4 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường từ 24,75m đến 27m. Đoạn 2 từ nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp quy mô 6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường từ 32,25m đến 34,5m.

Khi hoàn thiện sẽ mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe cao tốc. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 519,64ha. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ là 17.837 tỷ đồng được đầu từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Dự án được chia làm 3 dự án thành phần và phân cấp cho Bộ Giao thông vận tải và các địa phương.Trong đó, dự án thành phần 1 dài khoảng 16km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư 6.240 tỷ đồng do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 2 (Km16 - Km34+200) với chiều dài khoảng 18,2km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, sơ bộ tổng mức đầu tư 6.407 tỷ đồng do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 3 (Km34+200 - Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5km, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng mức đầu tư 5.190 tỷ đồng do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản.

Dự kiến, toàn bộ dự án được cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.

Gần 22.000 tỷ đồng đầu tư Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1

Dự án có tổng chiều dài khoảng 117,5km (tỉnh Khánh Hòa 32,7 km, tỉnh Đắk Lắk 84,8 km), điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B và quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa. Còn điểm cuối là điểm giao với đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk.

Giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m. Dự án có tổng mức đầu tư: 21.935 tỷ đồng, chia làm 3 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1 với chiều dài khoảng 32km thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư 5.632 tỷ đồng do UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản.

Khởi công 3 dự án giao thông hơn 115 nghìn tỷ đồng ở phía Nam 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành dự lễ khởi công 3 công trình giao thông trọng điểm khu vực phía Nam (Ảnh Hứa Phương)

Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5km thuộc địa phận 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tổng mức đầu tư 9.818 tỷ đồng do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48km thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk, tổng mức đầu tư 6.485 tỷ đồng do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản. Dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Hoàn thành mục tiêu 3.000 km cao tốc vào năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây là 3 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải được chủ trương của Bộ Chính trị, sự phê chuẩn của Quốc hội.

Thực tiễn đã chứng minh, giao thông nói chung và đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế xã hội. Hạ tầng chiến lược phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó. Nhất là về kinh tế xã hội, có thêm nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch, khu vui chơi, giải trí…

Trong giai đoạn 2000 - 2021, cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác 1.163km đường bộ cao tốc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc.

Như vậy, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, chúng ta cần phải triển khai đầu tư, xây dựng gấp gần 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong hơn 20 năm trước. Trong đó, đến 2025, cần đạt được ít nhất 3.000km cao tốc và giai đoạn 2026 - 2030 phấn đấu có thêm 2.000km nữa.

Chính phủ đã trình Quốc hội phê chuẩn và chỉ đạo các bộ, ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông nối liền từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến Cà Mau.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu triển khai các tuyến cao tốc trục ngang và các tuyến đường vành đai đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, bảo đảm tính đồng bộ kết nối thông suốt các vùng và cả nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng.

Theo Thủ tướng từ đầu nhiệm kỳ (2021) đến nay, cả nước đã khánh thành và đưa vào khai thác thêm 566km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc đang khai thác của cả nước lên 1.729km.

Còn các dự án đang thi công với tổng chiều dài 350km. Các dự án khởi công từ đầu năm 2023 có tổng chiều dài 1.406km. Cùng với 1.729km đã đưa vào khai thác, cùng với tổng chiều dài đường cao tốc của các dự án đang thi công, đã khởi công đến hết tháng 6/2023 là 1.756km. "Nếu quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt thì cơ bản chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000km cao tốc vào năm 2025", Thủ tướng nhấn mạnh.