Khởi công cao tốc gần 45.000 tỷ tại ĐBSCL

Phương Anh - 05:22, 18/06/2023

TheLEADERDự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 là dự án trọng điểm quốc gia, là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại ĐBSCL, kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia.

Cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2026

Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Sóc Trăng – Cần Thơ giai đoạn 1 có tổng chiều dài hơn 188 km, đi qua bốn tỉnh, thành, bao gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 44.700 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương. Trong giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ bốn làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô sáu làn xe.

Theo nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án của Quốc hội, dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Dự án được chia làm bốn dự án thành phần, do bốn địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản.

Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia.

Dự án được kỳ vọng là một trong sáu tuyến cao tốc thay đổi ĐBSCL, đồng thời, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng ĐBSCL với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Nhiều giải pháp đồng bộ để ‘hóa giải’ thách thức

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án tuyến đường bộ cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đi qua trung tâm vùng ĐBSCL với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

Cùng với đó, dự án giúp phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng.

Không chỉ vậy, từng bước hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mekong.

Khởi công cao tốc gần 45.000 tỷ tại ĐBSCL
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ khởi công dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng lưu ý rằng công việc phía trước còn rất lớn với nhiều khó khăn, thách thức từ việc tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại, trong đó có nhiều vị trí tập trung đông dân cư, dễ phát sinh các khiếu nại.

Dự án cũng đòi hỏi khối lượng vật liệu xây dựng rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong cấp phép khai thác, sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành. Theo đó, Bộ Tài nguyên và môi trường cần kịp thời hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án; Bộ Xây dựng theo dõi, kịp thời công bố điều chỉnh giá vật liệu xây dựng phù hợp.

Để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng, đáp ứng tiến độ và hiệu quả đầu tư, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư theo các quy định hiện hành trong tổ chức thực hiện dự án thành phần được phân cấp, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Tỉnh An Giang và các tỉnh có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ động, ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho dự án. UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu UBND bốn tỉnh, thành phố có dự án đi qua khẩn trương đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại để đáp ứng mặt bằng thi công công trình dự án. Trước mắt, bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp; đối với diện tích còn lại của toàn bộ dự án phải hoàn thành bàn giao trước ngày 31/12/2023.

Theo quy hoạch, đến năm 2050, ĐBSCL có gần 1.200km cao tốc, trong tổng số hơn 9.000km cao tốc của cả nước, được phân bổ đồng đều trên toàn vùng với ba trục dọc và ba trục ngang. Dự kiến đến năm 2030, có khoảng 760km, và sau năm 2030, tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420km.

Hiện nay, ĐBSCL đã hoàn thành đưa vào khai thác 90km, đang triển khai thi công, và đến năm 2025, cơ bản hoàn thành thêm 458km. Như vậy, đến năm 2025, vùng ĐBSCL có khoảng 548km đường bộ cao tốc, trong đó hoàn thành trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ TP.HCM đến Cà Mau, một số đoạn trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Tây, và cơ bản hoàn thành trục ngang cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.