Lãnh hậu quả vì quảng cáo bán nhà quá đà

An Chi - 10:02, 02/08/2019

TheLEADERPhối cảnh long lanh, nhà mẫu hoành tráng, nhưng chỉ cần một chi tiết nhỏ khác với thực tế có thể châm ngòi khủng hoảng, khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề về uy tín và tiền bạc.

Lãnh hậu quả vì quảng cáo bán nhà quá đà
Bản vẽ một dự án căn hộ có mái vòm xanh như thực tế bàn giao không có.

Quảng cáo một đằng, giao nhà một nẻo

Xung đột vì không bàn giao quỹ bảo trì, vì tranh chấp sở hữu chung - riêng đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" trên thị trường bất động sản hiện nay. Nhưng, có những vấn đề tưởng như rất nhỏ, như màu sơn hay gạch lát sàn khác biệt giữa phối cảnh và thực tế cũng có thể thổi bùng mâu thuẫn, đẩy doanh nghiệp bất động sản vào thế đối đầu với cư dân và chìm trong khủng hoảng thương hiệu. 

Một số khách hàng mua căn hộ hạng sang tại một dự án bên Hồ Tây mới đây đã gửi đơn từ tới tấp đến các cơ quan chức năng ở Hà Nội "tố cáo" chủ đầu tư bàn giao nhà với chất lượng không như kỳ vọng. Những vấn đề nghiêm trọng như thấm dột hay thang máy không đúng chủng loại đã đành một lẽ, nhưng khách hàng còn bức xúc vì nội - ngoại thất của toà nhà khác với bản vẽ phối cảnh của chủ đầu tư

Một khách hàng chia sẻ, khi quyết định mua căn hộ tại dự án này, chi tiết khiến chị rất thích là tòa nhà được thiết kế có mái vòm màu xanh. Tuy nhiên, khi bàn giao thực tế, cả hai tòa tháp căn hộ của dự án đều không có mái vòm. Cư dân này nghi ngờ chủ đầu tư bỏ nóc, tận dụng chiều cao của phần nóc để xây thêm tầng, thêm căn hộ bán.

Hay bức xúc giữa chủ đầu tư và khách hàng tại một dự án căn hộ trên đường Nguyễn Huy Tưởng và một dự án khác trên đường Nguyễn Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) như được "đổ thêm dầu vào lửa" khi cư dân phát hiện toà nhà được sơn màu trắng thay vì màu vàng như trên bản vẽ phối cảnh. 

Mặc dù ngay sau đó, chủ đầu tư giải thích việc thay đổi màu sơn mặt ngoài nhằm phù hợp với xu thế và thị hiếu chung, màu sơn mới giúp làm tăng sự sang trọng và trang nhã, song không thể phủ nhận sự thay đổi này đã gây không ít phiền toái cho chủ đầu tư.

Không chỉ có bản vẽ phối cảnh, mà nhà mẫu cũng có thể là "ngòi nổ" cho các cuộc khủng hoảng và là "bằng chứng sống" để khách hàng bắt lỗi chủ đầu tư.

Hầu hết các dự án căn hộ hiện nay đều sử dụng nhà mẫu như một "trợ thủ đắc lực" để bán nhà. Căn hộ mẫu giúp khách hàng mục sở thị ngôi nhà tương lai của mình thay vì tưởng tượng qua phối cảnh hay giới thiệu của môi giới, và cũng vì thế khách hàng dễ bị thuyết phục xuống tiền nhanh hơn. 

Chính vì thế, những gì đẹp đẽ, hấp dẫn nhất của dự án sẽ được chủ đầu tư phô trương ở mô hình phối cảnh và nhà mẫu dự án. 

Nhiều doanh nghiệp không tiếc tiền đầu tư cho nhà mẫu, thậm chí nếu không ưng ý sẵn sàng đập đi xây lại. Chi phí đầu tư mỗi khu nhà mẫu có thể lên đến hàng chục tỷ đồng, trong đó, mức đầu tư cho việc thi công và các sản phẩm nội thất đi kèm đối với nhà mẫu chung cư lên đến khoảng 2 tỷ đồng/căn; còn đối với biệt thự có sân vườn thì chi phí này dao động trong khoảng 5 - 7 tỷ đồng. 

Bên cạnh nội thất, nhiều chủ đầu tư còn chú trọng đến không gian, cảnh quan sân vườn nhằm mang đến trải nghiệm ấn tượng, hấp dẫn nhất cho người mua.

Tuy nhiên, một chi tiết nhỏ khác biệt giữa nhà mẫu và nhà thật có thể thổi bùng mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Mới đây, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại một dự án trên đường Tố Hữu (quận Hà Đông, Hà Nội) đã căng băng rôn phản đối chủ đầu tư quảng cáo một đằng, giao nhà một nẻo. Theo người mua nhà, nhiều hạng mục, thiết bị trong căn hộ đã không đúng với cam kết, giới thiệu ban đầu. Bồn vệ sinh, dây cáp điện, ống nước, gạch đến khung cửa sổ hay sàn gỗ được thay thế bằng những sản phẩm kém chất lượng so với nhà mẫu.

Chẳng hạn, theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư, gạch lát sàn nhà vệ sinh là gạch chống trơn kích cỡ 600x600 thương hiệu Đồng Tâm, Viglacera, Prime hoặc tương đương có giá khoảng 257.000 đồng/m2, nhưng khách hàng phát hiện gạch lát sàn nhà vệ sinh thực tế có kích cỡ 300x300 và giá chỉ 151.000 đồng/m2.

Tại căn hộ mẫu của dự án, khóa được lắp đặt có ba chức năng nhận biết bằng vân tay, thẻ từ và khóa cơ. Tuy nhiên, thực tế loại khóa cửa chính mà chủ đầu tư lắp đặt ở các căn hộ chỉ có hai chức năng là thẻ từ và khóa cơ.

Việc khách hàng "vỡ mộng" khi nhận nhà thực tế khác với nhà mẫu không phải là chuyện hiếm. Một dự án chung cư cao cấp trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) thời gian vừa qua cũng "dậy sóng" khi chủ đầu tư đưa ra căn hộ mẫu với hành lang rộng, nhưng toà nhà bàn giao cho khách hàng có hành lang chỉ rộng hơn 1,4 mét.

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội thừa nhận, khi mở bán dự án, chủ đầu tư nào cũng cam kết với khách hàng là những gì quảng cáo sẽ giống với dự án, căn hộ thật trong tương lai. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Không ít chủ đầu tư đã quảng cáo "hơi quá đà" về dự án của mình để hấp dẫn khách hàng.

Trong khi đó, pháp luật hiện chưa có quy định về việc quảng cáo bán hàng, xây dựng nhà mẫu cho dự án bất động sản. Chủ đầu tư đua nhau xây nhà mẫu quảng cáo cho nhà thật nhưng về chất lượng, thiết kế những nhà mẫu này không có cơ quan nào giám sát, quản lý mà dựa hoàn toàn vào uy tín của chủ đầu tư. Chính điều này tạo ra rủi ro cho người mua, dẫn đến phát sinh tranh chấp về diện tích, chất lượng nội thất căn hộ.

Chủ đầu tư thiệt hại tiền tỷ

Không chỉ thương hiệu, uy tín bị tổn hại nghiêm trọng, một số chủ đầu tư còn "thiệt hại" hàng chục tỷ đồng để khắc phục "lỗi" quảng cáo khác với thực tế. 

Như tại một dự án ở khu Trung Hoà - Nhân Chính, khách hàng phát hiện nhà mẫu được lắp camera có hình ở ngay cửa căn hộ, nhưng căn hộ bàn giao thực tế lại chỉ có lỗ quan sát ở cửa ra vào. Sau khi cư dân đấu tranh quyết liệt, chủ đầu tư buộc phải nhượng bộ, chi thêm tiền để lắp đặt camera có hình ở từng cửa căn hộ.

Hay như ở dự án trên đường Trần Duy Hưng, sau khi nhiều khách hàng rầm rộ diễu phố phản đối hành lang hẹp, chủ đầu tư đã phải chấp nhận chi thêm hàng chục tỷ đồng để lắp đặt điều hoà cho hàng lang và đầu tư hệ thống cảnh quan.

Theo giám đốc một đơn vị phân phối bất động sản, khách hàng hiện nay đang ngày càng kỹ tính hơn đối với sản phẩm nhà ở và khi có bất cứ sự thay đổi nào trong dự án không đúng với quảng cáo trước đó thì ngay lập tức, chủ đầu tư sẽ phải đối diện với sự phản ứng của khách hàng.

Có thể màu sơn và vật liệu trang trí khối đế bên ngoài tòa nhà không thuộc cam kết của chủ đầu tư theo hợp đồng mua bán căn hộ, nhưng nếu chủ đầu tư thay đổi mà không thông báo cho khách hàng thì cũng dễ lãnh hậu quả khi bàn giao.

Vị giám đốc này cho rằng trong trường hợp chủ đầu tư buộc phải thay đổi một số hạng mục trong dự án và cho dù sự thay đổi đó giúp chất lượng dự án tốt hơn, thì chủ đầu tư cũng nên xin ý kiến khách hàng. Đây cũng là cách chủ đầu tư thể hiện sự tôn trọng, trách nhiệm đối với khách hàng cũng như thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay không chỉ chăm chút mà còn thận trọng với những hình ảnh của bản vẽ phối cảnh khi ghi chú trong các tài liệu bán hàng rằng những hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ và thực tế có thể thay đổi. Nhưng một số chủ đầu tư vẫn chưa để ý những chi tiết tưởng như nhỏ như vậy và rất dễ bị khách hàng bắt lỗi khi bàn giao nhà.