Lo chồng lấn dự án điện gió tại Lạng Sơn, nhà đầu tư Mỹ lên tiếng

Nguyễn Cảnh - 14:42, 20/08/2022

TheLEADERNhà đầu tư Mỹ đề nghị tỉnh Lạng Sơn không cấp phép khảo sát dự án trùng lặp ranh giới với dự án điện gió mà doanh nghiệp này đang theo đuổi.

Lo chồng lấn dự án điện gió tại Lạng Sơn, nhà đầu tư Mỹ lên tiếng
Giống như việc TRE bị tỉnh Lạng Sơn chưa đồng ý cho phép lắp cột đo gió (với lý do khả năng ảnh hưởng của dự án đến yếu tố quốc phòng, an ninh), rất có thể dự án Ái Quốc (mà GE Việt Nam đeo đuổi) cũng khó lòng nhận được chấp thuận cuối cùng từ địa phương trong công tác đo gió.

Sau gần 2 năm tìm hiểu, đặt vấn đề khảo sát các dự án điện gió tại tỉnh Lạng Sơn, Công ty TNHH GE Việt Nam (100% vốn của tập đoàn GE, Hoa Kỳ) đang nhận được chủ trương đồng thuận bước đầu từ chính quyền địa phương.

Cụ thể, GE Việt Nam được UBND và Sở Công thương tỉnh cấp phép nghiên cứu khảo sát 2 dự án điện gió trị giá khoảng 19.000 tỷ đồng (Ái Quốc công suất 253MW và Chi Lăng 165MW). Cách đây vài tháng, tỉnh đã đề xuất Bộ Công thương đưa 2 dự án này vào Quy hoạch điện VIII.

Hiện tại, nhà đầu tư đang triển khai khảo sát đo gió với những cơ sở pháp lý như: Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu đã đồng ý và cấp phép chiều cao tĩnh không cho toàn bộ 4 cột đo gió phục vụ nghiên cứu khảo sát của 2 dự án; tỉnh Lạng Sơn đã chấp thuận cho phép xây dựng 2 trụ đo gió tại huyện Chi Lăng để phục vụ dự án điện gió Chi Lăng (dự kiến hoàn thiện và vận hành chính thức từ 10/8/2022).

Đối với điện gió Ái Quốc (huyện Lộc Bình), GE Việt Nam vẫn đang chờ quyết định từ UBND tỉnh liên quan tới việc lắp đặt 2 trụ đo gió. Nhà đầu tư cho biết đã có tờ trình và hoàn thành một số công tác chuẩn bị như: ký hợp đồng và thanh toán một phần giá trị hợp đồng cho nhà thầu và các đơn vị tư vấn, thiết bị đã được đặt hàng và tiếp nhận lưu kho...

Tuy nhiên, hiện tại nhà đầu tư đang đặc biệt lo ngại về việc địa phương cấp phép khảo sát cho dự án khác có phạm vi, ranh giới chồng lấn với dự án điện gió Ái Quốc.

Theo đó, GE Việt Nam cho biết Công ty CP Công nghệ tài nguyên năng lượng (gọi tắt là TRE) đã và đang có ý định thực hiện công tác khảo sát đo gió trong phạm vi khảo sát của dự án Ái Quốc. Cụ thể, TRE đã xin UBND tỉnh (hồi tháng 1/2022) việc nghiên cứu khảo sát vùng diện tích có trùng lặp với khu vực nghiên cứu khảo sát mà GE Việt Nam đã được tỉnh và Sở Công thương chấp thuận trước đó.

Việc nghiên cứu khảo sát trùng lặp sẽ gây rất nhiều hệ lụy pháp lý và các vấn đề tranh chấp giữa các nhà đầu tư. 

Đồng thời, nhà đầu tư này cũng cho rằng, các tỉnh khác trên cả nước đều không cho phép nghiên cứu trùng lặp giữa các dự án. 

Chính vì vậy, với vai trò là một nhà đầu tư của Mỹ suốt gần 30 năm tại Việt Nam, GE Việt Nam đề nghị tỉnh Lạng Sơn không cấp phép cho nghiên cứu khảo sát dự án có trùng lặp về ranh giới để tránh xung đột giữa các nhà đầu tư và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương.

Đặc biệt, căng thẳng lên cao trào, khi TRE tiếp tục đề xuất tỉnh Lạng Sơn (vào trung tuần tháng 7 vừa qua) cho phép lắp đặt 2 trụ đo gió ngay trong khu vực khảo sát của dự án Ái Quốc. Việc này, theo GE Việt Nam nhận định, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thực hiện dự án và chi phí đầu tư của công ty này. 

Đồng thời, điện gió Ái Quốc là một trong 2 dự án trọng điểm của GE Việt Nam đang thực hiện và cam kết đầu tư tại Việt Nam. Việc đầu tư này cũng đã nhận được quan tâm và ủng hộ rất lớn từ Đại sứ quán Hoa Kỳ và lãnh đạo các cấp của Việt Nam thời gian gần đây.

Tuy nhiên, cần nhắc lại về mặt hồ sơ pháp lý, điện gió Ái Quốc 253MW thực chất mới chỉ được tỉnh đề xuất đưa vào Quy hoạch điện VIII và việc lắp dựng 2 trụ đo gió cho dự án này vẫn đang chờ quyết định cuối cùng từ UBND tỉnh Lạng Sơn.

Từ đây, GE Việt Nam đề nghị Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh sớm ra kết luận và cho phép nhà đầu tư được tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt 2 cột đo gió cho điện gió Ái Quốc. Việc kéo dài sẽ gây khó khăn và thiệt hại kinh tế cho công ty khi các hợp đồng kinh tế đã ký và mua sắm thiết bị.

Đồng thời, không cấp phép cho bất kỳ công ty nào khác thực hiện nghiên cứu khảo sát, dựng trụ đo gió trong phạm vi chồng lấn hoặc quá gần các dự án lân cận đang triển khai vì việc này dễ gây xung đột và ảnh hưởng đến cam kết đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại tỉnh Lạng Sơn.

Ở diễn biến liên quan mới nhất, chỉ vài ngày sau khi GE Việt Nam lên tiếng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có chỉ đạo cụ thể đối với đề nghị lắp đặt cột đo gió của TRE. Cụ thể, UBND tỉnh chưa xem xét đề nghị lắp cột đo gió tại xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình của TRE với lý do: các ngành chức năng của tỉnh Lạng Sơn đang đánh giá việc ảnh hưởng của dự án đến yếu tố quốc phòng, an ninh.

Đầu năm 2022, Công ty CP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng (TRE) đề nghị thực hiện 3 dự án gồm: Điện gió Hữu Lũng (quy mô khảo sát khoảng 1.000ha tại 3 xã thuộc huyện Hữu Lũng) có quy mô 80-100MW, tổng mức đầu tư khoảng 3.500-4.500 tỷ đồng; điện gió Chi Lăng (1.450ha tại 3 xã thuộc huyện Chi Lăng và Lộc Bình) công suất từ 120-150MW, tổng mức đầu tư 5.500-7.000 tỷ đồng; điện gió Ái Quốc (3.800ha tại huyện Lộc Bình, Đình Lập), công suất khoảng 180-230MW, tổng mức đầu tư 8.000-10.000 tỷ đồng.

Công ty CP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng (TRE) cũng khá nổi tiếng với việc sở hữu 2 doanh nghiệp chủ đầu tư (nắm giữ 2 dự án điện gió trị giá hơn 7.000 tỷ đồng tại Gia Lai thời gian qua).

Năm 2020, TRE thành lập một loạt pháp nhân trong lĩnh vực điện tái tạo với quy mô vốn rất lớn, như Công ty CP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng Tây Nguyên (vốn 980 tỷ đồng), Công ty CP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng Hà Tĩnh (vốn 450 tỷ đồng), Công ty CP Phong điện Tân Yang Đak Pơ (vốn 636 tỷ đồng)...

TRE cũng hướng chú ý tới lĩnh vực bất động sản khi trong năm 2021 vừa qua đã đề xuất với tỉnh Bắc Giang việc đầu tư dự án Bắc Giang River Park có diện tích lên tới 285ha tại xã Tân Mỹ, TP. Bắc Giang.