Lợi nhuận doanh nghiệp ngành bia sa sút

Trần Anh - 09:49, 01/02/2024

TheLEADERCác doanh nghiệp ngành bia đều chứng kiến kết quả kinh doanh tụt dốc do ảnh hưởng từ kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng như xu hướng giảm tiêu thụ của người dùng.

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) công bố kết quả kinh doanh quý 4/2023 với doanh thu thuần đạt hơn 8.500 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng với sụt giảm doanh thu, Sabeco đã giảm 51% chi phí tài chính và 17% chi phí bán hàng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp và các khoản chi phí khác vẫn tăng so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, lãi sau thuế của Sabeco vẫn chỉ đạt 970 tỷ đồng, giảm 10%.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của Bia Sài Gòn đạt hơn 30.400 tỷ đồng, giảm tới 13% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu bán bia giảm 12%, đạt gần 27.000 tỷ đồng. Lãi ròng theo đó giảm 23%, chỉ đạt hơn 4.200 tỷ đồng.

Năm 2023, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu 40.272 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 5.775 tỷ đồng. Như vậy, Sabeco chỉ đạt lần lượt 75% và gần 73% kế hoạch đã đề ra.

Lý giải về kết quả sa sút, ban lãnh đạo Sabeco cho biết doanh thu thuần năm vừa qua sụt giảm do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường bia, cầu tiêu dùng giảm, cùng với việc thực hiện chặt chẽ của Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào và chi phí quản lý cao hơn, phần lãi trong liên doanh, liên kết thấp hơn, mặc dù được bù đắp một phần bởi doanh thu tài chính.

Trong năm 2023, Sabeco chỉ chi hơn 2.800 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi, giảm hơn 250 tỷ đồng so với năm 2022.

Cùng với Sabeco, Habeco cũng vừa ghi nhận một năm kinh doanh đi lùi. Doanh nghiệp ghi nhận 7.700 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8% so với năm 2022. Lãi ròng ghi nhận giảm hơn 29%, chỉ đạt 355 tỷ đồng.

Habeco cho biết, nguyên nhân khiến doanh thu năm nay đi xuống chủ yếu do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia và xu hướng tiêu dùng của người dân giảm trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều biến động. 

Ngoài ra, việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn vào những tháng cuối năm 2023 cũng khiến doanh thu công ty bị ảnh hưởng.

Năm qua, Habeco đã mạnh tay cắt giảm chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ, xuống chỉ còn 579 tỷ đồng so với mức 700 tỷ đồng của năm 2022. Đây là loại chi phí 'tốn kém' nhất của Habeco, chiếm tỷ trọng 48% trong cơ cấu chi phí bán hàng năm 2022 và trước đó là 54% năm 2022.