Mitsubishi rút khỏi dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân 3

Phạm Sơn - 17:13, 26/02/2021

TheLEADERTập đoàn Nhật Bản Mitsubishi quyết định rút khỏi dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 tại Việt Nam do những lo ngại về biến đổi khí hậu.

Mitsubishi rút khỏi dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân 3
Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3.

Dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 là nhà máy nhiệt điện than lớn nhất năm trong khu Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2024 với công suất lắp đặt 1.980 MW, sản lượng điện bình quân đạt hơn 12 tỷ kWh mỗi năm.

Với sản lượng trên, Bình Tân 3 được kỳ vọng sẽ là nguồn đóng góp quan trọng cho lưới điện miền Nam, phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong tương lai tới.

Dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư BOT, được Chính phủ giao cho Công ty Cổ phần năng lượng Vĩnh Tân 3, trong đó Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chiếm 29%, Công ty One Energy Ventures Ltd chiếm 49%. Được biết, One Energy Ventures Ltd là liên doanh giữa tập đoàn Mitsubishi và tập đoàn CLP đến từ Hong Kong.

Tờ Nikkei Asia Review cho biết, trước Mitsubishi, nhiều nhà đầu tư đã rút khỏi dự án này, bao gồm Standard Chartered và Ngân hàng HSBC.

Trước đó, dự án nhiệt điện than Vũng Áng 2 có sự đầu tư của Mitsubishi cũng bị cộng đồng lên án mạnh mẽ, bao gồm cả nhà hoạt động vì môi trường nhỏ tuổi Greta Thunberg. Đáp lại những ý kiến trái chiều, Tập đoàn Mitsubishi đã đưa ra cam kết sẽ không tham gia xây dựng thêm bất cứ nhà máy nhiệt điện than nào khác sau dự án Vũng Áng 2.

Giải thích về nguyên nhân rút vốn khỏi Bình Tân 3, đại diện tập đoàn Mitsubishi cho biết đang có kế hoạch đầu tư vào những dự án năng lượng sạch, ít gây hại cho môi trường hơn như điện mặt trời và điện khí thiên nhiên hóa lỏng.

Dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 là dự án nguồn điện ngoài của EVN, đang trong tình trạng chậm tiến độ so với quy hoạch do kéo dài thời gian làm thủ tục, ký kết hợp đồng BOT, mặc dù Công ty Cổ phần năng lượng Vĩnh Tân 3 đã theo đuổi dự án từ năm 2009. Tính đến cuối năm 2019, Công ty Cổ phần năng lượng Vĩnh Tân 3 chịu khoản lỗ lũy kế lên tới gần 60 tỷ đồng.

Vướng mắc của dự án nằm ở khâu ký kết hợp đồng BOT với Bộ Công thương. Theo đó, mặc dù đã thống nhất các điều khoản, việc ký chính thức hợp đồng BOT chỉ có thể diễn ra khi công ty chuyển đổi sang mô hình trách nhiệm hữu hạn, thay vì mô hình cổ phần như hiện tại, để đảm bảo doanh nghiệp dự án không bán cổ phần ra ngoài.