Mỏ vàng của Bắc Giang

Đặng Hoa - 14:22, 13/06/2023

TheLEADERBằng những bước đi chiến lược, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được nhắc đến như một thứ quả mang đẳng cấp thế giới.

Mỏ vàng của Bắc Giang
Xe vải xếp hàng dài trên cầu phao Kim từ sáng sớm. Ảnh: Hoàng Anh

Nhộn nhịp vụ vải sớm 

Mới đầu vụ thu hoạch nhưng thủ phủ vải thiều Lục Ngạn đã rất sôi động, tấp nập bán mua. Liên tục trong nhiều ngày qua, từ sáng sớm, những xe vải đã xếp hàng dài trên cầu phao Kim nóng lòng chờ được đẩy lên dốc để ra điểm thu mua tập trung. 

Ghé bên đường dựa lưng vào bờ tường lau mồ hôi, tranh thủ uống vội ngụm nước, ông Hiền nhìn xuống đoàn xe máy thồ những sọt vải đỏ tươi, căng mọng nối dài từ bên kia cầu hướng từ xã Mỹ An (Lục Ngạn, Bắc Giang) về Quốc lộ 31 đang xếp hàng chờ để được đẩy lên dốc trên đường ra điểm thu mua tập trung.

Đã hơn mười ngày kể từ đầu vụ thu hoạch vải sớm vào cuối tháng 5/2023, ngày nào ông Hiền cũng tham gia nhóm đẩy xe cho bà con từ lúc 5 giờ sáng. Mỗi một lượt đẩy, ông thu 10 nghìn đồng. Tính sơ sơ, mỗi buổi sáng ông kiếm được 400-500 nghìn đồng.

Để tiết kiệm tiền đẩy, một cặp vợ chồng ở xã Mỹ An dùng thuyền chở vải qua sông rồi gánh lên điểm bán. Trở về thuyền, họ không quên cầm một chùm vải trên tay trao cho vị khách đến từ Hà Nội với nụ cười mang niềm tự hào của người trồng nên thức quà đặc sản “miền trái ngọt”.

7 giờ sáng, Quốc lộ 31 qua “thủ phủ” vải Bắc Giang đỏ rực màu của vải và của sự nóng lòng hiển hiện trên gương mặt mỗi người trong một ngày hè tháng Sáu. Chỉ một đoạn đường dài chừng hơn 1km nhộn nhịp xe container hai bên đường, dòng xe máy tìm cách luồn lách ra, vào điểm bán. Tiếng người mặc cả, ngã giá, tiếng còi xe chở công nhân đến khu công nghiệp bị tắc ngay giữa ngã ba đường không thể tiến cũng chẳng thể lui.

Dù chuẩn bị bước vào đợt cao điểm của vụ vải năm nay nhưng thực trạng chậm tiến độ cả ba gói thầu thuộc Dự án nâng cấp Quốc lộ 31 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông của các phương tiện.

“Hàng này 6 nghìn thôi” - “Không, 12 nghìn mới bán được”! Một cuộc mặc cả bất thành giữa một nhà buôn và người trồng vải.

Người thương lái chê hàng không đủ đẹp, lại thêm lý do sau Covid khó khăn khiến người dân tằn tiện hơn trong chi tiêu. Chia sẻ với phóng viên, chị này cho biết giá năm nay thậm chí rẻ hơn một nửa so với năm ngoái. Chị bày tỏ sự đồng cảm với nỗi vất vả của bà con nông dân và mong sẽ có các nhà đầu tư hỗ trợ đầu ra cho bà con vì “vải này không được như hàng có thương hiệu”.

Anh Hiển, một người thu mua vải về bán tại Hưng Yên cho biết, giá vải năm nay rẻ hơn một chút vì chất lượng vẫn tốt nhưng mẫu mã hơi kém hơn: “Năm nay thời tiết không ưu ái cho vải, bị xám quả và rụng nhiều”.

Hơn thế nữa, thương lái Trung Quốc đổ về Bắc Giang ít hơn đã khiến cho giá vải không được đẩy lên cao ở thời điểm này. Anh cho biết, nếu Trung Quốc thiếu hàng thì có thể đẩy giá khá mạnh, chẳng hạn từ 12 nghìn lên đến 18-19 nghìn đồng mỗi cân. Một lý do được đưa ra là có thể vải chưa vào chính vụ.

Đứng cạnh một chiếc container cỡ lớn đang được sắp vải lên để chở về miền Trung, ông Lương, một thương lái đến từ Huế cho biết, năm nay, ông nhập vải sớm của người dân với giá từ 6-7 nghìn đồng/kg. Vải Thanh Hà thường có giá 6 nghìn đồng, thậm chí 5,5 nghìn đồng. Còn vải U Hồng đẹp hơn được nhập với giá 7 nghìn đồng mỗi kg. Ông cho biết, giá bán đến các nhà buôn ở miền Trung tầm 15-17 nghìn đồng mỗi kg và được bán ra cho người dân với giá trên 20 nghìn đồng.

Nhập cho bà con với giá cao hơn một chút, khoảng 8-9 nghìn đồng mỗi kg, một gia đình chuyên nhập để bán cho công ty sản xuất vải đóng lon tỏ ra khá kén chọn khi từ chối không ít sọt vải của bà con. Họ cho biết: “vải sớm năm nay chán lắm”.

“Vải năm nay mất mùa” là chia sẻ của nhiều người dân sau khi sọt vải của mình được bán thành công và xếp lên xe. Cầm trên tay 520 nghìn đồng sau khi bán 65kg vải, chú Lâm cho biết vải năm nay không được đẹp do mưa và sương muối nhiều khiến giá không cao trong khi vốn bỏ ra lại rất “đậm”. Mỗi năm, sản lượng vải của nhà chú đạt hơn chục tấn nhưng riêng tiền phân bón đã gần 30 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác.

Tự hào sở hữu một trong những xe vải đẹp nhất chợ, anh Dũng cầm trên tay tấm phiếu sau khi đã chốt giá được 13 nghìn đồng/kg. Anh cho biết, cùng thời điểm này năm ngoái, sọt vải của anh có giá 19 nghìn đồng.

“Năm nay mất mùa do thời tiết. Cây ra hoa, đậu quả 100% nhưng đến tầm ngón tay là rụng mất khoảng 2/3. Hàng vẫn bán hết nhưng tiêu thụ chậm. Năm ngoái được mùa thì lại bán đắt”, anh Dũng tiếc nuối.

Niềm vui nhân lên nhờ gia tăng giá trị quả vải

Có cảm xúc trái ngược, bà Đỗ Thị Hằng, Giám đốc Công Ty CP Công nghiệp nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng Lục Ngạn chuyên hợp tác với bà con sản xuất vải theo hướng hữu cơ để xuất khẩu lại vui mừng cho biết: Vải năm nay được mùa.

Đứng bên gian hàng trưng bày các sản phẩm vải đóng hộp xuất khẩu qua châu Âu bên lề hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải của huyện Lục Ngạn, bà Hằng tự tin khẳng định công ty bà sở hữu đơn hàng xuất khẩu lớn nhất huyện. Chỉ trong hội nghị, Kim Hằng đã ký hợp đồng xuất 1.500 tấn vải sang Trung Quốc – một thị trường đang dần khó tính hơn.

Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trong suốt nhiều năm qua đã mang lại “quả ngọt” đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cũng trưng bày sản phẩm bên lề hội nghị, một hộp vải tươi nặng 400gr được chứng nhận OCOP 3 sao của Công ty Lục ngạn xanh được bán ra với giá 65 nghìn đồng.

Ông Ngô Văn Hùng, thành viên của hợp tác xã Thanh Hải áp dụng mô hình sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ để xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu cho biết, vải có giá 6-8 nghìn đồng đa phần ở trên đồi, không được trồng và chăm sóc theo quy trình nên chất lượng thấp. Với diện tích trồng 2ha, mỗi mùa nhà ông Hùng thu hoạch 21,5 tấn vải. Năm ngoái, toàn bộ vải được bán hết tại vườn cho khách du lịch lên tham quan với giá 35 nghìn đồng mỗi kg.

Cuối tháng 5/2023, công ty Kim Hằng Lục Ngạn đã ký kết với Công ty CP Gap Việt Nam để sử dụng phân bón hữu cơ Gap đối với vùng trồng vải Phượng Sơn (Lục Ngạn). Trước đó nhiều năm, công ty này cũng đã hợp tác với Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ nông nghiệp An Đô trong việc sử dụng phân bón vi sinh cho cây vải trong vùng trồng thuộc hợp tác xã Thanh Hải.

Bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty An Đô còn là đơn vị bao tiêu sản phẩm hướng hữu cơ cho nhiều hộ dân để mang xuống Hà Nội tiêu thụ cho biết, mặc dù theo đuổi sản xuất theo hướng hữu cơ đã lâu nhưng đến nay vẫn chỉ đang ở mức nhen nhóm tại Lục Ngạn. Việc thuyết phục người dân chuyển đổi rất khó do họ đã quen với canh tác truyền thống lâu năm. Theo bà Tú Anh, canh tác theo mô hình này rẻ nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn, cam kết và tâm huyết rất lớn của người nông dân.

“Muốn thay đổi thói quen của người dân, ngoài dùng các mô hình hiệu quả để chứng minh, cần có sự vào cuộc của chính quyền”, bà Tú Anh nói. Làm việc với các hợp tác xã nhiều năm nay, nữ doanh nhân cảm thấy may mắn vì có được sự đồng hành của chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải là một ví dụ điển hình khi có tâm huyết lớn trong việc thúc đẩy sản xuất hữu cơ trên địa bàn xã. Sau khi đã triển khai thành công một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, lãnh đạo xã Thanh Hải cho biết sẽ xây dựng thương hiệu xã nông nghiệp hướng hữu cơ chứ không chỉ là câu chuyện của một hợp tác xã, thôn bản hay hộ dân.

Cục vàng của Bắc Giang 4
Vườn vải áp dụng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ ở xã Thanh Hải. Ảnh: Hoàng Anh

Năm nay, huyện Lục Ngạn có thêm nhiều cách làm mới nhằm nâng cao giá trị quả vải, như xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm hái vải thiều hay bán vải nguyên cả cây. Trong lần đến Lục Ngạn để làm việc vào ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đặt mua cả một cây vải thiều trong khu vườn trồng vải xuất khẩu đi Nhật Bản của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Quý Sơn, tăng thêm tinh thần và động lực sản xuất vải chất lượng cao cho địa phương này.

Tại Bắc Giang, công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm trong những năm qua với việc chỉ đạo các sở, ngành thực hiện nhiều giải pháp. Nổi bật trong đó là mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, tăng cường tuyên truyền về sản xuất vải thiều an toàn, hướng dẫn vệ sinh vườn trồng, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra an toàn, chất lượng đồng đều, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Vào mùa nắng nóng kéo dài, thiếu điện, lãnh đạo huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang ưu tiên đảm bảo điện cho các doanh nghiệp sản xuất, trong đó có các xưởng sản xuất, vùng đóng gói và bảo quản vải thiều, giúp bà con tiêu thụ vải thuận lợi.

Thông tin từ Sở Công thương Bắc Giang cho thấy, năm nay, tổng diện tích vải thiều của tỉnh đạt 29,7 nghìn ha (tăng 1,4 nghìn ha so với năm 2022). Sản lượng ước đạt hơn 180 nghìn tấn, trong đó vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 113,8 nghìn tấn, vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP khoảng 1 nghìn tấn.

Riêng huyện Lục Ngạn, Chủ tịch UBND huyện La Văn Nam cho biết, tổng diện tích sản xuất vải đạt 17.000 ha, trong đó có gần 13.500 ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Dự kiến sản lượng toàn huyện đạt khoảng 98.000 tấn.

Dự kiến vải thiều sớm thu hoạch từ ngày 25/5 đến 15/6, vải chính vụ từ ngày 10/6 đến 30/7; tiêu thụ nội địa chiếm 45%, còn lại xuất khẩu. Tại thị trường nội địa, kênh phân phối chính vẫn thông qua thương nhân, chợ đầu mối cũng như trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, các sàn thương mại...

Thừa nhận những khó khăn trong việc thuyết phục người dân chuyển đổi sang canh tác hướng hữu cơ nhưng anh Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu cho rằng, dễ hay khó phụ thuộc đầu ra.

“Việc đảm bảo giá ổn định và đầu ra thì bà con sẽ làm theo chứ chỉ mỗi vận động hay tuyên truyền thì sẽ không có kết quả vì người dân vẫn phải đem hàng ra chợ bán và vẫn theo quy luật thị trường trong khi chăm sóc vất vả hơn”, anh Hưng nói. 25 nghìn đồng mỗi kg là giá bảo hiểm mà Toàn Cầu đảm bảo cho người dân trồng vải.

Như lời người thương lái nọ, người trồng vải nói riêng và làm nông nghiệp nói chung cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp để không chỉ có động lực trồng vải chất lượng cao hơn từ việc bao tiêu đầu ra mà còn thu nhập tốt hơn khi các doanh nghiệp với tiềm lực tốt có thể mang vải đi xa hơn, xuất khẩu có thương hiệu sang các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, Đức… với nhiều sản phẩm đa dạng mang giá trị cao hơn.

Còn nhớ cách đây vài năm, hình ảnh một hộp vải Lục Ngạn 12 quả căng mọng được bán ở Nhật Bản với giá 1 triệu đồng đã khiến góc nhìn về quả vải nói riêng và nông nghiệp nói chung trở nên khác biệt. Vải Bắc Giang đã được nhắc đến như một thứ quả mang đẳng cấp thế giới chứ không còn là câu chuyện được mùa mất giá. Thậm chí ngay cả khi ngoại cảnh khiến việc xuất khẩu gặp khó thì người dân và doanh nghiệp Bắc Giang trong vài năm gần đây đã chủ động đầu tư thiết bị bảo quản, đóng gói, sấy vải, góp phần tiêu thụ vải thuận lợi hơn.

Gần đây, nhà máy của Công ty Toàn Cầu được đầu tư hàng triệu USD để nâng cấp chất lượng của các dây chuyền sản xuất rau củ quả tươi, đóng hộp, rau của quả xay nhuyễn, rau của quả đông lạnh và nước ép trái cây. Đặc biệt, công ty này tự tin có dây chuyền bảo quản vải tươi hàng đầu Việt Nam.

'Mỏ vàng' của Bắc Giang 3
Bà Nguyễn Thị Thảo, Giám đốc mua hàng cấp cao WinCommerce. Ảnh: Hoàng Anh

Năm nay, hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market… của Central Retail, hệ thống siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+ tiếp tục góp sức lớn trong việc xúc tiến tiêu thụ vải Bắc Giang. 

Các hoạt động lớn như lễ hội trái cây tại siêu thị và đẩy mạnh tiêu thụ qua các kênh trực tuyến đã và đang được các doanh nghiệp này tích cực triển khai.

Năm 2023, Central Retail tiêu thụ khoảng 300 tấn vải thiều cùng 2 nghìn tấn nông sản, thực phẩm khác của Bắc Giang. Hệ thống siêu thị và cửa hàng của WinCommerce cũng dự kiến tiêu thụ 200 tấn vải thiều Bắc Giang trong năm nay.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Giám đốc mua hàng cấp cao WinCommerce cho biết, đồng hành sát sao cùng người nông dân cùng với đầu tư hệ thống logistics và trung tâm phân phối trải dài khắp cả nước là chiến lược của WinCommerce để đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, trong trạng thái mới và tươi nhất. Hãng đang cố gắng rút ngắn thời gian quả vải từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng trong vòng 24 giờ, kể cả những vùng nông thôn xa xôi.

Lãnh đạo đơn vị bán lẻ đưa quả vải việt Nam sang cả siêu thị ở Thái Lan, Phó chủ tịch của Central Retail tại Việt Nam Paul Lê cho rằng, điều quan trọng là phải đầu tư logistics và các sáng kiến bảo quản lạnh hiệu quả nếu muốn mang vải đi xa tới châu Âu, Mỹ, Nhật… Xuất khẩu là phải có thương hiệu với bao bì, mẫu mã đẹp để khách hàng ăn và nhớ trái vải đến từ Bắc Giang, Việt Nam. Còn dồn lên xe tải và bán trong nước thì sẽ bị chia tới 10 lần giá trị.

'Mỏ vàng' của Bắc Giang 4
Ông Paul Lê, Phó chủ tịch của Central Retail tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

Mới đây, ngành đường sắt vừa vận chuyển thử nghiệm thành công lô vải thiều tươi Lục Ngạn (Bắc Giang) bằng container lạnh trên tàu liên vận quốc tế xuất khẩu sang Trung Quốc qua ga Kép, tránh được tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, nhờ đó nhanh chóng vận chuyển chính thức vải thiều tươi đang vào mùa vụ 2023.

“Xuất khẩu vải thiều qua đường sắt đòi hỏi các thủ tục như xuất khẩu chính ngạch nên Công ty sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng dẫn chi tiết, cụ thể các phần việc để hỗ trợ khách hàng vận chuyển bằng đường sắt thuận lợi nhất”, ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) khẳng định.

10 giờ đêm trước ngày diễn ra hội nghị xúc tiến, ông Paul Lê đã một mình ăn hết 1kg vải Bắc Giang vì quá thơm, ngon và ngọt. Ông khẳng định, vải Việt Nam chắc chắn đứng đầu thế giới.

“Vải châu Phi cũng được xuất khẩu sang châu Âu nhưng vải Việt Nam ngon hơn nhiều, phải bảo vệ như cục vàng của mình”, lãnh đạo Central Retail nói.