Mỹ và Nga mong chờ gì ở lần gặp mặt đầu tiên?

Hồng Hải - 20:05, 16/07/2018

TheLEADERTheo kế hoạch, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Donald Trump sẽ gặp nhau tại Phần Lan trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên.

Mỹ và Nga mong chờ gì ở lần gặp mặt đầu tiên?
Hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc đứng đầu thế giới bên lề hội nghị cấp cao APEC. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai quốc gia đang ở mức thấp chưa từng thấy kể từ chiến tranh lạnh, cả hai nhà lãnh đạo sẽ cần phải đạt được những kết quả tích cực trước khi bước ra khỏi cuộc họp.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, không bên nào tìm cách gia tăng những kì vọng. Hầu hết những người quan sát bên ngoài đều cho rằng giữa ông Trump và Putin sẽ chỉ đơn giản là những lời trao đổi đơn giản trước khi có khả năng xảy ra một thỏa thuận về một số chủ đề như kiểm soát vũ khí hạt nhân hay Syria.

Trên thực tế, việc cuộc gặp mặt lần này có thể diễn ra được đánh giá là một chiến thắng dành cho điện Kremlin khi quốc gia này đã tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh từ lâu nhưng đều bị đẩy lùi bởi Washington, AFP dẫn lời nhà phân tích Andrei Baklitsky.

Các cuộc xung đột tại Syria và Ukraine, cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ cũng như những biện pháp trừng phạt từ phương Tây đã gây ra nhiều căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Tại lần gặp mặt này, không ít người mong chờ vào những quyết định mang tính đột phá.

Theo nhà phân tích chính trị Alexei Malashenko, hội nghị lần này với Tổng thống Mỹ Donald Trump là "sự công nhận không chính thức nước Nga là một cường quốc", AFP dẫn lời.

Tổng thống Nga Putin có thể thuyết phục ông Trump nhằm đạt được một vị trí linh hoạt hơn trong cuộc chiến tại Syria cũng như kì vọng việc giảm cường độ hoạt động của Mỹ tại quốc gia này. Bất kỳ sự thỏa hiệp nào tại đây cũng được đánh giá là một chiến thắng cho Moscow.

Theo đánh giá của Christopher Granville, chuyên gia và giám đốc điều hành của TS Lombard tại Nga đưa ra với CNBC mới đây, "Syria có thể là một trong những chủ đề hàng đầu trong bối cảnh cùng chia sẻ kiểm soát vũ khí giữa hai bên".

Dù thế nào, chủ đề trên cũng dễ dàng được đề cập đến hơn so với cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine, vấn đề được xem là nhạy cảm hơn với nước Nga.

Về phía Mỹ, nhiều nhà phân tích cho rằng điều giá trị với ông Trump chính là đặt bản thân vị tổng thống vào trung tâm chính sách đối ngoại của Mỹ.

"Ông Trump mong muốn được xem là người duy nhất đưa ra những quyết định và là một người thỏa thuận giỏi. Đó mới là nhận thức quan trọng nhất với ông Trump chứ không phải là những gì ông thực sự nhận được", ông William Pomeranz, phó giám đốc Viện Kennan của Wilson Center cho biết với AFP.

Chia sẻ cùng quan điểm, không ít người cũng cho rằng ông Trump sẽ sử dụng hội nghị lần này như một cơ hội tăng cường vị thế trong nước.

Trên trang Twitter cá nhân của mình, ông Donald Trump trước đó đã đăng tải dòng tweet: "Thật không may, dù tôi có làm tốt như thế nào tại hội nghị lần này, và nếu tôi được trao cho một thành phố lớn như Moscow vì những tội lỗi mà nước Nga đã làm trong những năm qua, tôi vẫn sẽ nhận lời chỉ trích vì như thế là chưa đủ".

Không chỉ vậy, vị tổng thống còn đổ lỗi cho những người tiền nhiệm khi đã khiến “mối quan hệ với Nga không bao giờ có thể tồi tệ hơn”.

Hội nghị thượng đỉnh tại Helsinki, Phần Lan là điểm đến cuối cùng trong chuyến công du châu Âu kéo dài một tuần của ông Trump sau hội nghị cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cuộc gặp tại nước Anh.