Ngẫm về dạy kỹ năng tài chính cho trẻ nhỏ

10:18, 20/02/2024
Nguyễn Anh Tài
Chuyên gia chính sách kinh tế - đầu tư

Cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhiều phụ huynh băn khoăn về việc sử dụng tiền mừng tuổi của con mình đặc biệt các cháu còn nhỏ.

Nhiều câu hỏi đặt ra là nên giữ hết tiền của các cháu hay giữ 1 ít để các cháu đỡ ấm ức trong lòng, gây ra mất vui những ngày đầu năm?

Để giải một phần nào cho nỗi lòng này của các bậc cha mẹ cũng như chính các em nhỏ tôi thấy rất cần thiết để các cháu hiểu về tiền bạc.

Trong hành trình nghiên cứu làm giàu bình an cho cả một đời người thì việc dạy cho biết về tài chính từ nhỏ, hiểu về lịch sử của tiền, cách đồng tiền vận hành, kỹ năng kiếm tiền, tiết kiệm tiền, đầu tư ở mức căn bản đến nâng cao là việc cần thiết. 

Một xã hội giàu có văn minh là một xã hội tập hợp được nhiều người kiếm tiền giỏi, đầu tư thông minh. Vì vậy, việc dạy cho trẻ nhỏ hiểu biết về tiền càng sớm càng tốt.

Những năm 2004 đến 2009 tôi hay đến Hồng Kông làm việc. Tôi rất thích đi tản bộ sau giờ gặp gỡ đối tác, dạo qua các quán cafe, lúc ấy Hồng Kông nhiều quán cà phê Starbucks. 

Nhiều em nhỏ học cấp 2, cấp 3 ngồi trong quán cafe học bài. Vừa uống ly nước vừa chăm chú vào các giáo trình, sách học, đôi khi cùng các bạn trong nhóm thảo luận. 

Cái tôi lưu tâm nhất là các bạn đều tự chia nhau thanh toán hóa đơn mua nước, mỗi bạn có cái ví tiền nhỏ nhiều ngăn, đựng các mệnh giá tiền lớn nhỏ khác nhau rất tươm tất. 

Tôi nhận thấy ý thức tiêu tiền và quản lý tiền của các bạn là giống nhau, hầu hết đều độc lập và bài bản.

Đi siêu thị, hay trên các food court (khu vực bán thức ăn tập trung có trên các siêu thị, trung tâm thương mại lớn) tôi đều thấy từng nhóm bạn đi với nhau hay thậm chí đi một mình cũng mua thức ăn thức uống rồi thanh toán tiền của chính mình, rồi lại bỏ tiền thừa vào trong cái ví nhỏ. 

Từ nhỏ các em đã được ông bà cha mẹ dạy cho cách sử dụng tiền và giữ tiền đúng cách. Thậm chí tư duy đầu tư cũng hình thành từ nhỏ qua hình ảnh mỗi sáng lúc đó, tại các nhà hàng lớn nhỏ đi ăn dimsum (ăn sáng với nhiều món bánh, mỳ…), uống trà thì thường mỗi người lớn tuổi đều cầm trong tay tờ báo về thị trường chứng khoán, các báo cáo tài chính của những công ty niêm yết. 

Câu chuyện cả xã hội bàn tán là đầu tư, mua cổ phiếu nào, bán cắt lỗ cổ phiếu nào, do đó không khó gì cho một trẻ nhỏ học lỏm một cách vô thức các kỹ năng đầu tư. 

Hồng Kông như một guồng quay với tài chính, thương mại ai đến cũng bị cuốn vào, thật hấp dẫn làm sao. Tôi càng thấm thía, vì sao Hồng Kông lúc đó được mệnh danh là thị trường tài chính của châu Á.

Những năm gần đây khi đến Úc tôi còn thấy các cháu học sinh nhỏ còn có các ví nhỏ đựng tiền xu riêng. Khi đi ăn uống gì, cha mẹ cho tiền giấy mệnh giá lớn, các cháu mua xong được trả lại tiền thừa bằng đồng xu thì dồn hết vào chiếc ví nhỏ, hoặc một chiếc túi tròn bằng vải rất xinh xắn. 

Hầu hết các cháu nhỏ cho đến các bạn sinh viên cũng không bỏ đồng xu lung tung trong túi áo, túi quần hay vứt bừa bãi trong nhà. 

Khi dồn lại nhiều bạn trẻ này tìm đến cây ATM ngân hàng, bỏ tất cả đồng xu vào đó và được cây ATM trả ra lại tiền giấy mệnh giá lớn của tổng số tiền của những đồng xu bỏ vào, cách đổi tiền này rất nhanh và tiện lợi tại Úc.

Đến Mỹ, thấy các em nhỏ cũng có điểm giống Úc dù thoải mái trong chi tiêu nhưng các em ấy phân định rất rõ, có hạn mức mỗi ngày bao nhiêu, phần của ai người đó thanh toán mỗi khi cả nhóm đi ăn uống và các em thường xuyên thảo luận về tài chính khi đang còn học cấp 2.

Sơ lược qua những câu chuyện sử dụng tiền và ý thức về tài chính của trẻ ở một số nước giàu có, thu nhập đầu người cao để thấy rằng tư duy tài chính cho trẻ em từ nhỏ là điều bình thường chứ không như suy nghĩ của số đông người lớn ở Việt Nam là nhạy cảm, là đánh mất sự vô tư, trong sáng của trẻ nhỏ. 

Điều quan trọng là cách giáo dục cho trẻ hiểu về tiền bạc như thế nào cho đúng mới là việc cần thảo luận.

Theo tôi, nên dạy cho trẻ nhỏ một số kiến thức và kỹ năng như: Lịch sử về sự hình thành nên tiền bạc, dạy sơ lược những mốc ra đời của tiền đồng, tiền giấy và vì sao cần có sự xuất hiện của tiền.

Tiền không tự nhiên có mà do công sức lao động mới có được, qua đó để các em quý những đồng tiền cha mẹ hay người khác cho mình.

Kỹ năng sử dụng tiền một cách căn bản: ăn, uống trong chừng ấy tiền cha mẹ cho; không vay mượn bạn bè hay người thân để mua thứ cha mẹ không đồng ý.

Kỹ năng giữ tiền, tiết kiệm tiền: Cha mẹ cho tiền thì biết cất vào ví thẳng thắn, biết xếp tiền theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, biết cách tính tiền thừa; biết giữ tiền tiết kiệm khi có các khoản dư lớn như dịp Tết được nhiều người mừng tuổi hay dịp sinh nhật; biết bỏ vào nơi tiết kiệm hay gửi cho bố mẹ, thậm chí biết nhờ bố mẹ gửi tiết kiệm ngân hàng.

Quan trọng ở mục này là cha mẹ nên dạy cho trẻ hiểu qua về lợi ích của gửi tiết kiệm có lãi suất, có lợi ích lớn hơn trong tương lai.

Nếu trẻ biết gửi tiền tiết kiệm từ sớm thì sau 10 năm, 20 năm số tiền tiết kiệm ấy nhân lên nhiều lần (là lãi suất kép tôi không dẫn công thức chi tiết ở đây vì sợ trẻ sẽ bị rối, mà qua đó muốn nhấn mạnh điểm này để thay đổi tư duy của trẻ là không nên sử dụng tiền bừa bãi mà biết gửi tiết kiệm từ sớm nhất).

Dạy thêm để các trẻ biết về một số định chế tài chính hay các kênh đầu tư như hiểu biết về ngân hàng qua hoạt động gửi tiền và vay tiền; hiểu biết về thị trường chứng khoán có các cổ phiếu của những công ty mà thậm chí các trẻ hay sử dụng sản phẩm của các công ty ấy như Vinamilk, Coca Cola…

Thật ra ở mục này, nhiều phụ huynh sợ quá sức cho trẻ em nhưng nếu so với các sách dạy kỹ năng tài chính trẻ em tại Mỹ thì đây cũng chỉ là sơ khởi. Các sách tại Mỹ còn dạy về phái sinh, khởi nghiệp, quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, tín phiếu, trái phiếu…

Độ tuổi nào thì có thể dạy dần các trẻ về tiền bạc, theo tôi khi các cháu bước vào cấp 1 thì nên bắt đầu cho các cháu tiếp xúc và hiểu dần về cách nhận biết các tờ tiền, qua đó trang bị dần các kiến thức vừa kể trên.

Khi trẻ được trang bị các hiểu biết đó rồi thì cha mẹ cũng phải luôn làm gương cho các con trong việc kiếm tiền, sử dụng tiền, tiết kiệm tiền để các con noi theo, lâu dần sẽ thành một kỹ năng.

Thiết nghĩ, cứ sau một mùa Tết rất nhiều câu hỏi trong việc lúng túng khi trẻ được nhiều tiền mừng tuổi, cha mẹ không biết nên lấy hết tiền của con trẻ hay để lại một ít hay ứng xử thế nào cho hợp lý như nêu ra từ đầu bài.

Câu trả lời sẽ đúng hơn khi trẻ nhỏ hiểu biết về tiền bạc và lúc ấy các phụ huynh sẽ có câu trả lời hợp lý nhất khi có từng thỏa thuận riêng với con mình mà con không bị ấm ức, khó chịu.

Nói rộng ra, một đất nước muốn hội nhập sâu rộng với thế giới không thể không va chạm với nền kinh tế toàn cầu, với thị trường tài chính quốc tế. Do vậy, trang bị kiến thức tài chính cho mỗi người dân là vô cùng quan trọng.

Việc không tránh khỏi thì tại sao không trang bị kiến thức về tài chính, tiền bạc ngay từ nhỏ cho con trẻ. Kiến thức đó nếu trang bị đúng, đủ liều lượng thì không hề ảnh hưởng đến sự trong sáng và vô tư của trẻ nhỏ.