Nghệ thuật kể chuyện để chinh phục khách hàng

Dương Tống, CEO Homenext Corporation - 14:30, 11/10/2022

TheLEADERCâu chuyện chính là chìa khoá để khách hàng tìm đến và có thiện cảm với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Trong kinh doanh, câu chuyện chính là “chìa khoá” để khách hàng tìm đến và có thiện cảm với sản phẩm, dịch vụ tại của doanh nghiệp. Dù vậy, kể chuyện là một kỹ năng không dễ để nắm bắt, nên người chủ doanh nghiệp cũng cần liên tục học hỏi và tạo ra những câu chuyện mới.

Sức mạnh của kể chuyện

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền núi (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Rời quê vào Bình Dương từ năm 2002, điều kiện khó khăn, tôi làm công nhân hai năm để tích lũy tài chính cho việc học.

Nghệ thuật kể chuyện để chinh phục khách hàng
Câu chuyện chính là “chìa khoá” để khách hàng tìm đến và có thiện cảm với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Đây là một giai đoạn rất thử thách với tôi. Công việc vất vả, sức khỏe kém, bệnh tật ập đến và thậm chí là đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng. Trước sự bế tắc ấy, tôi không ít lần nghĩ đến chuyện tiêucực.

Một hôm khu trọ cúp điện, thời tiết nóng nực nên tôi đi bộ đến nhà sách vì ở đó có máy lạnh và cũng muốn xem trong đó có gì hay.

Tôi dừng lại ở quầy sách tâm lý học, đọc câu chuyện “Cho một trái tim dũng cảm” trong bộ “Hạt giống tâm hồn” của Jack Canfield. Cuốn sách với giá 19 nghìn đồng thời điểm đó đã thay đổi tôi từ tư duy đến hành động. Tôi hiểu rằng, mình phải nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, làm chủ số phận thay vì trông chờ vận may.

Từ đó, tôi nhận ra sức mạnh của những câu chuyện và học cách áp dụng nghệ thuật kể chuyện vào kinh doanh. Đây được xem là nghệ thuật truyền đạt ý tưởng bằng từ ngữ, hình ảnh hay video để thuyết phục người nghe tin vào thông điệp mà người kể muốn truyền tải.

Bởi vì, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay những câu chuyện truyền cảm hứng sẽ giúp đội ngũ giữ vững tinh thần để vượt qua khó khăn. Đồng thời, kể chuyện là cách biến những điều phức tạp trở nên đơn giản hơn, từ đó giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp, sứ mệnh và tầm nhìn tới đội ngũ nhân sự một cách rõ ràng.

Những câu chuyện ở đây không chỉ chuyện cá nhân, chuyện thương hiệu mà còn là câu chuyện của khách hàng. Bằng cách để những khách hàng đã được phục vụ kể lại trải nghiệm của họ một cách chân thật nhất. Khi những câu chuyện vừa thực tế, vừa tốt đẹp được lan tỏa, doanh nghiệp sẽ gây dựng được những hệ giá trị tích cực cho xã hội.

Sức mạnh của câu chuyện còn ở chỗ nó là tài sản quý báu nhất của con người. Và ý nghĩa của nghệ thuật kể chuyện là tạo ra cảm xúc cho người nghe, người đọc, khiến họ đồng cảm với câu chuyện.

Nên tôi tin rằng, dù có bao nhiêu cuộc cách mạng công nghiệp sẽ diễn ra, bao nhiêu dạng trí tuệ nhân tạo được phát triển thì kỹ năng kể chuyện của con người là không thể thay thế.

Kể chuyện là cách thuyết phục khách hàng hữu hiệu nhất

Chúng ta thường nhớ những câu chuyện có yếu tố đặc biệt là hài hước hoặc bất ngờ. Vì những câu chuyện khiến não của người kể và người nghe nhanh chóng kết nối và đồng bộ với nhau.

Không những thế, những điều này xảy ra trong tâm trí người nghe có tác động đáng kể: các chất hóa học thần kinh, oxytocin và dopamine được giải phóng. Những hormone này đóng vai trò liên kết xã hội.

Nó được sản sinh khi con người nghe được một câu chuyện hay và cảm thấy đồng cảm. Đổi lại, sự đồng cảm này sẽ khiến người nghe sẵn sàng hành động và thúc đẩy sự hợp tác tự nguyện hơn.

Đồng thời, những câu chuyện cũng là cách để doanh nghiệp thuyết phục khách hàng trong việc tiếp thị sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, marketing bằng câu chuyện là một cách tối ưu chi phí nhưng lại mang về hiệu quả cao.

Ai đó đã nói rằng: “Facts tell stories sell” (tạm dịch: dữ kiện dùng để nói, còn câu chuyện dùng để bán hàng). Có thể hình dung như thế này: “Fact”: chúng tôi cung cấp dịch vụ thiết kế và thi công nội thất trọn gói tại Bình Dương.

“Story”: công ty chúng tôi thấu hiểu những trở ngại khi khách hàng phải tự tìm kiếm một đơn vị thiết kế và thi công nội thất trọn gói.

Cách kể một câu chuyện truyền cảm hứng

Để những câu chuyện có giá trị và phát huy hết tác dụng của nó, thì cần kể những câu chuyện chân thật, tạo ra cảm xúc và truyền được cảm hứng cho người nghe, giúp họ có được những thay đổi tích cực. Đặc biệt, những câu chuyện sẽ khơi gợi sự tò mò và tạo được dấu ấn hơn khi kết hợp được yếu tố bất ngờ và hài hước.

Kể chuyện là một kỹ thuật đòi hỏi sự rèn luyện và không ngừng trau dồi vốn sống cá nhân, vì vậy cách để tạo nên một câu chuyện hay phụ thuộc rất nhiều vào thế giới quan mỗi người. Tuy nhiên, có một cấu trúc cơ bản giúp xây dựng câu chuyện như sau:

Mở đầu, chúng ta nên gợi mở để độc giả biết câu chuyện có gì hay để họ tiếp tục theo dõi. Tốt nhất là nắm bắt những biến động thời sự mới nhất, những sự kiện đang chiếm nhiều sự chú ý của cộng đồng.

Nhân vật nên có tên và vài đặc điểm cụ thể như ngoại hình, tuổi tác, nghề nghiệp… Lý tưởng nhất là có những đặc điểm của khách hàng mục tiêu. Có thể nhớ lại những khách hàng mình đã từng phục vụ. Sau đó, hãy mang những đặc điểm ấy vào nhân vật trong câu chuyện và cố gắng khiến chúng tự nhiên, phù hợp với mạch truyện.

Bối cảnh chính là lúc mà nhân vật của chúng ta sẽ gặp các chướng ngại vật. Đây có thể là tình huống lúc nhân vật đi làm, đi chơi, đi du lịch và gặp gỡ một nhân vật khác, hoặc một tình huống dẫn dắt nào đó.

Biến cố là yếu tố xuất hiện bất ngờ trong câu chuyện, khiến nhân vật phải đối mặt, vượt qua và sau đó là thay đổi. Có thể nói, biến cố càng lớn thì sự vượt qua của nhân vật càng đáng nhớ.

Phần kết, cần kết nối với các ưu điểm của sản phẩm và nhu cầu khách hàng. Tức là đặt ra một tiền giả định nếu nhân vật sử dụng sản phẩm trước đó thì đã không gặp những rủi ro như vừa kể.

Và những người đọc câu chuyện này, sẽ đánh giá cao các ưu điểm của sản phẩm hơn một bài chào hàng bình thường.

Do đó, trong môi trường kinh doanh phẳng như hiện nay nghệ thuật kể chuyện có thể được xem như là một loại “vũ khí” đắc lực giúp bạn, doanh nghiệp bạn trở nên đáng gờm hơn rất nhiều.