Petrolimex lãi gần 3.600 tỷ đồng

Trần Anh - 14:26, 15/01/2024

TheLEADERSo với mức nền thấp của năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Petrolimex tăng gần 58%

Tại hội nghị kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 268.000 tỷ đồng, hoàn thành 144% kế hoạch năm.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 3.580 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận kinh doanh xăng dầu ước đạt 1.430 tỷ đồng, đạt 132% mục tiêu. Lợi nhuận khác ước đạt 2.150 tỷ đồng, chiếm 60% tổng lợi nhuận hợp nhất. 

So với kết quả năm 2022, chỉ tiêu doanh thu ước tính của năm 2023 giảm 12% nhưng lợi nhuận trước thuế tăng gần 58% so với mức nền thấp của năm trước đó.

Năm qua, tổng sản lượng xuất bán hợp nhất toàn tập đoàn ước đạt gần 14,4 triệu m3/tấn vượt 11% so với kế hoạch năm và tăng 4% so với năm 2022.

Trong đó, chỉ số bán nội địa là 10,3 triệu m3/tấn, vượt 10% so với kế hoạch năm; chỉ số bán tái xuất đạt là 301.347 m3/tấn. Phương thức bán lẻ đạt hơn 7 triệu m3/tấn, vượt 18% kế hoạch năm 2023 và tăng 7% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 68% tổng sản lượng bán nội địa. Sản lượng bán quốc tế đạt 3,7 triệu m3/tấn, vượt 25% kế hoạch năm và tăng 35% so với năm 2022.

Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, năm 2023, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động từ sự ảm đạm của kinh tế thế giới, giá xăng dầu thế giới biến động tăng nhanh, giảm nhanh với diễn biến khó đoán định, đặc biệt trong những tháng cuối năm giá xăng dầu thế giới liên tục biến động theo xu hướng giảm.

Trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn khi không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, nhiều doanh nghiệp xin giải thể, đóng cửa.

Các cơ quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, một số doanh nghiệp đầu mối bị thu hồi giấy phép và xử lý các vi phạm, giúp cho thị trường xăng dầu lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, cùng với đó sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt, đặc biệt là kênh bán hàng qua trung gian, trong khi tình trạng vi phạm thương hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng dẫn đến hoạt động cạnh tranh không lành mạnh tạo ra thách thức, cơ hội đan xen cho Petrolimex.

Trong năm 2024, Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết sẽ nỗ lực tổ chức tốt công tác tạo nguồn, bán hàng, bám sát diễn biến thị trường để đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu tiêu thụ của xã hội, phục vụ phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia tại mỗi địa bàn.

Các nhóm giải pháp sẽ tập trung xoay quanh các trụ cột chính bao gồm: nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu quả công tác quản trị hàng hoá và quản trị doanh nghiệp trên nền tảng triển khai Chiến lược chuyển đổi số. Bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình sản xuất – kinh doanh là mục tiêu hàng đầu bao gồm an toàn phòng chống cháy nổ, tài chính, pháp lý, bảo vệ môi trường, tăng cường công tác kiểm tra giám sát an ninh, an toàn tại các cơ sở công trình xăng dầu trong toàn Tập đoàn.

Bên cạnh đó, Petrolimex cũng cố gắng giữ vững, củng cố, làm mới, hiện đại hoá, tiên tiến hoá những lợi thế kinh doanh xăng dầu truyền thống, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật kho, bể, tuyến ống, cửa hàng xăng dầu, phương tiện vận tải… đồng thời, thích ứng, chuyển đổi, chuyển dịch thành công sang xu hướng kinh doanh các sản phẩm nhiên liệu, năng lượng xanh, sạch, bảo vệ môi trường. 

Đối với các lĩnh vực kinh doanh khác, Tập đoàn sẽ tiếp tục phát huy và khai thác có hiệu quả sức mạnh tổng thể của hệ sinh thái ngoài xăng dầu bao gồm các lĩnh vực, ngành nghề truyền thống như gas, dầu mỡ nhờn, bảo hiểm, vận tải, xây lắp cơ khí…

Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex cũng đưa ra những giải pháp trọng tâm cho năm 2024, liên quan tới công tác đảm bảo nguồn; kinh doanh và hỗ trợ kinh doanh; đầu tư cơ cở vật chất kỹ thuật; công tác quản lý tài chính; công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp; tổ chức lao động, tiền lương; công tác chuyển đổi số; chuyển dịch xanh…