Triển vọng tươi sáng của Petrolimex khi nền kinh tế phục hồi trở lại

Trần Anh - 16:34, 06/03/2023

TheLEADERSau một năm phải đối mặt với nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh của Petrolimex được dự báo bứt phá trong năm 2023 khi nhu cầu tiêu thụ xăng tăng trở lại.

Năm ngoái, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá dầu biến động mạnh, nguồn cung thiếu hụt, phải nhập khẩu xăng dầu giá cao trong khi giá bán trong nước chưa kịp thời điều chỉnh. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, kết quả kinh doanh của Petrolimex được dự báo bứt phá khi nhu cầu tiêu thụ xăng tăng trở lại.

Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng. Cả năm nay, hai nhà máy lọc dầu (NMLD) Nghi Sơn và Bình Sơn sẽ duy trì 65 – 70% nguồn cung xăng dầu trong nước do NMLD Nghi Sơn hoạt động ổn định trở lại từ quý III/2022. Vì thế, biên lợi nhuận gộp mảng xăng dầu của Petrolimex có thể cải thiện so với năm trước.

Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển từ xe máy sang ô tô của người dân sẽ kích thích tiêu thụ xăng dầu nhiều hơn. Tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam có 63 triệu xe máy và 4,9 triệu ô tô, tiêu thụ khoảng 60% sản phẩm xăng dầu. Đây là động lực chính cho tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu.

Thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, trong giai đoạn 2016 - 2021, số lượng xe máy tăng trưởng với tốc độ CAGR âm 11% trong khi xe ô tô tăng trưởng với tốc độ CAGR là 8%. Còn Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, nhu cầu đối với tất cả các loại hàng hóa cao cấp như xe ô tô sẽ gia tăng khi tầng lớp trung lưu Việt Nam tăng mạnh trong 10 năm tới.

Song song với đó, mảng nhiên liệu bay tiếp tục phục hồi. Theo VCBS, hiện nay, có hai đơn vị chính cung cấp nhiên liệu máy bay tại Việt Nam, trong đó công ty con Petrolimex (Công ty Nhiên liệu bay Petrolimex) chiếm khoảng 34% tổng thị phần. Mảng nhiên liệu bay đóng góp 5% trong tổng doanh thu của Petrolimex nhưng lợi nhuận trước thuế đóng góp tỷ trọng gần 10%.

Với biên lợi nhuận gộp không bị giới hạn như mảng kinh doanh xăng dầu (giá bán do hai bên mua bán thỏa thuận), mảng nhiên liệu bay có thể đóng góp tỷ trọng lợi nhuận đáng kể trong tổng lợi nhuận Petrolimex nếu có thể phục hồi trở lại mức trước dịch.

Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 có thể đạt 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa tăng lần lượt 45%, 15% so với năm trước. Còn so với cùng thời điểm trước dịch COVID -19 (năm 2019) thì tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 15% về hàng hóa.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu cũng thuận lợi hơn khi cuối quý IV/2022, Chính Phủ đã điều chỉnh chi phí vận chuyển về cảng và premium khi tính giá bán cơ sở xăng dầu. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp phản ánh kịp thời chi phí thực tế, cải thiện biên lợi nhuận gộp mảng kinh doanh xăng dầu.

Trong năm ngoái, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được Bộ Tài Chính rà soát điều chỉnh 2 lần. Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng cũng đã tăng 2 lần. Theo VCBS, điều này sẽ giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận cho các nhà phân phối trong năm 2023 khi giá dầu thế giới và cước phí vận tải hạ nhiệt.

Cuối cùng, Petrolimex có thể thu được một khoản lợi nhuận đột biến trong năm nay. Theo Nghị quyết số 20 ngày 2/2/2023, Petrolimex sẽ thoái vốn tại PG Bank theo hình thức đấu giá công khai qua sàn HOSE. Tại ngày 31/12/2021, giá trị khoản đầu tư vào PG Bank khoảng 1.672 tỷ đồng với 120 triệu cổ phiếu. 

VCBS ước tính khoản thoái vốn tại PG Bank sẽ đem về cho Petrolimex hơn 880 tỷ đồng (trong trường hợp mức giá là 21.300 đồng/cp).

Ngoài ra, công ty cũng dự kiến sẽ thoái toàn bộ vốn tại Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex với giá trị số sách là 403 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2021) trong năm nay.

Từ những quan điểm trên, VCBS dự phóng, năm 2023, Petrolimex sẽ ghi nhận 264.668 tỷ đồng doanh thu giảm 13%, lợi nhuận trước thuế khoảng 4.905 tỷ đồng tăng 17% so với năm trước (nếu giá dầu Brent năm 2023 ở mức 83 USD/thùng). Kết quả trên chưa có khoản thoái vốn của công ty tại PG Bank.