Phần lớn dự án LNG không khả thi

Nhật Minh - 13:08, 16/12/2021

TheLEADERPhân tích điều tra của IEEFA cho thấy chỉ có 38% công suất kho cảng LNG và 1/3 công suất điện khí LNG đã được công bố tại bảy quốc gia châu Á mới nổi có khả năng được xây dựng.

Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được xem là nhiên liệu cầu nối phù hợp giúp các quốc gia giảm tiêu thụ than và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sạch hơn. Tuy nhiên, đối với nhiều nhà phát triển dự án và các quốc gia ở châu Á mới nổi, LNG có thể sẽ không thành hiện thực và hoàn thành nhiệm vụ chuyển tiếp, theo báo cáo mới nhất của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA).

Các quốc gia châu Á mới nổi được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng nhu cầu LNG lớn nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, phân tích chi tiết từng dự án và theo cấp quốc gia của IEEFA về bảy thị trường châu Á mới nổi cho thấy chỉ có số ít đề xuất cơ sở hạ tầng liên quan đến LNG khả thi.

Cụ thể, phân tích cho thấy hơn 60% công suất kho cảng nhập khẩu LNG đề xuất và gần 70% công suất nhiệt điện khí khó có thể được xây dựng, do các khó khăn về thị trường tài chính, khó khăn từ chính các dự án cũng như quy định tại các quốc gia.

Đồng tác giả báo cáo Sam Reynolds cho biết, trong hai năm qua, giá LNG giao ngay ở châu Á đã rơi về mức thấp nhất lịch sử, và thiết lập ngưỡng cao kỷ lục sau đó. Giá thành thay đổi mạnh như vậy là minh chứng rõ ràng hơn bao giờ hết về tính biến động lớn của thị trường LNG – thách thức mà hầu hết thị trường năng lượng mới nổi tại châu Á phải đối mặt.

Dù vậy, sự lạc quan của ngành công nghiệp LNG về các cơ hội cảm tính trong khu vực đã tạo ra một hệ thống dự án không thực tế ở các giai đoạn phát triển khác nhau.

“Đây là sự hứa hẹn quá mức và thực hiện dưới mức yêu cầu ở quy mô khu vực. Những hạn chế cơ bản của dự án, các quy định của quốc gia, cùng thị trường tài chính ở châu Á mới nổi có thể sẽ làm giảm đáng kể quá trình triển khai các dự án LNG khả thi, và ngăn cản nhu cầu LNG tăng trưởng nhanh chóng tại khu vực này”, Sam Reynolds phân tích.

Phần lớn dự án LNG không khả thi
Phụ thuộc ngày càng nhiều vào LNG nhập khẩu sẽ đẩy nền kinh tế vào nhiều rủi ro.

IEEFA đã xem xét lộ trình đề xuất của các dự án điện sử dụng LNG tại 7 quốc gia, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Myanmar, Pakistan và Bangladesh.

Kết quả là khi so sánh đánh giá các dự án khả thi với yêu cầu về rủi ro tín dụng trong cho vay thương mại, tổ chức nghiên cứu này nhận thấy 20% danh mục đầu tư hiện có thể cần phải đổi ngày chốt tài chính do những hạn chế về dung lượng thị trường cho vay.

Thêm vào đó, 6% số dự án nhà máy điện khí khó có thể thực hiện do không tìm được nguồn vốn.

“Việc cắt giảm các đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến LNG có thể sẽ tiếp tục diễn ra, vì các dự án vẫn phải cạnh tranh nguồn vốn tài trợ - yếu tố bị hạn chế nghiêm trọng bởi các giới hạn về cho vay của các ngân hàng với từng quốc gia, lĩnh vực và người vay vốn”, đồng tác giả báo cáo Grant Hauber cho biết.

Tính trung bình, IEEFA cho biết chỉ có 38% công suất kho cảng LNG và 1/3 công suất điện khí LNG đã được công bố có khả năng được xây dựng. Số còn lại sẽ phải đối mặt với các rủi ro thị trường, tài chính và những quy định riêng tại từng quốc gia.

Theo ông Grant Hauber, các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) và các tổ chức phát triển song phương (BDI) có thể không tham gia giải quyết vấn đề này.

Nguyên nhân là bởi MDB không có khả năng cung cấp hơn 25% yêu cầu cho vay cho mỗi dự án bởi những hạn chế về vai trò là bên xúc tác. Trong khi đó, BDI thường chỉ hỗ trợ các nhà đầu tư và ngành công nghiệp trong nước khi thâm nhập thị trường nước ngoài.

Không chỉ vậy, cả MDB và BDI đều chịu áp lực đáng kể trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu về lượng phát thải carbon thấp, hoặc không phát thải ròng. Theo thời gian, số lượng các tổ chức cho vay xuyên biên giới sẵn sàng hỗ trợ các dự án nhiên liệu hóa thạch sẽ ngày càng ít hơn.

Rủi ro kinh tế khi phụ thuộc vào LNG nhập khẩu

IEEFA đánh giá phụ thuộc ngày càng nhiều vào LNG nhập khẩu sẽ khiến nền kinh tế phải đối mặt với sự biến động của giá cả hàng hóa, của ngoại hối khi giá LNG tính theo USD sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát.

Bên cạnh đó, giá điện cũng sẽ cao hơn cho người dùng nằm ở cuối chuỗi cung ứng, trong khi gánh nặng trợ cấp của chính phủ gia tăng. Cụ thể, ở các thị trường được trợ cấp, các cơ quan chính phủ phải chi trả cho biến động giá nhiên liệu thông qua việc phân bổ ngân sách quốc gia bổ sung, các khoản thanh toán cuối cùng do người nộp thuế chịu.

Ngoài ra, một quốc gia có thể rơi vào rủi ro mắc kẹt tài sản với các khoản đầu tư vào điện năng sử dụng LNG.

Nguyên nhân là bởi giá nhiên liệu toàn cầu biến động, cùng sự thâm nhập của các nguồn năng lượng tái tạo chi phí thấp có thể gây trở ngại cho các dự án điện năng sử dụng LNG. Nếu các nước sản xuất khí đốt mới nổi ở châu Á có thể xem xét cách thức sửa đổi các công thức định giá sản xuất không hấp dẫn hiện nay, thì tăng trưởng mới trong sản xuất khí đốt trong nước có thể làm giảm, hoặc thậm chí loại bỏ nhu cầu nhập khẩu LNG.

Đáng chú ý, xu hướng tăng trưởng của đầu tư bền vững làm cho nguồn tài chính LNG dài hạn trở nên không đáng tin cậy. Các nhà cung cấp tài chính xuyên quốc gia đang chịu áp lực ngày càng lớn hơn trong việc hỗ trợ cho quá trình khử cacbon, và phát triển bền vững toàn cầu. Theo thời gian, sẽ có ít tổ chức cung cấp tài chính hơn cho các dự án liên quan đến nhiên liệu hóa thạch.

Đồng tác giả báo cáo Reynolds nhấn mạnh: “Các nhà hoạch định lĩnh vực năng lượng ở các quốc gia châu Á mới nổi phải đối mặt với vô số mục tiêu khó thực hiện, bao gồm an ninh năng lượng quốc gia, khả năng chi trả, khả năng tự cung tự cấp và tính bền vững môi trường”.

Thực tế là LNG không đóng góp vào bất kỳ mục tiêu nào trong số này, mặc dù ngành công nghiệp LNG khẳng định rằng khí đốt nhập khẩu là một giải pháp cuối cùng.

Thị trường LNG toàn cầu có nhiều biến động, và các dự án điện LNG sẽ phải đối mặt với một loạt rủi ro, trong đó có những hạn chế lớn về thị trường tài chính, ông đánh giá.