Quản trị trí tuệ nhân tạo để bảo vệ doanh nghiệp

08:00, 20/07/2023
ThS. Trần Vũ Hà Minh
Indochine Counsel

Ở quy mô doanh nghiệp, quản trị trí tuệ nhân tạo không chỉ nhằm mục đích bảo vệ khách hàng và mà còn nhằm bảo vệ chính những doanh nghiệp đó khỏi những điểm yếu của công nghệ này cũng như rủi ro vi phạm pháp luật liên quan.

Ở cấp độ chính phủ, quản trị trí tuệ nhân tạo là ý tưởng có một khuôn khổ hay hệ thống pháp luật để đảm bảo các công nghệ học máy được nghiên cứu và phát triển với mục tiêu làm cho việc áp dụng hệ thống AI trở nên công bằng, hữu ích, hạn chế tối đa rủi ro.

Cần lưu ý, quản trị trí tuệ nhân tạo sẽ không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của chính phủ, nhất là trong bối cảnh những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ này đến từ những công ty công nghệ công nghệ khổng lồ chứ không phải từ những dự án nghiên cứu của chính phủ.Vì những ảnh hưởng to lớn, nhanh chóng của nó trên quy mô toàn cầu, quản trị trí tuệ nhân tạo cần dựa vào sự hợp tác giữa các chính phủ, tổ chức và các bên liên quan.

Cùng với những tiến triển trong quá trình thông qua đạo luật về trí tuệ nhân tạo (AI Act) bắt buộc về kiểm soát các ứng dụng AI có rủi ro cao tại châu Âu, năm 2023 cũng đánh dấu nhiều cột mốc đáng chú ý về quản trị trí tuệ nhân tạo trên khắp thế giới mà chúng ta cần lưu tâm như các dự thảo luật quản lý AI tại Trung Quốc, Canada và các quốc gia khác. Ngoài việc chính phủ tăng cường theo dõi giám sát và quản lý công nghệ này, ở phía ngược lại, các doanh nghiệp cũng có những động thái tích cực rất đáng quan tâm.

Ở Hoa Kỳ, người đứng đầu của các công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft, Tesla, Open AI (công ty quản lý của ChatGPT), IBM, cũng có những phát ngôn ủng hộ việc tăng cường quản lý và kiểm soát công nghệ này từ chính phủ. 

Sam Altman, CEO của công ty khởi nghiệp OpenAI, trong tháng 5 và tháng 6/2023 đã cố gắng đưa ra thông điệp cho chính phủ biết rằng họ cần bắt đầu suy nghĩ về quy định về AI ngay bây giờ, trước khi quá muộn.

Có thể thấy, trong tương lai gần, việc quản trị tuệ nhân tạo sẽ không còn là những bộ quy tắc hay những nghiên cứu chính sách ở bậc vĩ mô mà sẽ sớm là một phần trong các hoạt động quản trị doanh nghiệp.

Khung quản trị AI hiệu quả giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro về đạo đức và pháp lý

Trước làn sóng về yêu cầu minh bạch và tăng cường quản trị trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu, các công ty công nghệ từ vài năm trước cũng đã sớm đưa ra các thông tin giải trình về “trí tuệ nhân tạo có trách nhiêm” (responsible AI), và “AI đáng tin cậy” (trustworthy AI, trusted AI).

Để đáp ứng quan tâm và lo ngại về các vấn đề đạo đức từ cộng đồng cũng như những yêu cầu từ các nhà làm luật từ khóa “AI có trách nhiệm” bao gồm cả hai khía cạnh đạo đức và pháp lý. Tức là ngoài việc tuân thủ yêu cầu bắt buộc từ các luật quy định, các nhà phát triển, các doanh nghiệp sử dụng AI trong kinh doanh cũng cần tuân thủ các nguyên tắc đạo đức dù chưa có khung pháp lý quy định. Hay nói cách khác, một khung quản trị “AI có trách nhiệm” hoạt động hiệu quả sẽ giúp các công ty giảm các rủi ro về đạo đức và pháp lý.

Việc tăng cường quản trị AI trong tổ chức không chỉ tốn kém, đem đến những phiền toái về mặt phân bổ nhân sự và thời gian mà còn có rất nhiều lợi ích. Cụ thể, xây dựng hệ thống có trách nhiệm, tăng cường sự minh bạch sẽ đem lại sự tin cậy cho khách hàng và nhân viên, giảm thiểu tối đa những bias khó dự đoán, cùng những rủi ro về bảo mật và quyền riêng tư. 

Bên cạnh đó, hệ thống AI có trách nhiệm sẽ khuyến khích các nhân viên nhận thức rõ ràng hơn, tham gia nhiều hơn trong việc xây dựng hệ thống AI có trách nhiệm từ đó đem lại nhiều giá trị bảo vệ các lợi ích của khách hàng, của thị trường và ở quy mô rộng hơn đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Để xây dựng một hệ thống quản trị trí tuệ nhân tạo trong một doanh nghiệp có nhiều viêc cần phải làm, trong đó bốn nội dung chính được nhấn mạnh.

Một là xác định nguyên tắc quản trị AI và làm rõ sứ mệnh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần xác định rõ sứ mệnh của doanh nghiệp đối với xã hội từ đó tái xác định thứ tự ưu tiên của doanh nghiệp trong bối cảnh xã hội, yêu cầu của luật pháp.

Doanh nghiệp cũng cần chọn cho mình những nguyên tắc về quản trị AI như: minh bạch và rõ ràng, công bằng, bảo mật.... Qua đó, xây dựng những bộ nguyên tắc quản trị AI nội bộ, triển khai thành những hướng dẫn thi hành cho nhân viên.

Hai là xây dựng nhân sự và hệ thống quản trị rủi ro. Không quy trách nhiệm rõ ràng thì không ai chịu trách nhiệm. Trong doanh nghiệp cần có hệ thống nhân sự quản trị trí tuệ nhân tạo rõ ràng, minh bạch. Ngoài người chịu trách nhiệm chính là giám đốc công ty hoặc giám đốc dữ liệu, doanh nghiệp cũng cần xây dựng một nhóm kiểm soát độc lập để thực hiện công việc này trong những công ty công nghệ có quy mô lớn với nhiều sản phẩm ứng dụng AI nhiều người sử dụng.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng nên quan tâm sự đa dạng trong đội ngũ phát triển sản phẩm chẳng hạn như giới tính, độ tuổi, dân tộc, nền tảng kiến thức học thuật, và các yếu tố khác nhau để đảm bảo các nhóm đại diện cho nhiều kinh nghiệm và quan điểm khác nhau.

Ba là tuân thủ quy định. Doanh nghiệp cần tăng cường tuân thủ các luật và quy định hiện hành đồng thời quan sát các luật và quy định trong tương lai, phát triển các chính sách để giảm thiểu rủi ro và vận hành các chính sách đó thông qua khung quản lý rủi ro với báo cáo và giám sát thường xuyên.

Bốn là xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đào tạo. Doanh nghiệp cần tạo ra một văn hóa doanh nghiệp đúng đắn đảm bảo rằng AI được phát triển và sử dụng một cách công bằng, có đạo đức và có trách nhiệm.

Để đạt được điều này, doanh nghiệp cần có chính sách đào tạo nhân viên về ảnh hưởng xã hội của AI, các khung pháp lý, nguyên tắc đạo đức về công nghệ này cũng như nhấn mạnh trách nhiệm, đảm bảo rằng nhân viên áp dụng các bộ nguyên tắc quản trị AI một cách đúng đắn và để xây dựng và ứng dụng AI một cách có trách nhiệm, đáng tin cậy.

Quản trị trí tuệ nhân tạo để bảo vệ doanh nghiệp 1
Quản trị trí tuệ nhân tạo giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro về đạo đức và pháp lý

Gợi ý cho doanh nghiệp Việt

Ở Việt Nam, mặc dù chính phủ chưa có những động thái cho thấy sẽ sử dụng pháp luật để quản lý và giám sát AI nhưng không vì thế mà các công ty Việt Nam có thể lơ là và bỏ qua công việc này.

Ở quy mô doanh nghiệp, quản trị trí tuệ nhân tạo không chỉ nhằm mục đích bảo vệ khách hàng và mà còn nhằm bảo vệ chính những doanh nghiệp đó khỏi những điểm yếu của công nghệ này cũng như rủi ro vi phạm pháp luật liên quan.

Chúng ta đang ở thời đại mà các dịch vụ công nghệ được phát triển và cung cấp không biên giới. Việt Nam cũng là nơi có các công ty cung cấp giải pháp công nghệ thông tin cho các công ty lớn trên toàn cầu. Nếu các công ty công nghệ Việt Nam không theo dõi sát sao các luật và quy định ở thị trường có sự quản lý nghiêm khắc như châu Âu hay các nước phát triển khác, sẽ có rủi ro rất cao vi phạm trực tiếp luật ở các quốc gia này, dẫn đến bị phạt hoặc bị hạn chế cung cấp dịch vụ trong các thị trường này.

Không chỉ là các công ty công nghệ, các công ty kinh doanh ở những mảng khác cũng cần lưu ý các luật liên quan khi sử dụng các ứng dụng AI trong kinh doanh. Cụ thể là việc sử dụng ChatGPT trong công việc cũng cần lưu ý đến sai sót, trách nhiêm khi đưa ra các thông tin sai sót cũng như các rủi ro về vi phạm tác quyền có thể có. Hoặc việc thu thập dữ liệu để huấn luyện các mô hình học máy để xây dựng các thuật toán cần lưu ý đến luật bảo vệ dữ liệu cá nhân mới nhất...

Vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tăng cường quản trị trí tuệ nhân tạo trong doanh nghiệp của mình?

Đối với các công ty công nghệ, cần bắt đầu xây dựng hệ thống quản trị trí tuệ nhân tạo dựa theo bốn nội dung đã được đề cập để xây dựng chính sách và đội ngũ để thực hiện. Đối với các doanh nghiệp khác, cần rà soát lại các ứng dụng AI mà doanh nghiệp mình đang sử dụng, phân tích và đánh giá rủi ro có thể có qua việc ứng dụng AI trong doanh nghiệp mình từ đó có những biện pháp để giảm thiểu rủi ro.

Không thể phủ nhận việc xây dựng và bảo đảm các nguyên tắc cho việc xây dựng AI có trách nhiệm trong phạm vi doanh nghiệp là tốn kém, cần sự đầu tư về tiền bạc, nhân sự cũng như thời gian. Tuy nhiên, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ này là không thể đảo ngược, việc chúng ta cần đầu tư để quản trị tốt công nghệ này cũng là một yêu cầu, một xu hướng tất yếu