Quảng Trị 'xin' khí để làm điện

Nguyễn Cảnh - 11:39, 18/02/2024

TheLEADERSở Công thương tỉnh Quảng Trị tính toán đề xuất xin phép đưa khí từ mỏ Kèn Bầu về để phát triển các dự án điện khí.

Nhằm thúc đẩy các dự án điện khí tiềm năng trong tỉnh cũng như tại khu kinh tế Đông Nam, Sở Công thương Quảng Trị đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành cho phép đưa khí từ mỏ khí Kèn Bầu vào Quảng Trị. 

Liên quan tới mỏ khí Kèn Bầu, UBND tỉnh Quảng Trị đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Eni từ tháng 4/2022. Eni là tập đoàn kinh tế, năng lượng nổi tiếng thế giới do Chính phủ Italy sở hữu 30% cổ phần, hoạt động trên 80 quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như thăm dò khai thác dầu khí, điện, khí, lọc dầu và thương mại.

Có mặt tại Việt Nam từ 11 năm trước, Eni phát hiện mỏ dầu khí Kèn Bầu vào tháng 7/2020. Mỏ này nằm ở lô 114 ngoài khơi khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, cách đất liền gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65km. 

Theo ước tính, mỏ Kèn Bầu có thể chứa tới 2.700 tỷ mét khối khí đốt và 400 - 500 triệu thùng khí ngưng tụ liên quan. 

Hiện tại, dù việc khoan thăm dò mỏ khí Kèn Bầu chưa có kết quả cụ thể nhưng Eni Việt Nam - công ty điều hành dự án - khẳng định trữ lượng khí là hoàn toàn có tiềm năng.

Đây được xem là thông tin khá tích cực so với gần hai năm trước. Thời điểm đó, trong tờ trình gửi Thủ tướng về dự thảo quy hoạch điện VIII, Bộ Công thương xác định ưu tiên tối đa phát triển các dự án nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí tự nhiên trong nước.

Đặc biệt, tới năm 2030, Bộ Công thương kiến nghị phát triển mỏ Kèn Bầu và mỏ Báo Vàng (lô 112 ngoài khơi Quảng Trị). Trong đó, mỏ Kèn Bầu thông báo ban đầu có trữ lượng lớn, có thể đủ khí cho phát triển điện khí với công suất khoảng 4.000 - 6.000MW, nhưng khoan thẩm lượng hai lần chưa thành công, nên dự kiến phát triển giai đoạn 2031-2035.

Cơ sở thứ hai của đề xuất trên xuất phát từ quy hoạch điện VIII. Theo đó, khi trữ lượng và tiến độ mỏ khí Kèn Bầu được xác định rõ, định hướng sẽ phát triển thêm các nguồn điện sử dụng khí Kèn Bầu tại khu vực Hải Lăng - Quảng Trị, Chân Mây - Thừa Thiên Huế.

Cũng liên quan đến điện khí, Sở Công thương Quảng Trị nhắc lại nội dung về chuyển đổi công nghệ, quy mô công suất nhà máy nhiệt điện Quảng Trị. Theo đó, tỉnh đã đề nghị bổ sung vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII các nội dung về chuyển đổi công nghệ, quy mô công suất nhà máy từ sử dụng nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu khí LNG.

Cụ thể, điều chỉnh nhiệt điện Quảng Trị công suất 2x660MW (1.320MW) sử dụng nhiên liệu than, vận hành vào năm 2024 - 2025 sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG công suất 2x750 MW (1500MW) vận hành vào năm 2025 - 2030.

Tháng 8/2023, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn về đề nghị chuyển đổi nêu trên và gửi Bộ Công thương để xem xét, xử lý theo quy định.

Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị đặt tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, huyện Hải Lăng, tổng diện tích chiếm đất và dùng chung khoảng 402ha, vốn đầu tư khoảng 55.093 tỷ đồng. 

Dự án thực hiện theo hình thức BOT, thời gian hợp đồng khoảng 25 năm, dự kiến tổ máy số 1 vận hành thương mại vào năm 2023, tổ máy số 2 vào năm 2024.

Nhà đầu tư của dự án là Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi), công ty trực thuộc EGAT, một doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ Thái Lan nắm giữ 100% vốn chủ sở hữu.