Rào cản khiến nhiều doanh nghiệp chậm công bố BCTC kiểm toán

Dũng Phạm - 17:21, 20/06/2023

TheLEADERTrong điều kiện kinh tế khó khăn, kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề khiến nhiều doanh nghiệp không muốn công bố các số liệu tài chính tiêu cực quá sớm.

Trong thời gian qua, tình trạng chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022 diễn ra ở nhiều doanh nghiệp niêm yết. Nhiều doanh nghiệp lớn có tên tuổi trong ngành vẫn nêu đủ loại lý do để xin hoãn nộp, bên cạnh đó cũng không thiếu doanh nghiệp có tiếng trong việc “chây ì” nộp báo cáo tài chính. Có thể thấy, điểm chung là những doanh nghiệp này đều có kết quả kinh doanh khá bết bát hoặc những câu chuyện “lao lý” của riêng mình.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) quyết định đưa cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vào diện kiểm soát kể từ ngày 17/4 do chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp (2021 - 2022).

Trước đó, Hoà Bình xin gia hạn nộp báo cáo tài chính năm 2022 kiểm toán do các công trình bị ngưng trệ, thị trường khó khăn và nhiều khách hàng gặp khó về dòng tiền dẫn tới không thể triển khai thi công và thanh toán đúng hạn cho công ty. 

Đến nay (20/6) Hoà Bình chỉ công bố tóm tắt số liệu tài chính kiểm toán thay vì báo cáo đầy đủ theo quy định.

Cũng trong lĩnh vực bất động sản Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) cũng xin được hoãn nộp báo cáo tài chính kiểm toán nhưng không được đồng ý. Novaland cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản bị tắc nghẽn dòng tiền, phải đàm phán để kéo dài thời gian trả nợ trái phiếu để có thể sắp xếp, ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp. 

Ngoài ra, Novaland cho biết đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian tiến hành thủ tục kiểm toán và đánh giá toàn diện khách quan để có thể hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính của công ty. Đến giữa tháng 5, Novaland mới hoàn thành và công bố báo cáo tài chính kiểm toán.

Trong lĩnh vực vận tải hàng không, ngày 29/3 vừa qua, Vietnam Airlines cũng đã có văn bản giải trình gửi HOSE giải trình về việc tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2022 những cũng bị cơ quan này “lắc đầu”. 

Trong văn bản, Vietnam Airlines cho biết đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp, ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp. Năm 2022 là năm thứ 4 liên tiếp Vietnam Airlines mong muốn được gia hạn nộp báo cáo tài chính.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 8, Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính có quy định “Đối tượng công bố thông tin được tạm hoãn công bố thông tin trong trường hợp vì những lý do bất khả kháng như: Thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, dịch bệnh và các lý do bất khả kháng khác”.

Có thể thấy, lý do xin chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của các doanh nghiệp trên đều không thuộc trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin và đều được yêu cầu khẩn trương khắc phục, đi kèm với nhiều hình phạt như kiểm soát đặc biệt, hạn chế giao dịch, cắt margin hoặc thậm chí hủy niêm yết bắt buộc với nhiều trường hợp như trường hợp của các mã cổ phiếu BII, HAI...

Nhìn chung, những doanh nghiệp đang xin hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán đều đưa ra những lý do viện dẫn "hợp tình" nhưng chưa “hợp lý”, và nếu nhìn vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp thì hầu hết đều ghi nhận kết quả trì trệ.

Điển hình, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lũy kế âm 10.452 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 34.200 tỷ đồng. Theo HOSE, nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 của “ông lớn” ngành hàng không này tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu âm, cổ phiếu HVN sẽ bị hủy niêm yết.

Với Hoà Bình, theo báo cáo tự lập, trong quý IV/2022, công ty lỗ 1.202 tỷ đồng và lũy kế cả năm lỗ 1.140 tỷ đồng. Sau đó, kiểm toán xác định số lỗ của công ty năm 2022 là gần 2.600 tỷ đồng.

Trong khi đó, cả Novaland và Hải Phát đều gặp phải những khó khăn chung của ngành bất động sản và thị trường trái phiếu biến động tiêu cực.... dẫn tới kết quả kinh doanh năm 2022 cũng không khả quan.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp không muốn công bố các thông tin “bết bát” này ra thị trường đúng lịch. Điều này cũng dễ hiểu khi trên thực tế, việc công bố thông tin này có dẫn tới làn sóng bán tháo cổ phiếu của nhà đầu tư, tác động mạnh tới quy mô vốn hóa doanh nghiệp và có thể kèm theo những đợt giải chấp hàng loạt như từng diễn ra ở NVL, HPX hay nhiều cổ phiếu khác như trong giai đoạn cuối năm 2022. 

Ngoài ra, những “hình phạt” từ phía cơ quan quản lý như hủy niêm yết bắt buộc hay hạn chế/cấm giao dịch cũng khiến các doanh nghiệp tìm cách trì hoãn trong từng đợt công bố thông tin.

Về phía các công ty kiểm toán, với chức năng và nhiệm vụ của mình, các tổ chức này cần thu thập đầy đủ những hồ sơ trọng yếu, cần thiết để qua đó có thể đưa ra ý kiến về tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính các doanh nghiệp. Nhờ vậy, nhà đầu tư có được một góc nhìn khách quan và đúng đắn hơn về thông tin mà họ được tiếp cận và là cơ sở để đưa ra những quyết định đầu tư.

Trong điều kiện doanh nghiệp “không thể” cung cấp đủ hồ sơ theo yêu cầu, đơn vị kiểm toán thường sẽ “Từ chối đưa ra ý kiến” hoặc “Ý kiến kiểm toán ngoại trừ”, điều này cũng gây tác động tiêu cực đáng kể tới doanh nghiệp hay các mã cổ phiếu khi mà nhà đầu tư gần như không có được cơ sở chính xác để đưa ra quyết định giao dịch của mình. Chính điều này cũng là “rào cản” cho việc các doanh nghiệp và đơn vị kiểm toán đồng thuận ký kết bản báo cáo tài chính được công bố.

Trong một vài trường hợp, phía doanh nghiệp và đơn vị kiểm toán vẫn "kịp thời" tìm được tiếng nói chung như đối với trường hợp vừa qua của Novaland. Theo đó, hãng kiểm toán PwC Việt Nam đồng ý đưa ra ý kiến về BCTC hợp nhất của Novaland "đã phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính của Novaland tại ngày 31/12/2022". Tuy nhiên, mặc dù không đưa ra ý kiến ngoại trừ, PWC vẫn lưu ý người đọc về "khả năng hoạt động liên tục của Novaland" do những quan ngại về tình hình vay nợ, trái phiếu và dòng tiền thanh toán của Novaland.

Bên cạnh những vướng mắc tài chính, trong thời gian qua, không ít doanh nghiệp cũng rơi vào tình cảnh “bế tắc” và chậm trễ công bố thông tin khi nhiều doanh nghiệp vướng vào vòng “lao lý”. Điều này cũng tạo gây không ít khó khăn trong việc hoàn thiện kiểm toán báo cáo tài chính thường niên.

Như trường hợp của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) - công ty có liên quan đến trái phiếu của nhóm công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, theo văn bản giải trình, doanh nghiệp này cho biết công ty có gửi thư chào và liên hệ với tất cả công ty kiểm toán trong danh sách được UBCKNN chấp thuận kiểm toán, nhưng đều không được phản hồi hoặc không đồng ý cung cấp dịch vụ kiểm toán cho TVSI. 

Ở một trường hợp khác, Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt (TVB) cho biết đã lập báo cáo tài chính 2022 theo quy định và công ty kiểm toán cũng đã thực hiện kiểm toán. Tuy nhiên, cựu chủ tịch HĐQT TVB ông Phạm Thanh Tùng đã bị khởi tố với cáo buộc "thao túng thị trường chứng khoán" nên công ty đã bầu bà Nguyễn Thị Rồng làm người đại diện pháp luật thay ông Tùng, thủ tục vẫn đang chờ phê duyệt nên báo cáo tài chính kiểm toán vẫn chưa thể được TVB công bố.

Tập đoàn FLC kể từ sau khi ban lãnh đạo vướng vào lao lý, việc công bố báo cáo tài chính kiểm toán bị gián đoạn. Đến nay FLC vẫn chưa thể công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 và 2022. Cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết trên HOSE, sau đó tiếp tục bị đình chỉ giao dịch trên sàn UPCom.

Trên thực tế, việc chậm nộp BCTC sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng tới giới đầu tư. Việc thông tin thiếu rõ ràng, khiến nhà đầu tư không thể ra quyết định, hoặc quyết định thiếu chính xác hoạt động đầu tư, mua bán cổ phiếu của doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, điều này có thể tạo điều kiện cho những giao dịch nội gián, dựa trên thông tin quan trọng, không được công khai về doanh nghiệp, qua đó có thể dẫn tới những hoạt động đầu tư thiếu bền vững, chủ yếu mang tính "lướt sóng". Đó là chưa kể đến câu chuyện thông tin được “xào nấu” trên báo cáo tài chính tự lập của các doanh nghiệp niêm yết.